Đây là một mô hình sáng tạo của Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 9, phường Nam Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng.
Chi hội đã vận động 14 chị có đất ruộng liền kề liên kết tổ chức sản xuất, từ lựa chọn giống cây trồng, chăm sóc đến thu hoạch và tiêu thụ.
Trên tổng diện tích 1.000 m2, các chị chọn trồng duy nhất một loại rau muống vì đây là loại rau được tiêu thụ phổ biến nhất, nhu cầu thị trường cao, mặt khác lại dễ trồng, nhanh cho thu hoạch.
Quy trình gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói rau được giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn. Rau hoàn toàn không phun thuốc trừ sâu. Các hộ cùng nhau tích cực giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm sạch của mình. Nhờ thế, sản phẩm rau sạch của mô hình được tiêu thụ ổn định. Một phần sản lượng thu hoạch đã được một nhà hàng lớn trong thành phố ký hợp đồng bao tiêu.
Rau của mô hình cũng được thường xuyên chào bán, giới thiệu tại các chợ lớn trong quận như chợ Tràng Cát, Đông Hải, Nam Hải…
Vì thế, ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm rau sạch này. Với lượng rau muống thu hoạch được mỗi ngày khoảng 400 mớ, tiêu thụ hết veo.
Được triển khai từ năm 2015, đến nay, mô hình liên kết trồng rau sạch này đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với thu nhập trung bình 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Phạm Thị Lẫy – Phó chủ tịch Hội Phụ nữ phường Nam Hải cho biết, xuất phát từ thực tế hiện nay vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng của toàn xã hội, trong đó, rau là mặt hàng thiết yếu nhưng có nguy cơ cao bị nhiễm độc.
Vì vậy, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hải An và phường Nam Hải đã chỉ đạo, hướng dẫn Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 9 xây dựng mô hình trồng rau sạch.
“Do hiệu quả cao mà mô hình đem lại, một số phường khác cũng đến tham quan học tập. Mô hình đã được trao tặng bằng khen “Công trình tiêu biểu cấp thành phố thực hiện đợt thi đua đặc biệt năm 2015” của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố. Chúng tôi đang hướng tới nhân rộng mô hình ra các khu, tổ khác”, chị Lẫy cho hay.