| Hotline: 0983.970.780

Ký ức vùng đất, mái trường Tiên Lữ

Thứ Năm 12/11/2015 , 20:26 (GMT+7)

Tôi được sinh ra tại tại làng Ché, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ - mảnh đất đã sinh ra người Anh hùng dân tộc áo vải Hoàng Hoa Thám...

Vùng đất trũng nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Luộc lần đầu tiên có tên gọi là Ngô Quyền vào thế kỷ thứ X, sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, dừng chân tại vùng đất này. Thời Tiền Lê vùng đất thuộc Khoái Lộ. Thời nhà Lý thuộc lộ Khoái Châu. Đời Trần Thái Tông (năm Nhâm Dần 1252) trở thành huyện Tiên Hoa, thuộc phủ Khoái Châu. Đến thời Hậu Lê (1428) huyện Tiên Hoa được đổi tên thành huyện Tiên Lữ, thuộc phủ Khoái Châu. Tên gọi Tiên Lữ (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) được duy trì từ đó cho đến nay, tồn tại đã 643 năm.

Vào cuối thế kỷ 15, trong công cuộc cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông, một phần (trải dài theo bờ tả ngạn sông Hồng) của vùng đất trũng Tiên Lữ nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Luộc được đặt tên là Phố Hiến.

Vào thế kỷ 17-18, Phố Hiến trở thành một thương cảng, đô thị sầm uất, chỉ đứng sau kinh thành Thăng Long - Kẻ Chợ là thủ đô phồn vinh nhất nước.

Vì vậy dân gian mới có câu: "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Theo Văn bia chùa Thiên Ứng, dựng năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), "Phố Hiến nổi tiếng trong bốn phương là một tiểu Tràng An" (tức một Kinh đô thu nhỏ). Và cũng chính vùng đất Tiên Lữ này đã sinh ra quả nhãn lồng tiến vua nổi tiếng. Mà, dân gian vẫn truyền tai rằng: “Nhãn lồng bổ ngập dao phay, Gà con xuống ổ ba ngày nửa cân”, hay “Cô kia cắt cỏ bên sông, Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây”…

Bẵng đi gần hai thế kỷ, cùng với sự bồi đắp của sông Hồng, sông Luộc, Phố Hiến sầm uất được coi là một tiểu Tràng An chỉ còn lại là lịch sử, là ký ức... Khu vực Phố Hiến tiến lên tỉnh lỵ tỉnh Hưng Yên, còn khu vực Tiên Lữ cận kề chưa thể chuyển mình đã phải trở về với đồng chiêm trũng, cây lúa, củ khoai…

Tôi được sinh ra tại tại làng Ché, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ - mảnh đất đã sinh ra người Anh hùng dân tộc áo vải Hoàng Hoa Thám giữa lúc người dân Tiên Lữ và cả nước đang nghẹt thở trong cơ chế quan liêu bao cấp. Truyền thống hào hùng của quê hương không thể giúp những người nông dân nơi đây vươn lên bằng những thửa ruộng chiêm khô, mùa thối được. Mà ngược lại, cái cơ chế quan liêu bao cấp ấy, còn như nhân lên cái cơ cực của người dân.

Nhưng, hình như nạn đói năm 1945 do phát xít Nhật bắt người dân nơi đây nhổ lúa trồng đay gây ra vẫn còn hằn sâu trong ký ức của mỗi người.

Vì thế, vào những năm trước 1990, những ông bố, bà mẹ vẫn bám ruộng, bám đồng, tần tảo kiếm gạo nuôi con; kiếm tiền từ những công việc do đổi mới, do cơ chế thị trường đem lại.

Nhưng tiền kiếm được không phải để xây nhà gạch thay cho nhà tranh vách đất, cũng không phải để mua một cái ti vi mà để tích cóp cho con đi học. Nhiều người dân quan niệm rằng, chỉ có học mới thay đổi được số phận nông dân cơ hàn.

Và hàng ngày, hàng tháng, hàng năm họ nhồi vào đầu các con của mình quan niệm đó. Thế hệ của tôi, ai cũng khắc ghi điều này, trong đó có tôi.


