| Hotline: 0983.970.780

Gánh nặng quê nghèo: Thu thuế nông nghiệp là trái Nghị quyết Quốc hội

Thứ Hai 13/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

"Tôi thấy đau xót khi Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ càng khoan thư sức dân bao nhiêu thì ở dưới lại “bóp nghẹt” cho người dân thêm khổ cực bấy nhiêu..." - ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, trò chuyện với PV NNVN./ Có thứ quỹ gọi là 'nuôi cán bộ'

Ông Lê Như Tiến (ảnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, cho biết: "Tôi đã đọc rất kỹ loạt phóng sự điều tra “Gánh nặng quê nghèo” của Báo NNVN khởi đăng từ ngày 6/7 . Chuyên đề báo nêu đang là vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. 

ong-le-nhu-tien165124821

Đó là sự đớn đau của người nông dân trước các khoản thuế, phí bất hợp pháp mà cơ quan công quyền đặt ra. Trong đó có những khoản thuế Nhà nước đã miễn, giảm bao năm nay rồi mà người nông dân vẫn không được thụ hưởng".

Bạn hỏi, cảm xúc sau khi đọc loạt bài này ư? Điều đầu tiên của tôi là cảm thấy chua xót và đau lòng. Tôi không thể tưởng tượng vùng quê giàu truyền thống cách mạng yêu nước, thương dân như Can Lộc (Hà Tĩnh) lại để xảy ra những việc như thế?

Tôi thấy hình ảnh trong bài viết “Những giọt nước mắt trong chiến dịch thu ngân sách” thật chua xót, khi mà hạt lúa vào bồ không còn bao nhiêu? Khi nông dân không thể sống được trên mảnh ruộng của mình thì họ sẽ ly hương, ly điền kiếm cơm gạo. Các nhà quản lý phải ý thức sâu sắc chỗ đó.

Thu như thế dân chịu sao nổi!

Thế thì lúc đó người nông dân đã nghèo lại còn nghèo khó hơn, thậm chí có những gia đình lâm vào cảnh túng quẫn vì những khoản thu trái quy định?

Đúng vậy. “Gánh nặng quê nghèo” đặt ra nhiều vấn đề. Trước hết là việc chính quyền lập ra những khoản thu như thế để làm gì? Có được luật pháp cho phép thu không? Thu để đầu tư phục vụ cho nhân dân hay để nuôi bộ máy cồng kềnh, không cần thiết.

Tôi tán đồng các ý kiến khẳng định của lãnh đạo Sở NN - PTNT và các phòng chuyên môn của Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh trong các bài viết. Ở đây không chỉ thu bất hợp lý mà còn loạn các khoản thu bất hợp pháp. Nếu chúng ta không cẩn thận, không quản lý tốt thì những khoản thuế, phí bất hợp pháp này sẽ là gánh nặng ghê gớm cho người dân, đẩy người dân tới chỗ sức tàn, lực kiệt.

Lẽ ra, những công trình như kênh mương nội đồng, trường học, trạm y tế, trụ sở ủy ban xã thì nhà nước phải lo cho dân, không bắt người dân đóng góp.

Thưa ông, nhưng chính quyền xã và lãnh đạo huyện vẫn bảo rằng, thu theo Pháp lệnh 34 của Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn?

Cái này cứ hỏi nhân dân thì sẽ biết rõ là họ đã được họp bàn, thống nhất chưa? Báo viết là nhân dân không biết những khoản thu đó. Họ tìm cán bộ hỏi nhưng cũng chẳng nhận được lời giải thích thấu đáo thì thử hỏi việc thực hiện quy chế dân chủ ở đó đã đúng với tinh thần của pháp lệnh chưa? Hay là thu dưới danh nghĩa vận động đóng góp. Đã vận động thì để người dân tự nguyện chứ, sao lại áp đặt bằng các quy định của HĐND và UBND xã?

Nếu tình hình này vẫn diễn ra thì rõ ràng người nông dân không còn cách nào khác là phải ly hương và ly điền. Để người nông dân không thể sống được với chính đồng ruộng của mình đành tha phương cầu thực trong bao khó khăn nhọc nhằn là chúng ta có lỗi.

Người xưa, bậc đại khai quốc công thần Ức Trai Nguyễn Trãi từng đúc kết “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Chỉ có yên dân thì mới làm nên được mọi việc. Chèo thuyền cũng là dân và lật thuyền cũng là dân cơ mà? Đã thêm cực nhọc muôn phần lại còn thêm các khoản thuế, phí nữa thì dân chịu sao nổi.

Còn thu thuế nông nghiệp là liều lĩnh

Thưa ông, với tư cách một nhà lập pháp, ông thấy khoản thu nào trong chuyên đề "Gánh nặng quê nghèo" là bất hợp pháp và nặng nề nhất?

Tôi thấy nhiều khoản lắm, nhưng có một khoản mà tôi cho rằng chính quyền xã Thường Nga đã thu trái với quy định của pháp luật. Điều này thì lãnh đạo các Sở Tài chính, Sở NN - PTNT tỉnh Hà Tĩnh cũng đã khẳng định như thế rồi. Đó là khoản thu theo hạng đất như báo phản ánh mà năm nay họ núp bóng dưới danh nghĩa là “Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất”.

Tôi khẳng định, đến bây giờ mà còn thu của người trồng lúa theo hạng đất, theo kg/sào là thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, một sắc thuế mà Quốc hội đã có Nghị quyết, Chính phủ đã có Nghị định hướng dẫn thi hành bắt buộc các cấp, ngành, địa phương phải chấp hành nghiêm túc vì đây là chính sách ưu việt khoan thư sức dân bao đời nay của Nhà nước ta.

