| Hotline: 0983.970.780

Nghề cá Nhật Bản: Thuần dưỡng cá ngừ

Thứ Sáu 17/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Các nhà khoa học Nhật Bản có lẽ đã tìm ra cách để cứu loài cá ngừ vây xanh trong tự nhiên khỏi nguy cơ tuyệt diệt khi lần đầu tiên cho cá ngừ nuôi nhốt sinh nở thành công./ Những con cá triệu đô

Ngoài việc nghiên cứu khả năng nuôi cá ngừ thương phẩm, Chính phủ Nhật Bản còn yêu cầu giảm đánh bắt từ môi trường tự nhiên.

Theo hãng tin ABC, các nhà khoa học của Đại học tổng hợp Kinki University ở vùng Wakayama đã nghiên cứu công nghệ nuôi cá ngừ trong 30 năm qua.

“Thách thức trước tiên là tăng tỷ lệ sống của trứng để chúng nở thành cá con và chúng tôi đã đạt được mức 5%. Khi đói, cá ngừ con có thể ăn lẫn nhau vì thế chúng tôi phải “giới thiệu” cho chúng những loại cá con khác làm thức ăn cho chúng", GS. Yoshifumi Sawada nói.

Các nhà khoa học cũng phải đối mặt với khó khăn trong việc tạo ra các điều kiện tốt nhất cho cá ngừ vây xanh, vốn nổi tiếng là khó sinh sản trong môi trường nuôi nhốt do sự nhạy cảm của chúng đối với nhiệt độ, dòng chảy và tiếng động.

Bơi với tốc độ đến 80km/h và nặng tới 350kg, một nửa số cá ngừ chết vì va chạm mặc dù được nuôi nhốt trong các lồng quây rất lớn.

Nhà hàng “tài trợ” nghiên cứu

Sau bốn năm nuôi trong lồng quây, cá ngừ bị giết thịt bằng cách cho điện giật trước khi được chế biến thành các món sashimi và sushi rất được người dân Nhật Bản ưa chuộng. Mỗi con cá có thể phục vụ 200 thực khách.

Hiện nay, các nhà khoa học đang trong giai đoạn xây dựng bản đồ ADN tổng thể của cá ngừ vây xanh dựa trên các mẫu máu, một nỗ lực để cách ly các nguồn gen tốt nhất nhằm gia tăng tính chống chịu bệnh tật và tăng trưởng nhanh cho cá ngừ nuôi nhốt.

Tokihiko Okada, Tổng giám đốc bộ phận ngư nghiệp của Đại học Kinki, phải kiểm tra sự phát triển của 4.000 con cá ngừ vây xanh mỗi ngày.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp một nửa nhu cầu của thị trường Nhật về cá ngừ vây xanh”, ông Okada nói.

“Chúng tôi cần khoảng 300.000 con và chúng tôi sẽ đạt được mức đó, giảm áp lực lên loài cá ngừ vây xanh trong tự nhiên”.

Trong khi đang hoàn thiện công nghệ nuôi cá ngừ vây xanh để đảm bảo nguồn cung bền vững cho thị trường, các nhà khoa học của Đại học Kinki cũng phát triển một mô hình kinh doanh.

Theo đó, họ mở một số nhà hàng bán sản phẩm từ cá ngừ vây xanh nuôi nhốt. Lợi nhuận của hệ thống nhà hàng này được tái đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển công nghệ nuôi cá ngừ.

Ý nghĩ rằng cá ngừ nuôi nhốt không ngon, không đậm đà bằng cá ngừ tự nhiên đã được giải quyết, bằng chứng là hình ảnh dòng thực khách xếp hàng bên ngoài chuỗi nhà hàng của Đại học Kinki từ sáng sớm để giành một chỗ ngồi.

13-45-00_detil010_01_img

Cá ngừ nuôi còn được cho là tốt hơn đối với sức khỏe người tiêu dùng bởi thịt cá nuôi chứa ít thủy ngân hơn cá hoang dã.

Bếp trưởng của một nhà hàng ở Kinki, ông Tauya Sugimura không chỉ hài lòng vì có nguồn nguyên liệu bền vững mà còn yên tâm lớn vì gần như làm chủ mùi vị của thịt cá ngừ vây xanh tại nhà hàng.

