| Hotline: 0983.970.780

Gánh nặng quê nghèo: Có thứ quỹ gọi là 'nuôi cán bộ'

Thứ Sáu 10/07/2015 , 09:07 (GMT+7)

Nhiều xã ở huyện Can Lộc lập riêng các tài khoản để quản lý số tiền thu được trong các chiến dịch thu nộp sản phẩm, gọi là quỹ chuyên dùng để phục vụ các hoạt động của địa phương. Mức huy động 350.000.000 - 1,7 tỷ đồng/xã./ Loạn các khoản thu bất hợp pháp

Sẽ rất nhiều người đặt câu hỏi: Một số xã thuộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) rốt ráo thực hiện "chiến dịch thu sản" sau mỗi vụ thu hoạch để làm gì? Xin thưa, để phục vụ nhu cầu chi tiêu một số công tác ở địa phương và không ít trong số đó dùng để chi trả cho đội ngũ giúp việc còn rất cồng kềnh.

"Bộ máy rườm rà, mần tội dân!"

Ngoài tài khoản chính để giao dịch thường xuyên, nhiều xã ở huyện Can Lộc còn lập riêng các tài khoản để quản lý số tiền thu được trong các chiến dịch thu nộp sản phẩm, gọi là quỹ chuyên dùng để phục vụ các hoạt động của địa phương. Mức huy động một xã từ 350.000.000 đồng đến 1,7 tỷ đồng.

Một phần loại quỹ này được trích để chi trả cho đội ngũ cán bộ, giúp việc không được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Có nơi thu theo đầu sào, có nơi thu theo đầu khẩu, có nơi thu theo đầu hộ.

Có nơi mặc nhiên thừa nhận, có nơi cố tình lập lờ. Nhưng chắc chắn, "quỹ nuôi cán bộ" là một trong những gánh nặng trên vai người nông dân bởi đều đặn hàng năm họ phải góp thóc hoặc tiền để nuôi bộ máy mà có người cho rằng không cần thiết.

Trong phương án thu các loại quỹ năm 2015, xã Thanh Lộc xây dựng một loại quỹ có tên là "quỹ hành chính phúc lợi".

Chủ tịch UBND xã Lê Văn Nhiếu thẳng thắn thừa nhận, mục đích thu loại quỹ này nhằm chi trả chế độ cho những người hoạt động công tác ở xã, ở thôn không nằm trong đội ngũ cán bộ tịnh biên. "Từ hàng chục năm nay đã tồn tại loại quỹ này rồi", ông Chủ tịch nói.

Bằng hình thức "núp bóng" quỹ hành chính phúc lợi, mỗi năm, trong chiến dịch thu nộp sản phẩm, xã Thanh Lộc lên phương án thu của người dân hàng trăm triệu đồng để chi trả cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách.

Cụ thể, năm 2015 này, chính quyền địa phương đề ra mục tiêu phải thu được tổng số tiền 210.590.049 đồng trong mục quỹ hành chính phúc lợi. Hình thức thu theo đầu sào. Phương án thu, tổng số tiền được phân bổ đến các xóm. Tính bình quân, mỗi sào ruộng ở đây, ngoài các khoản đóng góp khác, nhân dân phải nộp 28.000 đồng/sào/2 vụ để "nuôi cán bộ".

Ông Nhiếu tính, bình quân mỗi thôn ở Thanh Lộc có khoảng 15 người hoạt động không chuyên trách. Xã có 10 thôn, ít nhất 150 người không được ngân sách trả lương. Đó là chưa kể hàng chục chức danh cấp phó ở xã. Tất cả họ đều "sống và làm việc" bằng những hạt thóc của dân.

16-18-43_nh-2
Phương án vận động thu ở xã Thanh Lộc

Không cần "núp bóng" bằng tên gọi khác như Thanh Lộc, ở xã Kim Lộc, người ta dành hẳn một cột trong phương án thu năm 2015 riêng cho loại quỹ có tên "trả công cán bộ không chuyên trách".

Trong mục V, Nghị quyết HĐND xã này cũng ghi rất rõ: Thu quỹ hỗ trợ cán bộ ngoài biên chế. Đối tượng thu: Mọi công dân có hộ khẩu trên địa bàn xã Kim Lộc. Mức thu 30.000 đồng/khẩu/năm. Kim Lộc có 1.118 hộ, gần 3.400 nhân khẩu. Sau khi rà soát, chính quyền địa phương đưa 2.900 khẩu vào diện phải thu loại quỹ này. Ước đạt khoảng 87.000.000 đồng. Tất cả chi hết cho những người hoạt động công tác ngoài biên chế.

