| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã thu mua 600 tấn quả tươi mỗi năm, nhận hàng ngàn đơn hàng mỗi ngày

Thứ Hai 31/03/2025 , 06:21 (GMT+7)

HTX Quyết Thanh đầu tư công nghệ, chế biến quả tươi thành sản phẩm sấy dẻo, sấy khô, giúp nâng tầm giá trị đặc sản Sơn La và ổn định đầu ra cho nông dân.

Gian nan nhưng không nản

Tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thanh, nằm khiêm tốn ở tiểu khu Khí tượng (thị xã Mộc Châu, Sơn La), bà Lương Thị Thanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX), với ánh mắt đầy nhiệt huyết, giới thiệu từng gói sản phẩm trái cây sấy khô, sấy dẻo. Những loại nông sản đặc trưng của cao nguyên Mộc Châu như mận, hồng giòn, xoài, đu đủ, chanh leo… được chế biến, đóng gói trong các bao bì đẹp, hấp dẫn, ghi rõ địa chỉ, thời gian sản xuất và hạn sử dụng.

Bà Lương Thị Thanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thanh giới thiệu các sản phẩm sấy khô, sấy dẻo của HTX. Ảnh: Duy Học.

Bà Lương Thị Thanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thanh giới thiệu các sản phẩm sấy khô, sấy dẻo của HTX. Ảnh: Duy Học.

Nhìn những miếng hồng giòn, chuối, xoài óng ánh sắc vàng, khẽ chạm vào đầu lưỡi cảm nhận sự mềm mại, hương thơm tự nhiên lan tỏa, không ai nghĩ rằng, để có được những sản phẩm tinh tế ấy, HTX đã trải qua không ít khó khăn.

Bà Thanh chia sẻ, vùng đất Mộc Châu trù phú nhưng nông sản chủ yếu tiêu thụ dưới dạng tươi, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào thương lái, giá cả bấp bênh. Từng chứng kiến cảnh “được mùa mất giá”, bà và chồng đã nảy ra ý tưởng tạo ra một hướng đi bền vững hơn cho nông sản quê hương.

Năm 2016, trong một chuyến đi Thái Lan, họ tình cờ thấy những gói xoài sấy có giá lên tới 200.000 đồng. Điều đó thôi thúc họ tìm hiểu, học hỏi. Không chần chừ, năm 2018, vợ chồng bà quyết định vào miền Nam để học cách sấy xoài, hồng. Cũng trong năm đó, họ mạnh dạn đầu tư 120 triệu đồng mua chiếc máy sấy đầu tiên từ Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghiệp sau thu hoạch. Năm 2018, HTX Nông nghiệp Quyết Thanh chính thức được thành lập.

Bà Thanh nhớ lại những ngày đầu gian nan nhưng đầy hy vọng. Trong một lần xuống Hòa Bình dự hội thảo, vợ chồng bà gặp được một kỹ sư có kinh nghiệm và thuê anh hỗ trợ vận hành máy trong một tháng. Khi sản phẩm đầu tiên nhận được phản hồi tích cực, họ quyết định nâng cấp lên máy sấy công suất lớn hơn.

Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp không dễ dàng. Năm 2020 - 2021, khi HTX vừa đầu tư dây chuyền mới thì đại dịch Covid-19 ập đến, hàng hóa làm ra không tiêu thụ được. Vượt qua giai đoạn khó khăn, đến năm 2022, khi dịch bệnh dần ổn định, các sản phẩm hoa quả sấy của HTX bán rất chạy, mở ra hướng đi đầy triển vọng.

Khẳng định giá trị bằng sản phẩm OCOP

HTX Quyết Thanh hiện có 43 thành viên, sở hữu vùng nguyên liệu rộng 40 ha. Ngoài việc bán hoa quả tươi, HTX tập trung vào chế biến sâu, mỗi năm giải quyết đầu ra khoảng 600 tấn quả tươi, chủ yếu là mận hậu Sơn La, tương đương khoảng 100 tấn sấy.

Hiện tại, HTX sở hữu 6 máy sấy hiện đại, trong đó có 1 máy của Nhật, 2 máy của Hàn Quốc và 3 máy của Việt Nam. Nhìn chung, máy sản xuất trong nước mang lại hiệu quả cao hơn cả, thậm chí HTX đang đặt thêm một máy sấy thăng hoa trị giá hơn 300 triệu đồng để nâng cấp quy trình chế biến.