Ông có thể nói rõ hơn về các quy định này?

Cái này làm sao tôi quên được vì tôi là một trong số các Đại biểu Quốc hội đã bấm nút tán thành việc thông qua. Đó là Nghị quyết số 55 ngày 24/11/2010 được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8. Đến ngày 23/3/2011, Chính phủ có Nghị định 20 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 55. Điều 1 của Nghị quyết và Nghị định này nêu rõ đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như sau:

1. Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, SX thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.

2. Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo. Và một số đối tượng khác nữa được miễn, giảm ghi rõ trong Nghị quyết và Nghị định này.

Ông và nhiều người khẳng định rằng thu theo hạng đất là thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, vậy căn cứ nào để chứng minh điều đó thưa ông?

Đó là Điều 5 Chương II Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp đã quy định rất rõ về các căn cứ tính thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó có 3 căn cứ rất rõ ràng: Diện tích; Hạng đất và Định suất thuế tính bằng kilôgam thóc trên một đơn vị diện tích của từng hạng đất.

Việc chính quyền xã vẫn còn đè dân ra để thu thuế sử dụng đất nông nghiệp của nông dân là quá liều lĩnh, trái với pháp luật và trái với đạo lý. Tôi thấy đau xót khi Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ càng khoan thư sức dân bao nhiêu thì ở dưới lại “bóp nghẹt” cho người dân thêm khổ cực bấy nhiêu.

Trong khi nhiều tỉnh thành trong cả nước chủ động bãi bỏ đi những loại phí không cần thiết mặc dù Nhà nước vẫn cho thu như phí giao thông đường bộ đối với xe máy thì Hà Tĩnh lại đẻ ra không biết bao khoản phí trái ngang?

Đề nghị Hà Tĩnh kiểm tra ngay

Thưa ông, việc để các xã loạn thu các loại thuế, quỹ bất hợp pháp diễn ra trong một thời gian dài như thế thì UBND tỉnh Hà Tĩnh cần làm gì để chấm dứt tình trạng này?

Tôi đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh phải thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra rà soát toàn bộ các văn bản và các khoản thu trái pháp luật, không có căn cứ pháp lý như phản ánh của Báo NNVN. Yêu cầu chính quyền các xã, huyện chấm dứt ngay việc thu các khoản sai phạm này. Kiên quyết xử lý cán bộ, công chức, những người đứng ra thu các khoản này và những ai chủ trương cho thu các khoản này cũng phải quy trách nhiệm rõ ràng.

Có làm được như vậy thì người dân mới bớt khổ và mặn mà bám lấy ruộng. Đừng để người dân phải ly hương, ly điền. Người ta rất xót xa vì quê hương lúc đó không còn là chùm khế ngọt nữa mà là chùm trái đắng.

Dư luận đã nói rất nhiều đến tình trạng phình bộ máy, lạm phát cán bộ tạo gánh nặng cho người dân trong việc đóng thuế, phí để nuôi bộ máy. Là ĐBQH, ông có trăn trở gì về điều này?

Đúng là dư luận cho rằng có loại cán bộ sáng cắp ô đi tối cắp về. Tại kỳ họp thứ 9 vừa rồi của Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói là có tình trạng như thế. Tỷ lệ bao nhiêu thì phải chờ thống kê.

Tôi thì cho rằng, loại công chức sáng cắp ô đi tối cắp về có từ Trung ương đến cơ sở. Loại này sẽ chẳng vì dân đâu mà chỉ lo cho bản thân họ thôi. Tôi từng thẳng thắn nói với Chính phủ trước Quốc hội rằng, thành hay bại của mọi chủ trương, chính sách đều từ con người, do con người. Vậy mà vẫn còn một bộ phận không nhỏ là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước có những hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, quan cách, hách dịch, vô cảm, vô tâm, xa dân gần quan, lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử với người dân. Tự đánh mất năng lực lắng nghe và năng lực tiếp thu, quên hẳn trong bộ nhớ hai từ cảm ơn và xin lỗi khi thực thi công vụ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lỡ thu sai thì hoàn trả cho dân

Thưa ông, việc chính quyền nhiều xã ở huyện Can Lộc thu các khoản của nhân dân trái với quy định của pháp luật thì bây giờ UBND xã có phải trả lại cho nhân dân không?

Theo tôi, trước hết, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh phải chỉ đạo xử lý để chấm dứt ngay việc chính quyền các xã tự đặt ra các khoản thu trái với quy định của pháp luật. Cùng với đó, phải nhận ra rằng, khoản nào mà lỡ thu trái với quy định, trái với đạo lý thì phải sớm hoàn trả và xin lỗi người dân.

Đồng thời phải chỉ ra được những cá nhân, tổ chức có chủ trương hoặc trực tiếp đứng ra thu những khoản sai trái và phải xử lý trách nhiệm của họ theo quy định của pháp luật.

Nhân dân rộng lượng lắm, lãnh đạo làm sai thì cứ chân thành xin lỗi dân một câu và thực hiện việc khắc phục những cái sai đó, nhân dân sẵn sàng tha thứ. Đừng có đánh mất năng lực lắng nghe và năng lực tiếp thu, quên hẳn trong bộ nhớ hai từ cảm ơn và xin lỗi khi thực thi công vụ.

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.