| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 14/03/2022 , 17:20 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 17:20 - 14/03/2022

Khi nhân tài trở về

Khi được hỏi có ý định trở về Tổ quốc để cống hiến hay không, các nhân tài đều có câu trả lời chung: 'Không phải chuyện về hay không. Mà về thì làm gì?'.

Việc Lê Vũ Hoàng, kỹ sư ngành điện tử, tốt nghiệp đại học Swinburne (Australia), tiến sỹ nghiên cứu về quang học lượng tử và Laser, về nước sau 15 năm làm việc và nghiên cứu tại Australia, được rất nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, và được dư luận đặc biệt chú ý.

Chú ý, vì đây đích thực là một nhân tài, Lê Vũ Hoàng nguyên là quán quân "Đường lên đỉnh Olympia" mùa thứ 6. Sau khi trở thành quán quân, Hoàng được học bổng đi Australia, đạt được những học vị trên và ở lại Australia làm việc.

21 mùa đường lên đỉnh Olympia, đã tìm được 21 quán quân. Những quán quân đó đều được xã hội mặc định là nhân tài. Tất cả các quán quân đều được học học bổng đi du học nước ngoài. Nhưng đến nay mới có 3 người trở về. Lê Vũ Hoàng là người thứ 3.

Trước đó, đã có 2 người là Phan Đăng Nhật Minh (quán quân mùa thứ 17) và Phan Mạnh Tân (quán quân mùa thứ 2). 18 người còn lại đã chọn con đường ở lại nước mình được đào tạo.

Không chỉ riêng các quán quân "Đường lên đỉnh Olympia", mà đa số những người có tài, nhận được học bổng của các trường đại học danh tiếng trên thế giới, nhưng sau khi tốt nghiệp đã chọn việc làm và định cư ở nước sở tại. Việc này đã trở thành một hiện tượng được gọi là “chảy máu chất xám”, khiến dư luận xã hội lo ngại.

Nhiều nhà báo đã hỏi những người Việt thành đạt, được đánh giá là nhân tài, đang nghiên cứu và làm việc ở rất nhiều nước là có ý định trở về Tổ quốc để cống hiến không. Câu trả lời mà họ nhận được rất giống nhau: Không phải là việc về hay không về. Vấn đề là ở chỗ về thì làm gì?

Câu trả lời có vẻ vô lý, vì một đất nước đang phát triển thì thiếu gì việc để làm. Nhưng buồn thay, đó lại là sự thật. Muốn sử dụng được một nhân tài, thì phải bố trí họ vào những vị trí xứng tầm, và trao cho họ những quyền hành đủ lớn. Có thế họ mới phát huy được tài năng.

Một nhân tài không thể làm việc dưới quyền một ông lãnh đạo “học giả bằng thật”. Một nhân tài không thể làm việc dưới quyền của một lãnh đạo mà bằng Đại học có trước, bằng THPT có sau. Những trường hợp đó trước nay không thiếu.

Và khi nhân tài rơi vào những trường hợp đó, thì sẽ như thi sỹ Tản Đà từng nói, họ sẽ là những người “tài cao, phận thấp, chí khí uất”.

Và chỉ có hai kết cục. Hoặc là tự mài mòn hết tài năng nếu muốn yên ổn để “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Hoặc là không chịu nổi sự ngu dốt của cấp trên, lên tiếng phản đối, thì sẽ bị trù dập tơi bời, thậm chí bị đá văng ra khỏi guồng máy không thương tiếc.

Nhưng nay thì đã khác. Một nghiên cứu của HSBC cho biết: 83% chuyên gia nước ngoài cảm thấy lạc quan về cuộc sống, công việc làm tại Việt Nam. Và Việt Nam xếp thứ 5 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về những nơi đáng sống và làm việc trong năm 2021.

Một cánh én cũng báo hiệu mùa xuân. Lê Vũ Hoàng chính là cánh én đó. Rất có thể rồi tới đây, sẽ có nhiều nhân tài khác từ bốn phương trời tìm đường về để phụng sự đất nước.