Sản phẩm trái cây sấy của HTX không chỉ giữ nguyên hương vị tự nhiên mà còn đáp ứng thị hiếu đa dạng của từng vùng miền. Nhờ công nghệ sấy tiên tiến, sản phẩm không sử dụng đường hay chất bảo quản, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Những loại nông sản đặc trưng của cao nguyên Mộc Châu như mận, hồng giòn, xoài, đu đủ, chanh leo… được chế biến, đóng gói trong các bao bì đẹp, hấp dẫn. Ảnh: Duy Học.

Những loại nông sản đặc trưng của cao nguyên Mộc Châu như mận, hồng giòn, xoài, đu đủ, chanh leo… được chế biến, đóng gói trong các bao bì đẹp, hấp dẫn. Ảnh: Duy Học.

Hiện nay, HTX có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. HTX đang hoàn thiện hồ sơ để nâng tổng số sản phẩm OCOP lên 8 sản phẩm, trong đó có hồng và bơ sấy. Việc đạt chứng nhận OCOP giúp HTX khẳng định chất lượng, mở rộng thị trường và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Vào vụ mùa, HTX tạo việc làm cho khoảng 30 - 40 lao động, chủ yếu là người dân địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định và gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Ngoài thời gian cao điểm, HTX vẫn duy trì đội ngũ 15 - 20 công nhân làm việc thường xuyên trong xưởng chế biến.

Các công nhân tại đây có mức thu nhập trung bình 7 - 8 triệu đồng/tháng, được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi theo quy định, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác. Môi trường làm việc tại HTX cũng được đảm bảo an toàn, sạch sẽ, giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài.

Dù đạt được nhiều thành công, nhưng bà Thanh cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là quy mô xưởng chế biến còn nhỏ, mặt bằng sản xuất hạn chế. Nếu có điều kiện mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm thiết bị hiện đại, HTX có thể nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng.

Kết nối công nghệ và chuỗi giá trị

HTX Quyết Thanh không chỉ sản xuất mà còn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua thương mại điện tử. Ban đầu, vợ chồng bà Thanh từng nghi ngờ về hiệu quả của TikTok, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Năm 2024, TikTok trở thành kênh bán hàng chủ lực, giúp sản phẩm của HTX lan tỏa rộng khắp 63 tỉnh, thành và cả thị trường quốc tế.

HTX tạo việc làm thường xuyên cho 15 - 20 công nhân tại xưởng chế biến. Ảnh: Quang Dũng.

HTX tạo việc làm thường xuyên cho 15 - 20 công nhân tại xưởng chế biến. Ảnh: Quang Dũng.

“Có ngày chúng tôi nhận đến 1.000 - 2.000 đơn hàng, nằm trong top 3 kênh bán hàng mạnh nhất trên TikTok”, bà Thanh chia sẻ. Để đạt được kết quả này, HTX đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào bao bì, tem nhãn, mã vạch điện tử để truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho khách hàng.

Ước tính mỗi năm, HTX đạt doanh thu khoảng 20 tỷ đồng, vừa từ tiêu thụ trái cây tươi vừa từ chế biến. Các thành viên không chỉ được hỗ trợ kỹ thuật mà còn đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập.

Hành trình từ những ngày đầu loay hoay với chiếc máy sấy nhỏ đến một HTX quy mô, cung cấp sản phẩm OCOP chất lượng cao cho thị trường cả nước, là minh chứng cho sự bền bỉ, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm. Không chỉ giải quyết đầu ra cho hàng trăm tấn trái cây tươi mỗi năm, HTX Quyết Thanh còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, mở ra một hướng đi bền vững cho nông sản Sơn La.

Ông Lê Đăng Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Mộc Châu, Sơn La cho biết, HTX Nông nghiệp Quyết Thanh là một mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết chặt chẽ, từ khâu trồng trọt, thu mua, chế biến đến cung ứng sản phẩm ra thị trường. HTX đã trở thành điểm tựa vững chắc cho các thành viên cũng như bà con nông dân trong khu vực, đặc biệt trong việc thu mua các loại nông sản chủ lực như mận hậu, hồng giòn… Thông qua quá trình sấy dẻo, sấy khô, HTX không chỉ giúp bảo quản sản phẩm lâu hơn mà còn nâng cao giá trị kinh tế, mở ra hướng đi bền vững cho nông sản địa phương.

Xem thêm
Hướng dẫn ASEAN về chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Hướng dẫn cung cấp lộ trình giúp các quốc gia ASEAN thúc đẩy nông nghiệp sinh thái như một phương thức chuyển đổi hướng tới nền nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững.

Hòa Phong về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu

PHÚ YÊN Sau nhiều năm nỗ lực, xã Hòa Phong đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.