| Hotline: 0983.970.780

Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng

Thứ Năm 05/12/2024 , 15:15 (GMT+7)

Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

Dưới chân đỉnh Fansipan

Đứng trên đỉnh giáp ranh giữa Tả Phìn với Ngũ Chỉ Sơn, sẽ dễ dàng nhận thấy một bản làng quần tụ giữa một thung lũng gọn gàng, xung quanh có núi non bao bọc. Đó là bản người Dao Tả Phìn - nơi lưu giữ những bài thuốc quý làm từ những cây thuốc bản địa.

Năm 2006, một nhóm 5 - 6 người Dao đầu tiên trong bản Tả Phìn quyết tâm đứng lên thành lập công ty kinh doanh bài thuốc tắm của cha ông. Thời điểm ấy, đó là một quyết định táo bạo khiến nhiều người ngơ ngác không hiểu. “Thủ lĩnh tinh thần” là hai nữ tướng: Lý Mẩy Chạn và Chảo Sử Mẩy. Một bà là Hội trưởng Hội Phụ nữ xã, một bà là Chủ tịch HĐND xã Tả Phìn. Nhưng, điều quan trọng nhất, hai bà thuộc nằm lòng những bài thuốc quý của ông cha, những bài thuốc tốt cho sức khỏe từ những cây thuốc mọc tự nhiên trong quần thể rừng Hoàng Liên.

Tẩn Tả Mẩy - nữ Giám đốc HTX Cộng đồng Dao đỏ giới thiệu với khách du lịch về cây thuốc bản địa.

Tẩn Tả Mẩy - nữ Giám đốc HTX Cộng đồng Dao đỏ giới thiệu với khách du lịch về cây thuốc bản địa.

Thời điểm 18 năm trước, bản làng Tả Phìn heo hút, nghèo khó, thanh niên trong bản không có công ăn việc làm. Những đứa trẻ lớn lên, hết cấp 2 đã nghỉ học, rủ nhau theo chân khách du lịch khắp Sa Pa, bám theo họ cả ngày… Mục đích để bán những món hàng thổ cẩm, những món quà lặt vặt cho du khách. Đó không thể là nguồn thu nhập bền vững, càng không phải là kế sách giúp họ thoát nghèo.

Băn khoăn mãi. Bà Mẩy Chạn bàn với bà Sử Mẩy, phải có cái gì đó tạo công ăn việc làm cho thanh niên trong bản. Cùng năm ấy, Lý Láo Lở, sinh năm 1982, 26 tuổi - con trai của bà Chảo Sử Mẩy đi bộ đội hết nghĩa vụ trở về bản; Tẩn Tả Mẩy, nhà ở đầu dốc, sinh năm 1976, khi đó 32 tuổi - một “hướng dẫn viên du lịch” nghiệp dư như bao người khác, mỗi ngày lẽo đẽo theo chân du khách để bán những món thổ cẩm bé tí tẹo, lắt nhắt, vụn vặt… cũng nghỉ “hướng dẫn viên” ở nhà chăm con nhỏ; ngoài ra còn có Mẩy Pham - thiếu nữ Dao đỏ sắp tốt nghiệp cấp 3, cậu trai mới lớn Chảo Vần Phú cũng chưa nhìn thấy công việc gì…

Nhưng, làm công việc gì bây giờ? Mảnh nương mảnh rẫy muôn đời nay vẫn thế, theo mùa vụ. Hết mùa mưa rồi đến mùa khô, năm trồng hai vụ lúa trời, còn lại vỡ đất tra ngô, trồng sắn. Rừng ngày càng bị cấm, không thể mãi đi phát cây làm rẫy được!

Trụ sở công ty thuốc tắm người Dao đỏ của cộng đồng những người Dao Tả Phìn đầu tiên đưa cây thuốc của ông cha đi xa hơn bản làng.

Trụ sở công ty thuốc tắm người Dao đỏ của cộng đồng những người Dao Tả Phìn đầu tiên đưa cây thuốc của ông cha đi xa hơn bản làng.

Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ của chị Tẩn Tả Mẩy.

Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ của chị Tẩn Tả Mẩy.

Cũng quãng ấy. Một đoàn công tác gồm các giáo sư khoa Thực vật Trường đại học Dược Hà Nội do Tiến sỹ Trần Văn Ơn làm trưởng đoàn lên Sa Pa thực hiện dự án nghiên cứu cây thuốc bản địa ở Tả Phìn. Họ được đồng bào đưa lên rừng chỉ cho cách nhận mặt cây thuốc bản địa. Bà Mẩy Chạn, Sử Mẩy biết nhiều bài thuốc cổ còn chỉ dẫn các bài thuốc của ông cha, như thuốc tắm, thuốc ngâm chân, thuốc dành cho phụ nữ vừa sinh con, cả những bài thuốc chữa được bệnh nan y… có từ trăm năm trước, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đến lượt các thầy sững sờ, bởi không ngờ ở một bản làng heo hút, kiến thức về cây thuốc, bài thuốc và sự đa dạng của cây dược liệu bản địa lại nhiều đến thế. Nhận thấy giá trị thực sự của cây thuốc, bài thuốc người Dao đỏ, Tiến sỹ Trần Văn Ơn cùng các thầy trường Dược nảy ý tưởng, sẽ nghiên cứu để công thức hóa các bài thuốc cổ truyền, trao lại cho bà con để họ có thể làm thương mại từ chính những kiến thức của cha ông.

Giữa năm 2006, Công ty Thuốc tắm người Dao đỏ ra đời với khoảng chục cổ đông cùng sáng lập, gồm hai bà Sử Mẩy, Mẩy Chạn, Lý Láo Lở, Tẩn Tả Mẩy, Mẩy Pham, Chảo Vần Phú… tham gia. Khi ấy, không ai biết, ai hiểu các khái niệm “công ty”, cổ đông, sáng lập, thương mại… là cái gì, chỉ biết rằng, mỗi cổ đông đóng góp số tiền ban đầu 500 ngàn đồng; ai không có tiền thì góp bằng ngày công lao động, lên rừng lấy cây thuốc về làm nguyên liệu; hay có thể góp đất xây dựng nhà xưởng, góp nương, rẫy để trồng cây dược liệu lấy nguyên liệu sản xuất sau này… Chừng nào công ty ăn ra làm nên sẽ trả cổ tức, lợi tức - nghĩa là lợi nhuận từ việc bỏ công sức, tiền bạc, đất đai, cây thuốc… góp thành công ty.

Những xã viên HTX Cộng đồng Dao đỏ chế biến cây thuốc làm thuốc tắm người Dao.

Những xã viên HTX Cộng đồng Dao đỏ chế biến cây thuốc làm thuốc tắm người Dao.

Những tri thức cộng đồng đang được các thế hệ người Dao Tả Phìn phát huy, bảo tồn làm sinh kế bền vững.

Những tri thức cộng đồng đang được các thế hệ người Dao Tả Phìn phát huy, bảo tồn làm sinh kế bền vững.

Thủ tục thành lập công ty, cách thức chế biến, sản xuất thuốc đóng chai thay vì thủ công lên rừng lấy cây về nấu nước ngâm chân, nước tắm… được các nhà khoa học trường Dược hỗ trợ. Công ty ra đời có tên gọi “Công ty Cổ phần Kinh doanh cây thuốc bản địa Sa Pa”, tên tiếng Anh viết tắt là Sapanapro…

Nói thì nhanh. Viết về tao đoạn những ngày bỡ ngỡ của nhóm người Dao Tả Phìn quật cường, “gan cóc tía” ấy có thể chỉ tóm lược trong vài trang giấy là hết, nhưng, đó là một đoạn trường gian nan, và rất dài, tính bằng nhiều năm!

Thời gian đầu, ai cũng vừa làm vừa học, học cách chế biến từ cây thành thuốc đã được công thức hóa, học cách điều hành công ty, cách ghi chép số liệu để cuối năm làm các thủ tục liên quan đến thuế… Lý Láo Lở được giao làm Giám đốc, vừa lên rừng lấy lá thuốc, vừa trồng cây thuốc, vừa đi học bổ túc văn hóa; Mẩy Pham trèo đèo lội suối đi học kế toán ngoài thị trấn Sa Pa; Tả Mẩy học cách nấu thuốc, cách pha thuốc vào thùng tắm…

Khó nhất, ấy là làm thế nào để có khách đến bản làng du lịch, biết được vùng này có đặc sản thuốc tắm người Dao tốt cho sức khỏe, rồi làm sao để họ tin, chấp nhận bỏ tiền tắm thuốc? Nhiều việc, nhiều lo lắng, bề bộn, đã có những lúc ngã lòng muốn bỏ, vì với ai cũng là bỡ ngỡ, với ai cũng là lần đầu…

Bản Dao Tả Phìn nhìn từ trên cao.

Bản Dao Tả Phìn nhìn từ trên cao.

Có những bận, vừa thấy Tẩn Tả Mẩy lúi húi bên nồi nấu thuốc tắm như thể đang đun cám lợn, đẩy cành củi vào bếp xong bỏ đó chạy ù về nhà tranh thủ cho lợn, cho gà ăn. Xong một lúc, lại chạy ù sang trông bếp củi đun thuốc tắm. Đám bụi tro đậu đầy vai, đầy đầu Tả Mẩy…; hay Chảo Vần Phú - vừa địu đứa bé ngủ ngặt nghẽo sau lưng, vừa thập thò ngoài cửa xem chị Tả Mẩy nấu thuốc. Gì cũng lạ, gì cũng bỡ ngỡ…

Mẩy Chạn, Sử Mẩy - hai “nữ tướng” phải nhiều lần an ủi, động viên...

Thế mà sau gần 20 năm, bây giờ mọi thứ đã khác, đã vào nếp. Nhắc lại những ngày đầu, Lý Láo Lở, Tả Mẩy vẫn lắc đầu nguầy nguậy: “Ngày ấy có biết công ty là cái gì đâu, rồi bao nhiêu nghiệp vụ liên quan tới thuế - những thứ chưa ai hình dung bao giờ. Thế mà vẫn vượt qua được, trụ lại được, và bung ra phát triển quy củ đến tận giờ”.

Giám đốc Lý Láo Lở

Lý Láo Lở - con trai cả của bà Chảo Sử Mẩy, sinh năm 1982. Dạo năm 2006, Lở 24 tuổi, vừa rời quân ngũ về lại bản Tả Phìn. Lở là điển hình của trai bản chưa bao giờ đi xa, chưa bao giờ va chạm. Nếu cho về Thủ đô, nếu không mặc trang phục dân tộc Dao, thay vào đó là bộ quần áo hiện đại… thì ai cũng vẫn có thể nhận ra gã trai người Dao giữa muôn người.

Lý Láo Lở - Giám đốc Công ty Thuốc tắm người Dao đỏ bản Tả Phìn.

Lý Láo Lở - Giám đốc Công ty Thuốc tắm người Dao đỏ bản Tả Phìn.

Gương mặt Lở là gương mặt người Dao không trộn lẫn được, đôi mắt xếch, nhỏ, gương mặt có những lúc nhìn hơi ngô nghê, và sự thật thà, phảng phất buồn như thể cả dãy Hoàng Liên nghìn tuổi đã tạc hết lên vẻ ngoài gương mặt Lở. Nhưng, sự lỳ lợm, quyết tâm của gã trai bản ấy cũng giống như dãy Hoàng Liên, nghĩa là không suy suyển, khó dời.