“Nếu chúng tôi muốn thay đổi vị thịt cá ngừ, chúng tôi chỉ việc gọi điện cho trang trại ở Wakayama và yêu cầu họ tăng hoặc giảm độ béo của cá và điều này hoàn toàn trong tầm tay”, ông nói.

Các nhà khoa học ở Đại học Kinki nay đang bán công nghệ độc đáo cũng như mô hình kinh doanh của họ ra thế giới và đã có đối tác ở Mỹ và Malaysia nhận nhượng quyền thương mại.

Giảm đánh bắt từ tự nhiên

Sau nhiều thập kỷ đánh bắt quá mức, Nhật Bản đã có những biện pháp gia tăng số lượng cá ngừ vây xanh trong đại dương, theo hãng tin Al Jazeera.

Trong năm 2012, cá ngừ nuôi ở Nhật đạt sản lượng hơn 9.600 tấn, trị giá 265 triệu USD. Cũng trong năm đó, ngành ngư nghiệp Nhật Bản đánh bắt và nhập khẩu 29.800 tấn cá ngừ vây xanh. Nghĩa là số lượng cá ngừ nuôi đã bằng 1/3 lượng cá ngừ đánh bắt tự nhiên tính trong tổng cầu của Nhật Bản.

Theo thống kê của Chính phủ Nhật, nước này đánh bắt 70% tổng lượng cá ngừ vây xanh được khai thác ở khu vực Thái Bình Dương.

Số lượng cá ngừ vây xanh đã sụt giảm tới mức Cục Ngư nghiệp Nhật Bản trong năm 2014 phải ra quyết định cắt giảm đánh bắt cá ngừ chưa trưởng thành hoàn toàn 50%, bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Để đi đến quyết định này, ngành ngư nghiệp Nhật Bản đã phải đàm phán với các nước khác để cùng thực hiện.

Trong một hội nghị của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC) hồi tháng 9/2014, Nhật Bản, nước đánh bắt cá ngừ hàng đầu, đã cùng Hàn Quốc, Đài Loan, Canada và Mỹ cam kết cắt giảm như kể trên. Theo một tính toán, 98% cá ngừ vây xanh bị đánh bắt chưa trưởng thành hoàn toàn.

Theo thỏa thuận, trong năm 2015, ngư dân Nhật Bản chỉ được đánh bắt tối đa 4.000 tấn cá ngừ loại dưới 30kg và chưa thể sinh sản, so với mức trung bình 8.000 tấn/năm trong giai đoạn 2002-2014.

Việc cắt giảm 50% này sẽ được duy trì trong 10 năm, tức là cho đến hết năm 2024, thời điểm dự tính nguồn cá đã được phục hồi đáng kể.

13-45-00_6c2159-91e-4587-b0f4-4c372715d-2060x1236
Cá ngừ nuôi ngon không kém cá ngừ đại dương, nhưng an toàn hơn (Ảnh minh họa)

Quyết định này được cho là sẽ được thực thi cực kỳ nghiêm ngặt ở Nhật Bản. Để chia sẻ khó khăn của ngư dân chịu tác động từ chủ trương này, ngành ngư nghiệp Nhật Bản đã quyết định chia quota đánh bắt trong năm ra làm hai phần, tạo điều kiện để đội đánh bắt xa bờ sử dụng lưới lớn và đội thuyền nhỏ dùng lưới bờ được phân bổ mỗi đội khoảng 2.000 tấn.

Biển của Nhật được chia thành 6 vùng đánh cá, mỗi vùng được ấn định một hạn mức đánh bắt dựa trên số liệu đánh bắt trước đó. Có vùng đánh cá giúp nhà nước quản lý hạn mức đánh bắt tốt hơn.

Xem thêm
Xây chuỗi liên kết, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm dê, cừu

NINH THUẬN Việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi giúp người dân có đầu ra ổn định, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm dê, cừu Ninh Thuận trên thị trường.

Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Nếu không đi đường mới chỉ còn cách dừng lại

PHÚ THỌ Nhiều hộ chăn nuôi lợn xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ ái ngại khi thấy anh Phạm Trung Hiếu tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi (ASF) cho toàn bộ đàn lợn của mình.

Đất được bồi phù sa, sạch sâu bệnh, nông dân tăng tốc làm vụ đông

HẢI DƯƠNG Vụ đông năm nay có nhiều thuận lợi nhờ không khí lạnh về sớm, đất đai được lũ lớn bồi đắp phù sa, thau rửa sạch nguồn sâu bệnh hại...

Bình luận mới nhất