Đại diện các lớp khóa 1994-1997 tặng quà cho nhà trường dịp kỷ niệm 50 năm thành lập

Có một lần tôi mang câu chuyện trên hỏi một đồng nghiệp là lãnh đạo một tờ báo lớn, người con của Dị Chế vì sao ở thời điểm đó có nhiều người dân Tiên Lữ nhận thức được như vậy? Ông bảo, thế hệ các bạn sinh ra và lớn lên là ở giai đoạn mà người dân nhận thức đầy đủ nhất về cơ hội đi lên của đất nước.

Và đó cũng chính là cơ hội vươn lên của mỗi gia đình, mỗi con người. Bởi khi đó, nền kinh tế thị trường nhiều thành phần đã mở bung ra, người dân bước ra từ “nhà giam” - cơ chế tự cung tự cấp, như rỡ bỏ được những sợi dây trói chặt mình nhiều năm trời; nhìn thấy, bắt gặp và thậm chí tận dụng được những cơ hội lớn để có thu nhập, vươn lên, thoát khỏi nghèo nàn.

Vì vậy, họ bắt con cái mình học. Họ nhồi vào đầu con mình lý tưởng, tương lai tươi đẹp. Nhưng học ở đây không phải chỉ để làm quan như ngày xưa, mà học để làm kỹ sư, nhà báo, luật sư, tài chính, kinh tế, doanh nghiệp… để thoát ra khỏi nông nghiệp, nông thôn.


Đại diện khóa 1994-1997 trao tặng nhà trường bức tranh Trường THPT Tiên Lữ

Và tương lai tươi đẹp ở đây không chỉ thấy quê hương, đất nước mà cả bản thân mình. Và thực tế thì, thời điểm những năm 1990 chúng ta chứng kiến một trong những cuộc “tháo chạy” khỏi nông thôn lớn nhất và những con người ấy đang mang lại những giá trị rất lớn cho các thành phố, khu công nghiệp hôm nay.

Nhiều cựu học sinh của trường Tiên Lữ đã thành danh, có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: PGS. TS Nguyễn Bá Hiên, GS. TS. Phạm Tiến Dũng (Học viện Nông nghiệp VN); GS. TS. Vũ Đức Minh (Phó Hiệu trưởng  ĐH Quốc gia Hà Nội); PGS. TS.  An Như Hải (Học viện Hành chính quốc gia); PGS. TS.  Trần Thúy Hạnh (PGĐ Bệnh viện Bạch Mai); TS. Nguyễn Văn Mạnh (Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học Nga);  TS. Vũ Văn Huệ (Văn phòng Chính Phủ); Đại tá Đào Văn Vinh (Cục trưởng Cục kỹ thuật nghiệp vụ I, Tổng cục An ninh, Bộ CA); ông Doãn Thế Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; ông Bùi Ngọc Phi, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương...

Trong những buổi gặp mặt Hội đồng hương văn nghệ sỹ, nhà báo Hưng Yên tại Hà Nội do nhà báo, nhà văn Hữu Ước làm Chủ tịch Hội, mỗi lần nói về quê hương, tôi lại đem câu chuyện trên ra luận bàn.

Đây có thể là một vấn đề xã hội nông thôn rất hay. Tôi tự nhủ như vậy rồi gác lại trong đầu để nhường chỗ cho công việc làm báo hàng ngày và cuộc sống với nhịp đập rất nhanh của Hà Nội…

5 hôm trước, tôi nhận được thư của một người Thầy, nay là Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Lữ mời về dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường. Những ký ước về vùng đất Tiên Lữ, về thuở học trò dưới mái trường Tiên Lữ thân yêu lại ùa về.

Và tôi nhận ra rằng, những điều người ta nói về vùng đất Tiên Lữ, về con người Tiên Lữ, về mái trường Tiên Lữ không chỉ là sự thật, mà đó còn là truyền thống, là giá trị to lớn của vùng đất này để thắp sáng tương lai, chí ít là của cá nhân tôi, của thế hệ chúng tôi được sinh ra vào năm 1979.

Tháng 9/1994, thế hệ chúng tôi từ mấy chục xã của toàn huyện bước vào trường THPT Tiên Lữ Trường THPT Tiên Lữ nằm trên một mảnh đất rộng ở ngã ba sông, như vùng đất Tiên Lữ cổ trước đây, nhưng không phải là ngã ba sông Hồng và sông Luộc và là ngã ba Sông Bác Hồ.

Sở dĩ nó mang tên Sông Bác Hồ vì ngày 5/1/1958, Bác Hồ đã đến thăm và động viên đồng bào đào sông từ Phố Giác (trung tâm huyện Tiên Lữ đến chợ Thi (huyện Ân Thi) và đến Phố Cao (huyện Phù Cừ) nằm trong hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải và tại đây Bác nói với đồng bào Tiên Lữ: “Khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời”. Đó là niềm tự hào của vùng đất Tiên Lữ.

Các thầy cô lúc ấy nói rằng, thế hệ chúng tôi nhập trường là cuộc “đại di dân” chưa từng xảy ra từ ngày ngôi trường được thành lập (9/1965).

Mỗi lớp trên dưới 50 học sinh, kéo dài từ lớp A, B, C, D, E,H, I, G đến K. Mỗi đứa một xã, chỉ vì cùng vần chữ cái mà về học chung một lớp. Có người là con em của gia đình khá giả, nhưng phần đông là con em của nông dân nghèo hèn.

Vì thế, người ta dễ dàng nhận ra sự nỗ lực vươn lên và cả thói hư tật xấu của người thôn quê ở thế hệ chúng tôi. Nhưng tựu chung lại, đó là một thời kỳ nghịch như quỷ, học như thiêu thân, tràn ngập ước mơ về một tương lai tốt đẹp.

Đến tận bây giờ, sau 21 năm, mỗi lần các thành viên Hội đồng hương THPT Tiên Lữ khóa 1994-1997 tại Hà Nội gặp mặt, trở về Hưng Yên gặp lại thầy cô, những người đồng khóa đang dựng xây quê hương, hay ngồi trên máy tính ngắm bức tranh về mái trường do họa sỹ An Thắng khắc họa, lại một lần ôn lại những kỷ niệm.


Văn miếu Xích Đẳng - biểu tượng hiếu học của Hưng Yên

Và dường như, mỗi người đều giữ cho mình một kỷ niệm rất đẹp dưới mái trường Tiên Lữ nên buổi gặp mặt, dù lần nào cũng vội nhưng vẫn luyến lưu.

Chủ tịch Hội đồng hương THPT Tiên Lữ 1994-1997 tại Hà Nội Hoàng Phi Hùng là người ôm giữ nhiều kỷ niệm nhất. Hùng học lớp D nhưng dường anh có cái chất của cụ Hoàng Hoa Thám nên luôn lãnh lấy trách nhiệm của một con chim đầu đàn. Hùng làm doanh nghiệp thành đạt sớm.

Anh thường chắt chiu thời gian để gặp gỡ, thăm hỏi, giúp đỡ đồng khóa, đồng hương và cũng để ôm giữ thêm những ký ức, kỷ niệm đẹp về mái trường Tiên Lữ. Anh cùng Quý lớp H, Việt và Hùng lớp B sáng lập ra CLB FC Tiên Lữ Hà Nội để tạo sân chơi, chia sẻ, giúp đỡ đồng khóa, đồng hương các lứa tuổi học tập và sinh sống tại Hà Nội.

Ngoài Hùng, Quý, Việt ra, còn có Thuần, Tiến, Hà, Sang, Vân, Thương, Huy, Hiểu, Chung, Thành, Ninh, Ngạn, Quang, Bùi Tuấn, Trưởng… và những người phụ nữ - hoa khôi của khóa 1994-1997 Phượng, Lụa là những người trưởng thành từ mái trường Tiên Lữ đã làm rạng danh cho mảnh đất Tiên Lữ thân yêu.