Lở đón tôi ở ngã ba trung tâm xã, nơi có mấy bà Dao trung tuổi túm tụm ngồi bán hàng rau; một đám khác tẩn mẩn ngồi thêu thổ cẩm. Một mũi tên chỉ hướng vào bãi đá cổ, một chỉ hướng thôn Trung Chải. Công ty vẫn ở trên đầu dốc nhưng đã hiện rõ là một cơ ngơi bề thế. Cơ sở chế biến thuốc giờ đã di chuyển vào phía sâu bên trong, cách dốc chừng hơn 1km. Toàn bộ khu đất rộng cả ngàn m2 Lở dựng ngôi nhà sàn gần như to nhất bản; chục phòng homestay lấp ló dưới tán cổ thụ, phía dưới là con suối róc rách ngày đêm; dãy tắm thuốc hơn chục phòng, đủ sức đón đoàn vài chục khách/lượt, khu vực trưng bày sản phẩm, nơi phục vụ ăn nghỉ…

Đấy mới chỉ là bề nổi! Lở còn phụ trách hệ thống phân phối khắp cả nước, mở đại lý bán hàng dưới Thủ đô, kết hợp với đối tác phân phối thuốc tắm, thuốc chữa bệnh, dầu xoa bóp, tinh dầu… các loại khoảng vài chục sản phẩm; bao bì, nhãn mác đẹp đẽ, sang trọng như hàng mỹ phẩm xách tay từ nước ngoài…

Lý Láo Lở giới thiệu về cơ ngơi của cơ sở tắm thuốc.

Lý Láo Lở giới thiệu về cơ ngơi của cơ sở tắm thuốc.

Số cổ đông đang theo Lở hiện tại lên tới gần 200 người. Doanh số mỗi năm, Lở không tiết lộ chính xác nhưng từ các nguồn, mỗi tháng đổ về trên dưới 1 tỷ đồng. Vị chi một năm công ty Lở đạt doanh số hơn 10 tỷ - con số mà có lẽ nhiều người ở Tả Phìn phải mơ ước.

Khách du lịch đến Tả Phìn ngày nay sẽ phải bất ngờ trước sự đổi thay như lột xác của bản Dao. Con đường đá vào Bãi đá cổ giờ đây nhà cửa chen chân mọc, chật chội như phố đi bộ dưới Sa Pa. Những tấm biển homestay, “tắm thuốc người Dao đỏ” treo dọc hai bên đường, với những cái tên: Lý Láo Lở, Lý Láo Tả, Mẩy Pham, Mẩy Chạn, Tả Mẩy... Kiến thức về cây thuốc, bài thuốc tắm cha ông, người Dao nào cũng có thể nắm được. Nhưng để biến bài thuốc đó thành thứ hàng hóa để mang ra khỏi bản làng, kinh doanh nó mang về lợi nhuận - điều kỳ diệu có vai trò của nhóm người Dao 18 năm trước đã thức tỉnh, làm thay đổi tư duy của cộng đồng.

Ngỡ ngàng Tẩn Tả Mẩy

Tẩn Tả Mẩy đứng tần ngần ở đầu hiên nhà đón tôi. Ngôi nhà sàn lừng lững, bề thế ở ngay đầu cây cầu bắc qua con suối vào bản. Một tấm biển hoành tráng, to, dài chừng 20m treo ở khoảng nối giữa tầng 1 và tầng 2 của ngôi nhà sàn, in dòng chữ: “Hợp tác xã Cộng đồng người Dao đỏ”, bên dưới là dòng chữ tiếng Anh nhỏ hơn một chút, nhưng đứng xa cũng đọc được rõ.

Tẩn Tả Mẩy - nữ Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ.

Tẩn Tả Mẩy - nữ Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ.

Cơ ngơi của Tả Mẩy cũng vào dạng nhất nhì ở Tả Phìn. Khoảng chục phòng tắm thuốc, mỗi phòng 4 thùng; khu nấu thuốc tắm là 3 cửa lò với hệ thống nồi hơi inox trắng toát, dung tích vài chục khối; chục nhân viên lo băm chặt cây thuốc, nhóm củi; một nhóm lo pha thuốc tắm phục vụ khách. Bên trong nhà sàn, gian trưng bày sản phẩm; cả chục bộ ghế mat-xa xoa bóp nếu khách có nhu cầu…

Ít ai ngờ rằng, đó là chị Tả Mẩy ngày nào: 18 năm trước vừa đứng trông nồi nấu thuốc, vừa chạy ù về nhà cho lợn ăn, mải nấu thuốc tới mức tro bụi bám đầy đầu tóc, đầy áo cũng chẳng buồn phủi…

“Giờ nhiều việc quá, không có thời gian để mà buồn”, Tả Mẩy hào hứng.

