| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 25/09/2017 , 06:26 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 06:26 - 25/09/2017

Văn phòng chỉ dăm người chi 2,6 tỷ tiền bia, 1,2 tỷ tiền văn phòng phẩm

Cách đây chưa lâu, dư luận đã xôn xao chỉ một năm, mà văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai “tiếp khách” hết 3,2 tỷ đồng. Khách, khách và khách, liên miên khách.

Có ngày tiếp đến hai, ba đoàn khách, ở hai, ba địa điểm cách nhau hàng trăm km. Mỗi cuộc tiếp khách hết nhiều chục triệu đồng. Thế nhưng, con số đó chưa là gì so với con số do Ủy ban Kiểm tra Tung ương công bố vào ngày 20/9 mới đây: Văn phòng này đã chi sai hơn 11 tỷ đồng cho các công tác tiếp khách, đối ngoại và an ninh. Chỉ riêng chi văn phòng phẩm đã hết 1,2 tỷ đồng. Và tiền mua bia hết...2,6 tỷ đồng.

Thật là khủng khiếp, con số đó khiến bất cứ ai nghe được cũng phải nổi da gà. Văn phòng chỉ có năm, sáu người. Văn phòng phẩm là bút, là giấy, là ghim bấm... và rất nhiều những thứ lặt vặt khác, giá trị của mỗi thứ đều không đáng bao nhiêu. Một người dùng một năm hết bao nhiêu giấy, bao nhiêu bút, bao nhiêu ghim bấm...Mà hết những chừng ấy tiền? Lại còn bia nữa. Hai tỷ sáu tức là hai ngàn sáu trăm triệu.

Mỗi lon bia bình quân 10.000 đồng. Hai ngàn sáu trăm triệu đồng, tương đương với 260.000 lon bia. Chia cho 5 người, mỗi người bình quân 52.000 lon bia. Một năm có 365 ngày, vậy mỗi ngày, một người cả nam lẫn nữ uống hết gần 150 lon. Có thể nói đó là những người uống bia giỏi nhất, khỏe nhất, hoàn toàn xứng đang được ghi vào sách kỷ lục Guiness thế giới. Mỗi lon bia là 0,3 lít. 150 lon tương đương với 50 lít. Cái dạ dầy con người có sức chứa chỉ 2 lít là nhiều, làm sao chứa nổi tới 50 lít? Hay là họ tắm bằng bia? Để uống hết 150 lon bia, phải mất cả ngày cả đêm. Uống thế, làm gì còn thời giam mà làm việc?

Lạ nữa là tiền bia, tiền rượu, tiền trà, tiền cà phê...Và các đồ uống khác, đã được tính cả vào số tiền trong những bữa tiệc tiếp khách (lên đến 3,5 tỷ đồng/năm) đó rồi, làm gì còn phải mua bia thêm nữa?

Hóa ra không phải họ uống bia, mà là uống...Tiền. Bởi số tiền bia đó, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra, là tiền kê khống. Cũng như số tiền văn phòng phẩm kia, cũng phần lớn là tiền kê khống.

3 người uống nhiều bia nhất, dùng nhiều văn phòng phẩm nhất, tiếp khách nhiều nhất, được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ đích danh, là ông Nguyễn Thế Quang, nguyên Chánh văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, ông Vũ Tiến Anh, đương kim Chánh văn phòng, và bà Nguyễn Thị Lựu, phó chánh văn phòng.

ĐBQH và đại biểu HĐND là những người được dân bầu, có trách nhiệm giám sát tất cả, từ việc thực hiện các mục tiêu Kinh tế- Xã hội, cho đến việc chi tiêu Ngân sách hàng năm, của các cấp chính quyền. Gia Lai là một tỉnh nghèo, vì vậy việc giám sát chi tiêu Ngân sách càng cần phải chặt chẽ, chi li đến từng đồng. Nay đến văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND còn chi tiêu bừa bãi, kê khai gian dối như thế, thì còn giám sát được ai? Trong việc này, dư luận cũng đặt câu hỏi, là trách nhiệm của ông trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, và trách nhiệm của ông chủ tịch HĐND tỉnh, ở đâu?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm