| Hotline: 0983.970.780

Nghề cá Nhật Bản: Làm 'nhà' cho cá biển

Thứ Ba 21/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn thực phẩm đến từ biển, từ xa xưa, người Nhật đã biết “nuôi dưỡng nguồn thu” bằng cách tạo cảnh quan, môi trường phù hợp cho cá biển sinh sản./ Giải cứu ngành ngư nghiệp

Kể từ thời Trung cổ, ngư dân Nhật Bản đã sử dụng những kết cấu bằng tre rất lớn nhằm tạo cảnh quan để khuyến khích cá biển sinh sản.

“Ngôi nhà” nhân tạo cho cá cổ nhất được cho là có từ năm 1650 và một số văn bản ghi nhận người Nhật đã sử dụng phương pháp này phổ biến trong giai đoạn 1789-1801.

Chi cả tỷ USD

Kể từ năm 1930, chính quyền Nhật đã bắt đầu hỗ trợ ngư dân lắp đặt những dải kết cấu ngầm dưới đáy biển, đặc biệt là từ năm 1952. Cho đến nay, chính phủ tiếp tục đầu tư nghiên cứu và phát triển hoặc hỗ trợ tài chính cho các dự án lớn với kinh phí cả tỷ USD/năm.

Họ xem các dải kết cấu ngầm là giải pháp để gia tăng sản lượng hản sản trong vùng nước chủ quyền. Đối với các dự án nhỏ, Chính phủ Nhật hỗ trợ 50% chi phí, với các dự án lớn là 70%.

Tính đến năm 2004, 12% diện tích thềm lục địa Nhật Bản ẩn chứa 20 triệu m3 “đá ngầm” nhân tạo, với đủ loại chất liệu nhưng phổ biến nhất là bằng thép. Các khối bê tông thường xuyên được sử dụng. Người ta cũng xây dựng những ngọn tháp bằng thép cao 35m, nặng 92 tấn đặt tạo ra bức tường lớn kết hợp dòng chảy để chặn sinh vật phù du. Đã có khoảng 350 mô hình dải đá ngầm nhân tạo ra đời, đáp ứng nhiều loại nhu cầu về điều kiện môi trường của các loại sinh vật biển được xây dựng ở 20.000 điểm trên khắp quần đảo Nhật Bản.

Các nghiên cứu về hành vi của cá cho thấy việc phát triển đáy biển nhân tạo đáp ứng được nhu cầu di trú cũng như vị trí thống trị của các loài bản địa. Những công trình ngầm lớn nhất có thể lớn hàng ngàn m3.

Tiến sỹ Yoshinori Ogawa và tiến sỹ Hiroshi Kakimoto là hai chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về môi trường nhân tạo cho sinh vật biển, nói các dải kết cấu ngầm ở nước này có tác dụng về nhiều mặt. Chúng giúp tăng trưởng số lượng cá, giúp đội tàu đánh cá tăng cơ hội và khả năng đánh bắt, vì không chỉ giúp cá sinh sản, sinh trưởng tốt mà còn giúp ngư dân dễ dàng xác định nơi có nhiều cá.

Môi trường nhân tạo còn đặc biệt hữu ích đối với các loài cá di cư sống ở tầng đáy và tầng nước mặt. Các kết cấu nhân tạo thường được đặt chắn lối di chuyển của các loài cá di trú, chặn lại đàn cá trong một thời gian, giúp ngư dân có thêm cơ hội đánh bắt.

Một loạt các ghi nhận và so sánh giữa khu vực có dải kết cấu nhân tạo và khu vực thông thường được thực hiện dọc bờ biển thuộc quận Niigata cho thấy, các loài cá ăn đáy và ăn nổi thường tập trung đậm đặc xung quanh các kết cấu ngầm nhân tạo so với khu vực đáy biển trống, với cùng điều kiện lý hóa.

Chức năng thứ hai của dải kết cấu ngầm ở Nhật Bản, tại những khu vực có xung đột giữa các tàu đánh lưới rà loại lớn và những tàu nhỏ thả câu, là ngăn chặn cách đánh lưới rà bởi kết cấu của dải công trình ngầm sẽ phá hỏng lưới. Điều này cho phép các tàu nhỏ đánh bắt với các phương tiện truyền thống, bền vững hơn.

Vẫn cần “nghiên cứu thêm”

Một số nghiên cứu ở Nhật Bản cũng cho thấy số loài cá đánh bắt được ở dải kết cấu ngầm đa dạng hơn so với đánh bắt ở vùng đáy biển quang đãng. Do vậy, có thể kết luận rằng môi trường nhân tạo có thể thay đổi số lượng và tỷ lệ các chủng loại từ cơ cấu một hệ sinh thái các loài sống ở đáy biển phẳng sang một hệ sinh thái tôm cá sống dựa vào các dải đá ngầm.

13-29-14_ket-cu-2

Trong nhiều trường hợp, sự thay đổi này là rất có lợi bởi những loài cá được tìm thấy ở dải kết cấu ngầm như cá quân (rockfish) hay cá hanh đỏ, thường có giá cao hơn so với những loài sống ở đáy biển bằng phẳng.

Một câu hỏi là các dải công trình ngầm thực sẽ tăng số lượng cá đến mức nào vẫn chưa được giải đáp. Mặc dù người Nhật đã đầu tư lớn cho các công trình ngầm dưới biển này nhưng vẫn chưa trả lời được thấu đáo vấn đề, theo một số chuyên gia quốc tế. Các số liệu cho đến nay vẫn chưa thực sự đầy đủ và có thể dẫn đến những kết luận đáng tin cậy ở mức cao.

Về tổng thể, chưa có các nghiên cứu so sánh tỷ lệ đánh bắt ở những vùng nước trước khi có dải công trình ngầm và sau khi có dải công trình ngầm. Một nghiên cứu được tiến hành ở Makimura, đảo Hokkaido so sánh giá trị thị trường của các loại cá đánh bắt được ở một khu vực trước khi có công trình ngầm nhân tạo với giá trị của các mẻ lưới sau khi có công trình ngầm, cho thấy không có nhiều khác biệt về lợi ích kinh tế.

Tuy nhiên, liên quan đến các chức năng khác của dải ngầm nhân tạo như gia tăng số lượng cá, chống đánh bắt kiểu tận diệt thì lợi ích kinh tế có thể phải xếp sau về mức độ ưu tiên. Công trình ngầm cũng giúp đội tàu đánh cá tiết kiệm thời gian và chi phí tìm kiếm nguồn cá, giúp đội tàu đánh cá nhỏ duy trì công việc làm ăn và rõ ràng dải công trình ngầm là công cụ quản lý hiệu quả.

Chính phủ còn có thể xem dải ngầm nhân tạo là một “công cụ chính trị” bởi chúng mang lại lợi ích cho nhiều làng chài, hợp tác xã, vốn có ảnh hưởng chính trị. Hơn nữa, trợ giá của chính phủ trực tiếp làm lợi cho các Cty bê tông, công ty thép, sợi thủy tinh… SX các kết cấu ngầm cũng như những ngành công nghiệp “ăn theo” khác.

(Theo Liberation, swfsc.noaa.gov/Artificial reefs tecnology in Japan)

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.