Quãng năm 2012, Tẩn Tả Mẩy rời khỏi công ty thuốc tắm mà Lý Láo Lở làm giám đốc, tách ra làm riêng. Người phụ nữ Dao 36 tuổi lúc đó dành 3 năm đi xuyên Việt. “Chỗ nào chị cũng đến. Chỗ nào có mô hình làm du lịch, homestay thì chị cũng đến để nhìn tận mắt, học hỏi họ, đi khắp nơi để tìm cái mới rồi về vận dụng ở bản mình”, Tả Mẩy vẩn vơ nói.

Sau những ngày bỡ ngỡ, giờ đây Tẩn Tả Mẩy đã vụt trở thành một doanh nhân, ứng dụng nền tảng mạng xã hội để thương mại hóa sản phẩm bản địa.

Sau những ngày bỡ ngỡ, giờ đây Tẩn Tả Mẩy đã vụt trở thành một doanh nhân, ứng dụng nền tảng mạng xã hội để thương mại hóa sản phẩm bản địa.

Tả Mẩy say mê nói về sản phẩm 'Mẩy Đỉa' do Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ sản xuất.

Tả Mẩy say mê nói về sản phẩm "Mẩy Đỉa" do Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ sản xuất.

Năm 2015, Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ được thành lập, xuất phát điểm ban đầu là 2 phòng với 8 thùng tắm thuốc - nghĩa là cùng một lúc chỉ đón được đoàn nhỏ vài người. Khách đông lên, Tả Mẩy mở thêm cơ sở ở chợ trung tâm xã, rồi mạnh dạn sản xuất các loại thuốc đóng hộp phân phối khắp cả nước, xây dựng một kênh phân phối riêng, sử dụng cả nền tảng xã hội, lập fanpage về hợp tác xã…

Hệ sinh thái của Tả Mẩy còn có 4 cơ sở tắm thuốc người Dao mở tại Phú Thọ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Tam Đảo, tới đây, Tả Mẩy đang muốn mở thêm nhiều cơ sở thắm thuốc nữa.

“Những chỗ chị mở gần các khu công nghiệp, có nhiều công nhân, người lao động. Đặt cơ sở ở đó với suy nghĩ rằng, bài thuốc tắm của người Dao rất tốt, ai mệt mỏi, đi làm về ngâm thuốc tắm là sẽ khỏe. Người này sẽ giới thiệu cho người khác, nhiều người sẽ biết. Một lần tắm, ngâm chỉ 150 ngàn đồng. Thuốc tắm đã được nấu đóng chai, chỉ quấy vào nước nóng là tắm được rồi”.

Tôi hỏi Tả Mẩy, dưới xuôi, những dịch vụ này khá nhạy cảm, và không phải ai cũng biết, cũng hiểu. Chị làm thế nào để quản lý được”. Tả Mẩy thật thà: “Nhân viên của chị đều là người Dao cả thôi, mặc quần áo dân tộc hướng dẫn cho khách. Bây giờ nhiều người biết lắm rồi”.

“Hệ sinh thái” của Tả Mẩy một năm cũng mang về tổng doanh thu cho cả Hợp tác xã cộng đồng Đao đỏ hơn 10 tỷ đồng, đủ để trả lương cho các nhân viên, đủ nuôi sống các xã viên.

Những điều về Tả Mẩy vẫn chưa hết làm tôi bất ngờ!

Tẩn Tả Mẩy bên trụ sở Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ. 

Tẩn Tả Mẩy bên trụ sở Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ. 