Tổng số tiền nhân dân phải đóng góp xây dựng quỹ trả công cán bộ không chuyên trách được chi cụ thể như sau: Hỗ trợ ban công an 12.000.000 đồng; hỗ trợ đồng chí phụ trách bưu điện xã 2.400.000 đồng; hỗ trợ cho thủ quỹ xã 4.800.000 đồng; chi trả cho các đồng chí thường vụ hội xã, phó Chủ tịch Hội người cao tuổi, 6 người, 3.600.000 đồng; chi trả cho Thanh tra nhân dân 4.800.000 đồng;

Bảo vệ trụ sở làm việc 8.400.000 đồng; bảo vệ trạm y tế 4.800.000 đồng; trả lương cho Chủ tịch hội cựu TNXP, chất độc da cam, 6.210.000 đồng; chi hỗ trợ cán bộ Văn phòng Đảng ủy 11.868.000 đồng;

Chi trả công tác cán bộ chuyên trách văn hóa xã 1.800.000 đồng; chi trả công tác cán bộ thú y 800.000 đồng; chi trả đồng chí trưởng tiểu ban mặt trận thôn 3.726.000 đồng; hỗ trợ 7 đồng chí cán bộ ngoài biên chế 6.375.000 đồng; hỗ trợ các đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng thôn 16.560.000 đồng; bảo vệ trường 900.000 đồng...

Theo Nghị định 92 của Chính phủ, xã Kim Lộc có 22 chức danh được biên chế, mỗi tháng được hưởng 84.776.775 đồng tiền lương, phụ cấp từ nguồn ngân sách.

Ngoài ra, ở 6 thôn trên địa bàn xã, các chức danh Bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên, tổng cộng có 18 người được ngân sách hỗ trợ. Còn lại khoảng 100 người thuộc dạng không chuyên trách như Phó bí thư chi bộ, phó thôn, phó các chi hội và một số chức danh ở xã nhân dân phải góp để nuôi.

Theo điều tra của PV NNVN, chỉ riêng trong tháng 6/2015, xã Kim Lộc đã phải chi trả hơn 62.000.000 đồng cho đội ngũ cán bộ, giúp việc ngoài biên chế.

Trong số đó có những chức danh nghe khá lạ tai như bảo vệ di tích quốc gia, bảo vệ di tích cấp tỉnh... Lưu ý thêm, một năm, xã Kim Lộc chỉ chi 30.000.000 đồng cho công tác nông nghiệp, "nồi cơm" của hàng nghìn hộ dân.

16-18-43_nh3
Dự thảo chi trả công cho cán bộ không chuyên trách ở xã Kim Lộc

Những khoản chi có phần khủng khiếp so với hạch toán trên một sào ruộng ở vùng quê thuần nông này. Người dân mặc nhiên phải cắn răng gánh chịu, nhưng câu hỏi được đặt ra là đội ngũ cán bộ ngoài tịnh biên này đã làm những việc gì mà mỗi nhân khẩu phải đóng góp 30.000 đồng để nuôi?

Chúng tôi mang câu hỏi này trực tiếp xuống các thôn và khá bất ngờ là kể cả trưởng thôn Kim Thịnh, ông Nguyễn Hải Sơn cũng tỏ ra khá bất bình với khoản thu này: "Khoản "nuôi cán bộ" này nhiều bất cập lắm. Nói thật chứ bộ máy thì rườm rà, nhiều người nhưng không có tác dụng, chỉ tổ mần tội dân phải đóng góp để nuôi.

Tôi lấy ví dụ như các đoàn thể chẳng hạn. Đối với các hoạt động này thì chỉ cần một người là đủ rồi. Đành rằng, cũng có lúc ốm đau, cần có người thay thế, nhưng công việc của họ không phải thường xuyên.

Hay như trong bộ máy cấp xã chẳng hạn. Đã có anh văn phòng rồi lại sinh ra anh trực ủy ban, lại phải tốn thêm một người. Nhân viên văn phòng Đảng ủy cũng rứa, chỉ mỗi việc nước nôi thôi mà "tốn" thêm một người. Mà tôi cũng được biết, theo quy định, các chức danh kiêm kiệm thì chỉ hưởng vài chục phần trăm chế độ thôi, đằng này ở đây thấy hưởng hết".

