| Hotline: 0983.970.780

'Dân giận' là hỏng

Thứ Ba 10/03/2015 , 06:20 (GMT+7)

Xuất phát điểm thấp nhưng do công tác dân vận khéo, Song Phượng (Đan Phượng, Hà Nội) đã “lôi kéo” được người dân vào cuộc xây dựng NTM.

Vừa tuyên truyền vận động xã vừa đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân tăng gia SX, phát triển kinh tế. Chủ tịch xã Bùi Văn Đức bảo, dân vận làm sao phải khéo, không thành “dân giận” là hỏng việc ngay.

Hai mũi tiến công

Năm 2010, khi tiến hành khảo sát, Song Phượng mới đạt vỏn vẹn 2/19 tiêu chí xây dựng NTM (bưu điện và văn hóa). Kinh tế của xã chưa phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Và đặc biệt,  xã chưa hình thành được các mô hình SX hàng hóa tập trung. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao nhưng thu nhập bình quân đầu lại thấp.

Lúc này, lãnh đạo xã Song Phượng đã vạch ra hai “mũi tiến công” chiến lược để xây dựng NTM. Một mặt, quy hoạch lại vùng SX, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển SX, nâng cao đời sống kinh tế. Mặt khác, tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được những lợi ích thiết thực mà NTM đem lại.

Bắt tay vào làm, Song Phượng tiến hành chuyển đổi cây trồng 12 ha đất lúa kém năng suất sang trồng hoa. Đến nay, diện tích trồng hoa của toàn xã ước đạt gần 30 ha. Xã cũng thành lập quỹ tín dụng nội bộ giúp đỡ các xã viên vay vốn để SX.

Tại hai thôn Tháp và thôn Thu, người dân đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để SX, xây dựng hệ thống nhà lưới trồng hoa. Có “cú hích”, anh Trần Văn Hải, thôn Tháp, mạnh dạn chuyển đổi 1 ha lúa sang trồng hoa ly. Kinh nghiệm 4 năm trồng hoa ly đã giúp anh  nhiều vụ trúng lớn. Vụ nào trúng đậm thì lãi cả tỷ đồng. Năm nào bình bình cũng kiếm được vài trăm triệu. Đời sống kinh tế gia đình được nâng lên rõ rệt. Dẫu vậy, cũng có vụ hoa rớt giá, anh phải bù lỗ.

Anh Nguyễn Văn Duyến cùng thôn Tháp thì chuyển đổi 1 mẫu đất trồng lúa sang trồng hoa cúc kết hợp hoa đồng tiền. Hoa cúc, hoa đồng tiền có giá trị không cao bằng hoa ly nhưng bù lại rất dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh. Hôm chúng tôi về thăm, dưới trời mưa phùn, hai vợ chồng anh Duyến vẫn hăng say làm việc trên cánh đồng hoa cúc.

2150135607
Mô hình trồng hoa ly đem lại lợi nhuận cao cho người dân Song Phượng

“Chúng tôi luôn xác định xây dựng NTM chính là đầu tư cho nhân dân, nâng cao đời sống cho nhân dân. Chính vì vậy, mọi việc từ lớn đến nhỏ chúng tôi đều để nhân dân bàn bạc công khai, thông qua ý kiến người dân mới đi đến thống nhất”, ông Đức nói.

Chị Hội, vợ anh Duyến hồ hởi cho biết, trên diện tích một mẫu đất trồng hoa, một năm trừ mọi chi phí, gia đình cũng lãi được từ 200 - 300 triệu đồng. Công việc trồng hoa không vất vả như trồng lúa trước đây nhưng ngày nào cũng phải ra đồng kiểm tra, cắt tỉa.

Ngoài quy hoạch vùng trồng hoa, Song Phượng còn dành 27 ha SX giống lúa chất lượng, ngô nếp, cùng khu trồng rau cao cấp ở đồng Vòng, diện tích 5 ha các giống như cam Canh, bưởi Diễn, ngô ngọt...

Ngoài vốn, chính quyền xã tiến hành hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tạo điều kiện cho người dân SX. Tổng chiều dài đường giao thông, kênh mương được xây dựng là 3,5 km với kinh phí 7 tỷ đồng.

Các cán bộ của HTX NN Song Phượng thường xuyên được đi tập huấn kiến thức về giống, sâu bệnh. Những giống cây năng suất, chất lượng sẽ được đội ngũ này đưa về cho người dân SX.

Đồng hành cùng bà con suốt quá trình SX, chăm sóc, hướng dẫn trừ sâu bệnh. Những hộ tham gia SX giống mới cũng sẽ được xã hỗ trợ một phần phân bón, thuốc BVTV. Năm 2014, giá trị kinh tế/ha đất nông nghiệp của xã đạt 230 triệu đồng.

Trong những năm tới, Song Phượng phấn đấu đạt 400 triệu đồng/ha/năm.

"Dân giận" là hỏng

Chủ tịch xã Bùi Văn Đức chia sẻ, muốn NTM thành công, việc huy động sức dân cùng vào cuộc là việc phải ưu tiên hàng đầu. Vừa phải chăm lo đời sống nhân dân, vừa lựa sức dân cho những việc phù hợp. Làm mà không khéo thành “dân giận” thì hỏng việc ngay.

Ví dụ muốn mở thông một tuyến đường, phải để chính cho người dân thực hiện, giám sát, xã chỉ đóng vai trò hỗ trợ một phần, đánh giá kết quả.

Người dân hưởng ứng, xã hỗ trợ 50% vật liệu xây dựng. Phần còn lại người dân đóng góp. Cả xã có 60 -70 ngõ xóm nay được cứng hóa, bê tông phẳng lì. Tính ra, người dân đóng góp đến 70% tổng kinh phí xây dựng.

Ngoài hiến ngày công, nhiều hộ chịu “xén” cả tường, cả sân để mở rộng đường cho làng xóm. Điển hình như nhà ông Phương ở xóm Bãi, phá bỏ cả trăm mét tường bao để làm đường, dựng cột điện mới cho cả xóm.

Trong quá trình thực hiện, Song Phượng đã huy động được hơn 35 tỷ đồng từ trong nhân dân (chiếm 12% tổng nguồn vốn). Sau hơn 3 năm triển khai, năm 2014, địa phương này hoàn thành được 19 tiêu chí NTM.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.