Chị cho biết, tới đây chị sẽ sang Hàn Quốc lần thứ 3 họp bàn với đối tác về dự án sản xuất dầu gội thảo dược, thuốc dưỡng da, làm đẹp… từ những cây thuốc đặc thù bản địa như cây chùa rùa, màng tang. Về kế hoạch vùng trồng, Tả Mẩy đang liên kết với các nông hộ ở các xã xung quanh như Ngũ Chỉ Sơn, Bản Hồ, Hoàng Liên, Mường Hoa, Thanh Bình, Trung Chải… để mở rộng vùng trồng cây dược liệu; thuê đất rừng trồng sản xuất ở Hoàng Liên trồng cây thuốc. Có vùng trồng ổn định, có nguyên liệu mới mở rộng sản xuất được, mới giữ được rừng, người dân không vào rừng tìm cây thuốc từ đó gián tiếp tác động không tốt tới rừng.

Trên các sản phẩm của Tả Mẩy đều in hình một cô gái người Dao đang gùi một gùi cây thuốc. Đấy là hình ảnh nhận diện thương hiệu thuốc người dao do HTX của chị Tả Mẩy sản xuất. Dưới hình cô gái có hai chữ: “Mẩy Đỉa”. Chị giải thích: “Mẩy Đỉa là tiếng Dao, có nghĩa là “Thuốc của Mẩy”. Chị vẫn băn khoăn, chưa bằng lòng về hình ảnh nhận diện: “Hình ảnh cô gái Dao gùi thuốc, chị muốn trực tiếp in ảnh của chị chứ không phải tranh vẽ, bởi tranh vẽ nhiều cơ sở khác in lại mà không xin phép, như thế là ảnh hưởng tới thương hiệu của chị rồi”.

Tôi im lặng không nói gì, bởi tôi vẫn còn đang bất ngờ đến ngỡ ngàng. Tả Mẩy 18 năm trước tôi gặp - cô gái Dao lẽo đẽo theo chân khách du lịch mỗi ngày, giờ đây đã vụt thành một doanh nhân bản địa, ý thức sâu sắc việc giữ gìn thương hiệu, bảo vệ và phát triển thương hiệu của chính mình, với khát vọng đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng, đi xa hơn đất nước Việt Nam, có mặt ở đất nước mà các sản phẩm làm đẹp đã chuyên nghiệp tới mức thành ngành hàng toàn cầu như Thái Lan, Hàn Quốc…

Tôi ngỏ ý chụp ảnh Tả Mẩy. Chị quả quyết: “Đợi chị một lát đã. Chị phải mặc trang phục người Dao đỏ”. 15 phút sau, một phụ nữ Dao đầu chít khăn đỏ, áo chàm có viền đỏ với những họa tiết hoa văn, hệt như bức ảnh Tả Mẩy cười tươi, đang gùi một gùi thuốc đầy sau lưng - hình ảnh thương hiệu trên những sản phẩm thuốc người Dao mà chị đang làm thương mại.

Lý Láo Lở dẫn tôi tới thăm mẹ anh, bà Chảo Sử Mẩy - một trong hai “nữ tướng” thuở bỡ ngỡ thành lập công ty thuốc tắm người Dao năm nào. Người phụ nữ Dao trung tuổi đang cặm cụi kê đơn, bốc thuốc, xung quanh bà là những lọ, những bình nguyên liệu thảo dược đã được chế biến khô… Buổi sớm trong lành đến tinh khôi. Có tiếng chim ríu rít bên ngoài nhà sàn. Nắng sớm hắt xiên qua cánh cửa hẹp thành cuộn sáng vàng chanh, ấm áp…

Đứng ở nhà bà Sử Mẩy có thể nhìn thấy một cây pơmu cổ thụ trăm tuổi sừng sững tỏa bóng ngay đầu con suối. Cây đại thụ pơmu trắng, loại cây quý hiếm và gần như là độc bản còn lại ở Tả Phìn.

Tôi chợt hiểu vì sao, dưới chân nóc nhà Đông Dương, dưới chân đỉnh Fansipan sừng sững, ngàn đời nay, con người không bao giờ bé nhỏ, không bao giờ bị hòa tan giữa núi rừng!

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Thi công hạ tầng hồ chứa nước lớn nhất miền Tây vượt tiến độ

Trà Vinh Dự án hạ tầng Hồ chứa nước Láng Thé, hiện đạt tiến độ thi công trên 15%, trong đó gói thầu số 34 đạt 34% khối lượng công việc.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.