Đảm bảo tự túc 70 - 80% thực phẩm
Đặt chân đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa bây giờ ai cũng có thể nhìn thấy một màu xanh rợp mát của cây cối, của rau xanh vươn lên tươi tốt bất chấp thời tiết khắc nghiệt của biển khơi. Mỗi cây xanh đang sinh trưởng và phát triển trên đảo là thành quả sau nhiều năm nỗ lực của quân và dân nơi đây, cùng với sự hỗ trợ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (KHKTNN MN - IAS) nhằm phủ xanh quần đảo Trường Sa theo chương trình khuyến nông trung ương thực hiện từ năm 2019 đến nay.
Là một trong những người có thâm niên gắn bó với chương trình Xanh hóa Trường Sa, ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật nông nghiệp (Viện KHKTNN MN) đã phối hợp với cán bộ chiến sỹ Lữ đoàn 146 Hải quân (Lữ đoàn Trường Sa anh hùng) triển khai nghiên cứu, chuyển giao xây dựng nhiều mô hình từ trồng rau công nghệ cao, trồng cây phủ xanh đảo và chăn nuôi gia súc, gia cầm cho quần đảo Trường Sa từ tháng 11/2006 đến nay.
Đặc biệt, chương trình khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình phát triển một số cây trồng, vật nuôi và cây phủ xanh tại quần đảo Trường Sa” đã được triển khai từ năm 2019 - 2024. Đến nay, nhân dân và cán bộ chiến sỹ đã tự túc được 70 - 80% rau xanh, cây cũng đã phủ xanh được khoảng 80% diện tích trên các đảo.
Ông Ngô Xuân Chinh chia sẻ: “Trước đây, do kiến tạo địa chất bất lợi và điều kiện khí hậu khắc nghiệt vào mùa biển động từ tháng 8 trở đi đến tháng 2 năm sau, các đảo ở Trường Sa gần như không trồng trọt hay tăng gia sản xuất gì được nên bộ đội buộc phải ăn thịt hộp và giá đỗ. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi đã hỗ trợ nhân dân và cán bộ, chiến sĩ xây dựng nhà màng, nhà lưới để trồng được rau xanh quanh năm. Đồng thời, hỗ trợ cán bộ chiến sĩ tăng gia sản xuất bằng cách chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm để có thể đảm bảo được 70 đến 80% thực phẩm tại chỗ”.
Theo ông Chinh, đến nay đảo Đá Tây A, Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Nam Yết, Sơn Ca và một số điểm đảo khác đã xây dựng rất thành công mô hình này và chương trình khuyến nông trung ương đang tiếp tục hỗ trợ triển khai ở một số điểm đảo khác trong những năm tới. Do đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia luôn hoạt động theo tinh thần “ở đâu có quân dân, ở đó có khuyến nông”. Những diện tích đảo cần phủ xanh Trung tâm sẽ vận chuyển vật tư, cây giống, giá thể và tiến hành cải tạo cát, san hô đang bị nhiễm mặn để có thể phủ xanh hiệu quả.
Ðối với đảo Song Tử Tây, hiện có một vườn ươm do Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh, Chính trị viên Cụm chiến đấu 3 trực tiếp phụ trách. Cán bộ chiến sĩ trên đảo đã được các chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn lựa chọn, ươm trồng nhiều loại cây lưu niên và các loại rau màu phù hợp với thổ nhưỡng Trường Sa. Cũng từ vườn ươm này, đã chọn được nhiều loại rau thích hợp để tăng gia sản xuất phù hợp với điều kiện đảo như rau muống, mồng tơi, rau ngót, cải xanh, cải bẹ… cùng các loại củ, quả như bí ngô, bầu, mướp, cà tím…
Trung úy Trần Văn Thứ, Trợ lý hậu cần Đảo Song Tử Tây tâm sự: “Mô hình vườn ươm rất thiết thực với tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, giúp nâng cao đời sống, cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Các loại chế phẩm của dự án hỗ trợ giúp khử được mùi hôi và bảo vệ môi trường, các chế phẩm khác cũng áp dụng rất tốt vào tăng gia sản xuất ở đơn vị”.
Phủ xanh đảo xa
Với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ từ các chuyên gia nông nghiệp, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo đã áp dụng hiệu quả vào trồng trọt, tăng gia sản xuất. Rau xanh từ chỗ phải chờ vận chuyển từ đất liền ra, nay đã có thể đảm bảo đủ từ nguồn sản xuất tại chỗ. Nếu như trước đây năng suất rau xanh chỉ đạt 1,5kg/m2 thì đến nay đã tăng lên từ 3,5 - 4kg/m2 và có thể cung cấp thêm cho các tàu thuyền của ngư dân xung quanh đảo.
