| Hotline: 0983.970.780

Xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm

Đồng loạt chối tội!

Thứ Tư 21/05/2014 , 08:44 (GMT+7)

Lần lượt các bị cáo được chủ tọa phiên tòa hỏi có nhất trí với buộc tội của VKS và ý thức được hành vi phạm tội của mình không, song Bầu Kiên cùng các bị cáo khác đều khẳng định mình vô tội.

Ngày 20/5, TAND TP Hà Nội tái mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Lần này, do bị cáo Trần Xuân Giá vẫn vắng mặt vì mắc bệnh hiểm nghèo, nên HĐXX quyết định đình chỉ vụ án riêng với ông Trần Xuân Giá và vẫn tiếp tục xét xử Bầu Kiên cùng những bị cáo khác… 

Theo cáo trạng, bầu Kiên bị VKS đề nghị truy tố 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về hành vi kinh doanh trái phép, từ 15/5/2007 đến 3/8/2012, Bầu Kiên đã thông qua 6 Cty gồm: Cty CP Đầu tư Thương mại B&B, Cty CP Tập đoàn Tài chính Á Châu, Cty CP Đầu tư ACB Hà Nội (Cty ACBI), Cty TNHH  Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Cty CP Phát triển sản xuất và XNK Thiên Nam do Kiên làm Chủ tịch HĐQT hoặc làm Chủ tịch HĐTV để tổ chức hoạt động kinh doanh không đúng với đăng kí kinh doanh.

Kiên lợi dụng các cơ quan tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu, vàng với tổng số tiền trên 21,4 ngàn tỉ đồng. 

Ở hành vi trốn thuế, lợi dụng chính sách của Nhà nước về miễn thuế thu nhập cá nhân, Kiên đã kí hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Cty B&B với Nguyễn Thúy Hương (em gái) để chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp sang cá nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN cho Cty B&B với số tiền trên 25 tỉ đồng.

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù Cty ACBI đang thế chấp 20 triệu cổ phần của Cty CP Thép Hòa Phát để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ tại Ngân hàng ACB nhưng Kiên với tư cách là Chủ tịch HĐQT của  Cty ACBI đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh (giám đốc) và Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán) lập khống biên bản họp và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương bán 20 triệu cổ phần Cty CP Thép Hòa Phát mà Cty ACBI đang sở hữu để tạo lòng tin cho Cty TNHH MTV Thép Hòa Phát kí hợp đồng mua cổ phần và chuyển giao số tiền 264 tỉ đồng nhưng không được sở hữu số cổ phần đã mua.  

Ở hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, VKS buộc tội Kiên cùng với các thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB gồm Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kì, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải đã chỉ đạo việc ủy thác số tiền xấp xỉ 719 tỉ đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TPHCM để rồi toàn bộ số tiền ủy thác trên đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. 

Theo VKS, hành vi thống nhất và ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào Vietinbank của Kiên và các thành viên HĐQT Ngân hàng ACB là làm trái với quy định tại điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB.

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên đề nghị HĐXX triệu tập thêm nhân chứng, bổ sung tài liệu, lời khai của những người có liên quan trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và xem xét thẩm tra lại toàn bộ chứng cứ.

Riêng Bầu Kiên xin có ý kiến đề nghị HĐXX bổ sung đơn của bị cáo gửi cơ quan điều tra về việc cần thay đổi điều tra viên và đề nghị bổ sung lời khai của bà Lâm – GĐ Chi nhánh Thăng Long, Ngân hàng ACB.

“Tôi chịu trách nhiệm  trong việc tôi làm. Không trốn tránh! Nhưng tôi đề nghị tòa triệu tập đại diện Phòng Thương mại- Công nghiệp VN (VCCI) và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan với tư cách nhân chứng soạn thảo Luật Doanh nghiệp để làm rõ những vấn đề liên quan”, bầu Kiên nói.

Mặc dù, đại diện VKS cho rằng danh sách nhân chứng triệu tập đã đủ và không cần phải triệu tập thêm ngoài danh sách nhưng Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính khẳng định trong quá trình xét xử  nếu thấy cần thiết sẽ triệu tập thêm nhân chứng theo đề nghị của luật sư. HĐXX cũng đã triệu tập bà Lâm và cung cấp văn bản pháp luật theo yêu cầu của bị cáo Kiên. 

Vào phiên xét xử, lần lượt các bị cáo được chủ tọa phiên tòa hỏi có nhất trí với buộc tội của VKS và ý thức được hành vi phạm tội của mình không, song Bầu Kiên cùng các bị cáo khác đều khẳng định mình vô tội.

Bị cáo Trần Ngọc Thanh, GĐ Cty ACBI được thẩm vấn đầu tiên vì là người trực tiếp kí hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phần của Cty Thép Hòa Phát. Ban đầu bị cáo Thanh vẫn phủ nhận tội với lý do không được Chủ tịch HĐQT cho biết về hoạt động trên và chỉ kí khi hồ sơ, thủ tục đã được hoàn tất.

Tuy nhiên, trong nhận thức bị cáo Thanh thừa nhận là cổ phần của Cty Thép Hòa Phát mang thế chấp thì phải báo cho Cty và ngược lại khi chuyển nhượng cổ phần thế chấp nói trên cũng phải được sự đồng ý của Ngân hàng ACB.

“Sai lầm của tôi là tin vào Chủ tịch HĐQT, khi hồ sơ đã chuyển đến tay tôi thì tôi tin rằng mọi thủ tục đã đúng, đủ hết. Chính vì thế hôm nay tôi mới đứng trước vành móng ngựa”, bị cáo Thanh trình bày.

Trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Yến khai đã làm thủ tục giải chấp và thay đổi tài sản thế chấp bằng 7,4 triệu cổ phần của ngân hàng, tuy nhiên Ngân hàng ACB đã trả lời bằng email là giá trị tài sản bảo đảm còn thiếu và đề nghị Cty ACBI có phương án kế hoạch bổ sung tài sản bảo đảm còn thiếu để có hướng xử lý.  

Sau khi nhận được nội dung phản hồi của Ngân hàng ACB, Nguyễn Thị Hải Yến đã báo cáo lại cho Nguyễn Đức Kiên nhưng Kiên không có ý kiến chỉ đạo hay hướng giải quyết. Đến ngày 12/9/2012 lãnh đạo Ngân hàng ACB và các thành viên Ủy ban tín dụng Ngân hàng ACB đã họp bàn, kết luận không đồng ý giải chấp theo đề nghị của Cty ACBI...

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất