| Hotline: 0983.970.780

Mất nhà mất đất, tương lai phập phù

Thứ Tư 14/06/2017 , 14:46 (GMT+7)

Vài năm trở lại đây tình hình sạt lở ven biển Tây của Cà Mau ngày càng phức tạp. Biển bạc không chỉ lấy đi hết đất của rừng vàng còn “ăn” vào đất sản xuất.

Những khu dân cư ven biển bị uy hiếp, nhiều gia đình đã phải dời nhà đi. Đời sống người dân rất khó khăn, nhiều đứa trẻ phải bỏ học, tương lai chưa biết sẽ đi về đâu.
 

Mất đất, mất nhà...

Chúng tôi tìm về đoạn sạt lở Hương Mai - Tiểu Dừa, là một trong những điểm sạt lở nghiêm trọng nhất của tỉnh Cà Mau thời gian vừa qua. Tại đoạn đê ven biển ấp 11 (xã Khánh Tiến, huyện U Minh), dải rừng phòng hộ ven biển nhiều đoạn đã sạch bóng, đoạn chỉ còn lưa thưa vài cây mắm, cây đước thoi thóp trước sóng dữ. Tình trạng đê biển hết sức nguy kịch, cơ quan chức năng Cà Mau đang phải khẩn trương đưa ra các giải pháp kè để hộ đê.

09-53-50_1
Những căn nhà ven vàm Tiểu Dừa cách sóng biển chưa đầy vài bước chân, có nguy cơ bị sóng biển uy hiếp bất cứ lúc nào

Ngay tại cửa vàm Tiểu Dừa, tuy vạt rừng ngoài đê chỉ còn vài chục mét nhưng hiện vẫn còn một số hộ dân sống ven đó. Đứng trên tuyến đê phòng hộ, nhìn hướng ra biển chúng tôi dễ dàng nhận thấy căn nhà lá chênh vênh đến phát hoảng của gia đình ông Ba Nhỏ. Mặt trước của căn nhà hướng ra kênh sáng, với khoảng ¼ diện tích nằm dưới lòng kênh. Mặt sau của căn nhà chính là biển cả mênh mông đêm ngày gào thét.

Đứng trên vạt đất chỉ còn chừng 20m2, vừa đủ để căn nhà tạm bợ của gia đình trụ lại, ông Ba Nhỏ thở dài nói: “Từ hơn 1ha đất mà giờ chỉ còn bao nhiêu đất đó. Nhà con trai lớn tôi cạnh bên, mấy tháng trước bị sóng đánh tới nó phải dời đi đến đằng kia khoảng 100m kìa. Nhà tôi thì cũng phải dời đi nay mai thôi, chứ biển tới vách rồi”.

Gia đình ông Ba Nhỏ từ Kiên Giang qua đây mua vuông canh tác khoảng 20 năm nay. Theo lời kể của ông, trước những năm 2010, diện tích đất rừng và vuông tôm của bà con kéo dài ra biển hơn 1km. Người dân bám rừng, phát triển nuôi thủy sản tự nhiên có những đêm xổ vuông thu 1 - 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, bà con còn có nghề đánh bắt ven bờ nên sống khỏe.

Khoảng 10 năm trở lại đây, không biết thời tiết thế nào mà biển cứ lở miết, mấy trăm mét rừng phòng hộ bị biển đánh tan tành. Diện tích đất vuông tôm ông Ba Nhỏ được giao khoán cũng dần bị đánh sạch, gia đình cũng mất nguồn thu nhập chính. Tài sản quý nhất của gia đình hiện nay là chiếc vỏ lãi cỡ lớn (phương tiện chuyên dụng để đi lại dưới sông của người miền Tây). Cứ biển êm, hai cha con lão ngư lại chạy vỏ lãi ra thả hơn 100 lú bát quái ven bờ, thuận lợi cũng kiếm được 300.000 - 500.000 đồng/ngày để lấy nguồn sống thôi, chứ ngoài ra chẳng biết làm gì.

Theo chia sẻ của bà con nơi đây, họ biết nguy hiểm cận kề rồi nhưng buộc phải bám trụ nơi đây kiếm cái ăn. Anh Phạm Văn Cương (cùng ngụ ấp 11) cho biết, năm trước, căn nhà anh còn được vạt rừng khoảng 40 - 50m che chắn. Nay căn nhà cũng chỉ còn cách sóng biển mấy bước chân, gặp con nước lớn kết hợp cùng giông gió thì “căn chòi” lá của gia đình có thể bị cuốn đi bất kỳ lúc nào.

09-53-50_3
Những đứa trẻ tại vàm Rạch Miễu vui chơi ngay đầu sóng, ngọn gió này tương lai sẽ ra sao?

“Biết là nguy hiểm nhưng chúng tôi cũng chẳng biết đi đâu. Xin vào bên trong đê ở thì không được phép. Nghe nói có dự án tái định cư nhưng vào tới trong vùng rừng U Minh Hạ. Chúng tôi sống bằng nghề biển, không có đất sản xuất, vào đó lấy gì sống? Vậy nên tạm thời cứ ở đây kiếm cái ăn rồi tính tiếp”, anh Cương nói.
 

Tương lai phập phù

Gia đình anh Cương có 4 nhân khẩu, khoảng 4 năm nay, miếng vuông của gia đình đã tan tành theo sóng biển, không thể nuôi được con gì nữa. Hiện nay, vợ chồng anh và hai con sống chính bằng nghề đẩy te ven bờ, mỗi đêm có thể kiếm vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào thời tiết, có những tháng biển động miết, anh chỉ đi được vài bữa. Trước đây, còn mảng rừng, anh Cương còn có nghề bắt ba khía kiếm tiền mua gạo, nuôi con ăn học. Gần đây, kinh tế gia đình xuống dốc anh buộc phải cho người con gái lớn nghỉ học.

09-53-50_2
Bé Như Bình mặc dù đang là học sinh tiến tiến nhưng đã phải nghỉ học, hàng ngày đi bắt ốc len phụ giúp gia đình
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, trên 250km đường bờ biển, hiện có 2/3 diện tích đang chịu sạt lở. Tính từ năm 2007 đến nay, tỉnh này đã mất hơn 4.000ha đất rừng. Biển không chỉ lấn hết rừng phòng hộ mà còn chiếm đất sản xuất, uy hiếp nhà dân. Đặc biệt, con chữ của những em nhỏ đã và đang đứng trước nguy cơ bị sạt lở ven biển “đánh mất”. Câu hỏi là, nếu thực trạng này cứ tiếp diễn thì sẽ còn bao nhiêu em nhỏ phải nghỉ học, tương lai các em sẽ đi về đâu?

Theo lời kể của anh, mấy năm liền, Như Bình (con gái lớn) đều đạt học sinh tiên tiến. Đầu năm rồi, nhà trường báo nhập học nhưng nhà không có tiền mua sách cho bé đi học nên anh buộc phải cho con nghỉ.

“Thằng nhỏ mới 2 tuổi thôi. Đời nó rồi chắc cũng như tôi, chứ mình không có khả năng nuôi ăn học đâu”, anh Cương trả lời câu hỏi của chúng tôi về tương lai đứa con trai anh ẵm trên tay.

Còn gia đình anh Trần Văn Quý (khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) đã bám trụ tại vàm Rạch Miễu cũng trên 10 năm rồi để hành nghề đánh bắt thủy hải sản. Nhưng cũng do sạt lở nghiêm trọng ven biển mà chỉ khoảng 5 năm nay, gia đình anh phải dời nhà 3 lần.

Theo chia sẻ của anh Quý, trước đây, biển lúc lở lúc bồi, đường bờ biển cách vị trí nhà anh gần 1km. Khu dân cư khi đó có tới mấy chục hộ sinh sống. Sau đó, biển lấn miết giờ chỉ còn 15 hộ trụ lại.

“Lần gần nhất gia đình tôi dời nhà cách nay chưa đến 1 năm. Những bà con còn trụ lại đây đều đã ít nhất hai lần phải dời nhà tránh sóng dữ rồi”, anh Quý nói.

Cũng chính vì mấy lần dời nhà mà những đồng vốn tích góp của gia đình anh Quý đi hết theo tiếng sóng gào thét. Cùng cực, anh phải cho đứa con lớn nghỉ khi vừa học xong lớp 5. Sau đó, mặc dù chưa hoàn thành chương trình cấp 1, đứa con thứ cũng phải dừng bước đến trường năm trước. Đau lòng hơn, do phải tối tăm mặt mày với miếng cơm manh áo mà đứa con gái út của gia đình đã 6 tuổi rồi, vẫn chưa được nhìn thấy cái chữ nào ở lớp.

Ông Ngô Hoàng Sơn, Hạt trưởng Hạt Quản lý Rừng phòng hộ biển Tây, cho biết, năm 2009, diện tích rừng do đơn vị quản lý lên tới hơn 4.100ha. Số liệu mới nhất hiện nay diện tích rừng chỉ còn khoảng 2.100ha. Nguyên nhân làm diện tích rừng suy giảm mạnh là do biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển diễn ra toàn tuyến. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo kết thúc hợp đồng nhận khoán rừng với người dân. Chúng tôi đã thanh lý hợp đồng với 630 hộ dân được giao khoán, nhưng do chưa có chỗ cho bà con tái định cư nên nhiều hộ chưa dời đi.

Trên địa bàn quản lý của Hạt Quản lý Rừng phòng hộ biển Tây còn có 402 hộ dân sống trong các khu dân cư ven biển, cuộc sống bà con luôn chực chờ sạt lở rất nguy hiểm. Tuy nhiên, do nguồn vốn của tỉnh còn nhiều khó khăn nên chưa thể hỗ trợ người dân di dời vào nơi an toàn.

Cũng theo Hạt trưởng Sơn, đa số những hộ dân này đều nghèo khó nên mới phải bám biển, bám rừng kiếm sống. Họ rất cần có chính sách hỗ trợ để bớt được khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Bảng lương chi tiết viên chức năm 2025

Sau đây là bảng lương của công chức 2025 dự kiến áp dụng mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng. Bảng lương này chưa bao gồm các phụ cấp.