Vì thế, với nhiều người là thế hệ học sinh Tiên Lữ sau này, học sinh khóa 1994-91997 là người anh chị cả thực sự, những tấm gương thực sự để họ vươn lên, thoát khỏi nông thôn cơ cực. 


Trung tâm huyện Tiên Lữ (Thị trấn Vương) nằm bên sông Bác Hồ

Với riêng tôi, ký ức về vùng đất và mái trường Tiên Lữ là cuộc sống, là niền tin, là tương lai. Đó là người Mẹ. Một người Mẹ vẫn tảo tần hàng ngày đến trường Tiên Lữ để đổi dép mới lấy dép cũ cho các thầy cô và học sinh trong trường để lấy tiền nuôi con trong khi tôi là một lớp trưởng; 

Đó là Cô Thi – cô giáo chủ nhiệm của tôi, người dày công rèn rũa để tôi trở thành một trong những người học sử xuất sắc nhất khóa, là tấm vé để đưa tôi là người đầu tiên trong họ bước chân vào đại học - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội danh tiếng và cũng chính Cô đã dạy bảo 2 cô em gái của tôi bước theo chân anh vào trường đại học;

Đó là những ngày đến trường với chiếc áo trắng, khi ra về với bộ quần áo bộ đội cũ cõng trên vai những bao rong để về nuôi lợn phụ giúp Mẹ;

Đó là những ngày đi bán kem khắp các xã để lấy tiền học thêm mà gặp các bạn cùng trường không thể ngẩng đầu lên khỏi chiếc nói rách;

Đó là mối tình học trò giữa Anh Văn và Hai Sừng được dệt bằng thơ vào mỗi chiều thứ 6 và sáng thứ 2 làm ngất ngây bao trái tim non nớt, dại khờ;

Đó là ngày thi học sinh thanh lịch trường Tiên Lữ mà tôi thì múa trường côn còn Phượng Đỗ (sau đó là hoa khôi) thì hát giữa trời mưa tầm tã trong tiếng vỗ tay ầm vang, ngại ngùng đến tận bây giờ;

Đó là trận đánh nhau kinh hoàng giữa hàng chục học sinh trường Tiên Lữ và trường Hưng Hà (Thái Bình) trên cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc mà một số anh em phải nhảy xuống sông để thoát thân sau một trận giao hữu bóng đá…

Học sinh khóa 1994-1997 nối tiếp các thế hệ cha anh của mái trường THPT Tiên Lữ giờ đây có nhiều người thành đạt dù ở thành phố hay thôn quê, trong đó có những người trở về trường giảng dạy như Hà, Quý, Lụa, Thuấn để phát huy truyền thống tốt đẹp của trường, thực hiện sự nghiệp “trồng người”.

Họ đã có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có được điều này một phần là nhờ công của các thầy cô của trường THPT Tiên Lữ và truyền thống hiếu học vươn lên của vùng đất Anh hùng này.

“Trường THPT Tiên Lữ hiện nay khang trang trên diện tích 22.336 m2, có 31 phòng học kiên cố, 5 phòng học tạm, đủ cho 1.400 học sinh học 1 ca; nhà hiệu bộ gồm các phòng làm việc của BGH, các tổ chuyên môn, phòng truyền thống, văn phòng nhà trường; khu nhà lớp học bộ môn 3 tầng, 6 phòng được trang bị đầy đủ thiết bị dạy và học được che chở bởi những hàng cây do các thế hệ học sinh và giáo viên trồng.

Với những nỗ lực của thầy và trò, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích nổi bật đáng tự hào. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm đạt gần 100%; Tỷ lệ đỗ vào các trường đại học - cao đẳng từ 50% - 70%.

Ghi nhận những kết quả đạt được, nhà trường và các đoàn thể, cá nhân được tặng nhiều phần thưởng cao quý của các cấp, các ngành. Ngày 15/11/2015, Trường THPT Tiên Lữ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng công nhận trường THPT đạt chuẩn quốc gia.” Th.S Nguyễn Văn Duy - Hiệu trưởng trường THPT Tiên Lữ.

 

(Khóa 1994-1997)

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.