Chỉ riêng thôn Kim Thịnh, tổng số tiền mà 222 hộ dân phải đóng góp cho quỹ trả công cán bộ không chuyên trách là 15.270.000 đồng. Có gia đình phải đóng tới 210.000 đồng như hộ Phan Công Tùng, 180.000 đồng như hộ Trần Văn Lục… Và có cả những gia đình không có tiền để đóng "nuôi cán bộ".

Không tinh giản nổi

Thực trạng nhân dân phải nai lưng đóng góp các khoản thu trong các chiến dịch, đặc biệt là đóng góp nuôi đội ngũ cán bộ, giúp việc cồng kềnh ở các địa phương vốn dĩ đã được tỉnh Hà Tĩnh rất quan tâm.

Bằng chứng là đề án sáp nhập các thôn xóm được triển khai khá quyết liệt, những mong tinh giản, giảm bớt gánh nặng cho người dân. Tuy nhiên thực tế, đội ngũ "hưởng lương, phụ cấp từ đóng góp của nhân dân" vẫn còn rất đông.

Trước năm 2007, xã Thường Nga chỉ có 8 thôn nhưng đến thời điểm hiện tại lại có tới 9 thôn và một cụm. Sau khi có Đề án 475 về việp sáp nhập thôn xóm, trong một văn bản gửi cấp trên, xã Thường Nga ghi: Thực hiện việc sáp nhập, xã Thường Nga giảm từ 8 thôn 2 cụm xuống còn... 9 thôn và một cụm.

Với thực trạng này, ngoài 20 chức danh biên chế, hàng tháng hưởng 75.557.000 đồng từ nguồn ngân sách, xã Thường Nga vẫn còn đội ngũ khá đông những người hoạt động từ nguồn đóng góp của nhân dân. Chỉ riêng đại biểu HĐND cấp xã đã phải chi trả 8.280.000 đồng, 15 người cấp phó chi trả 49.276.000 đồng... Xã này có tới 7 bảo vệ được hợp đồng và chi trả bằng nguồn đóng góp của nhân dân.

Điều đáng ngạc nhiên là dù thực hiện việc sát nhập thôn nhưng ở Thường Nga lại sinh ra các cụm dân cư như cụm Đại Vượng với đầy đủ chức danh, ban bệ đoàn thể chính trị xã hội. “Các chức danh này được hưởng phụ cấp hàng tháng đều đặn với mức 80% mức phụ cấp tương đương với cấp xóm”, ông Bùi Quang Ninh, cụm trưởng Đại Vượng cho biết.

Theo tính toán, mỗi tháng nhân dân cụm này phải đóng góp 1,7 triệu đồng để nuôi ông Cụm trưởng và các chức danh đoàn thể trong cụm. Tổng cộng, với 9 thôn và một cụm, xã Thường Nga có rất nhiều “cán bộ” nằm trong diện dân nuôi. Họ được chi trả chế độ từ nguồn loại quỹ "giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất". Loại quỹ mà rất nhiều ý kiến khẳng định là thu sai.

Việc thành lập thêm thôn Liên Minh khiến đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở Thường Nga thêm phình to. Lo ngại việc đóng góp, xây dựng nên trong biên bản họp dân cư của 8 xóm và hai cụm thì có 7 biên bản viết tay của từng xóm biểu quyết 100% không đồng tình thành lập xóm mới.

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND xã khóa XVIII, ông Nguyễn Hữu Ngạn, cán bộ địa chính xã đã đề nghị ghi rõ ý kiến của mình trong biên bản và Nghị quyết của HĐND xã không tán thành việc thành lập xóm Liên Minh. Ông Ngạn lý giải, các điều kiện căn bản đề thành lập xóm này hoàn toàn không đáp ứng: Số hộ không đủ; xóm phải có cơ sở hạ tầng KT - XH thiết yếu… Tuy nhiên, kiến nghị của cử tri 7 xóm và của ông cán bộ địa chính xã đã không được HĐND xã tiếp thu.

Không chỉ cồng kềnh về bộ máy, những khoản đóng góp của người dân càng thêm nặng nề. Sau khi được thành lập, thôn Liên Minh xây dựng nhà văn hóa ước tốn 500.000.000 đồng, nhà nước hỗ trợ 50.000.000 đồng, còn lại phải vận động nhân dân đóng góp...

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giữ ổn định phương thức thi tốt nghiệp THPT

Bộ GD-ĐT chuẩn bị các phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, về cơ bản vẫn giữ nguyên hình thức thi tương tự giai đoạn 2020-2024.

Bình luận mới nhất