Đại úy Lê Xuân Đạt, nhân viên kỹ thuật đảo Sinh Tồn Đông vui vẻ: “Ngày xưa bộ đội còn gặp nhiều khó khăn về rau xanh, nhưng bây giờ trên đảo có tới 3 nhà màng, nhà lưới đủ để trồng rau xanh, cải thiện tốt bữa ăn của đơn vị. Đồng thời, nguồn rau trồng được ở trên đảo chúng tôi còn hỗ trợ cung cấp cho một số tàu thuyền của ngư dân đi biển lâu ngày bị thiếu thực phẩm, họ ghé xin”.
Theo đại úy Đạt, bí quyết để rau xanh trồng trên đảo xanh tốt quanh năm chính là nhờ cải tạo đất và bộ đội sử dụng nguồn nước ngọt hợp lý. Thời gian trước, bộ đội thường dùng cách bóc sạch lớp cát san hô rồi thay bằng lớp đất màu mang từ đất liền ra. Cách làm này vừa tốn công sức, đất cũng bị bạc màu nhanh nếu không được bổ sung.
Tuy nhiên, cách làm mới được các chuyên gia nông nghiệp chuyển giao kỹ thuật chú trọng vào việc cải tạo và ủ đất san hô với mùn, rác hữu cơ, sau khi đạt được độ ngấu nhất định sẽ đưa vào sản xuất. Tiếp đến là quy trình tạo nguồn đất, từ tạo độ ẩm đến ủ phân tạo màu cho đất, các giai đoạn giữ ổn định cho cát, tạo thảm thực bì. Trong quá trình chăm sóc cây phải chú ý đến yếu tố nước ngọt. Ở một số đảo cũng có nguồn nước lấy từ giếng, có thể sử dụng sinh hoạt, nhưng nguồn nước này thường bị nhiễm mặn, không phù hợp với hầu hết các cây trồng trên đảo.
Đại biểu Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Hoàng Hải đánh giá cao những kết quả đạt được và nỗ lực, công sức mà Quân chủng Hải quân cũng như các bộ, ban, ngành cùng góp sức để triển khai chương trình xanh hóa Trường Sa. Công việc này rất có ý nghĩa và hết sức quan trọng giữa biển khơi.
Nơi đầu sóng ngọn gió, một màu xanh của các loại cây trồng, rau xanh đang dần được phủ kín, cảnh quan “đô thị hóa Trường Sa” đang hình thành sẽ giúp cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ cũng như người dân trên quần đảo Trường Sa thêm sung túc.
Với quyết tâm phủ xanh Trường Sa, những năm gần đây, bóng mát của những rặng phi lao, những tán phong ba, bàng vuông vững chãi, những vườn rau xanh công nghệ cao đang được phủ khắp các điểm đảo. Nơi vùng đất đầy nắng gió, cát sỏi cằn cỗi ấy, đến nay, những mầm xanh vẫn mơn mởn, sinh sôi giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo càng vững vàng bám biển đảo. Màu xanh Trường Sa không chỉ minh chứng cho sức sống bền bỉ mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết của quân và dân, quyết tâm xây dựng, gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật nông nghiệp Ngô Xuân Chinh cho biết thêm: Năm 2024, dự án đã thực hiện tại đảo Sơn Ca với mô hình thứ nhất là phủ xanh đảo; mô hình thứ hai là xây dựng nhà lưới giúp bộ đội tăng gia sản xuất quanh năm; mô hình thứ ba là chăn nuôi vịt biển. Đặc biệt, mô hình phủ xanh của dự án chỉ hỗ trợ trồng 250 cây xanh, nhưng thực tế hiện nay đã trồng được 15.000 cây xanh các loại trên đảo Sơn Ca.
Đồng thời xây dựng được 2 nhà lưới với diện tích 400m2 và kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ thêm cho đảo Sơn Ca một nhà ươm cây xanh với diện tích gần 400m2 cùng một vườn cây ăn quả, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa đầy đủ trong vườn. Bên cạnh đó, dự án cũng cung cấp 1.000 vịt biển, đồng thời đoàn công tác của lãnh đạo Bộ NN-PTNT ra thăm đảo cũng tặng thêm 4.000 con vịt biển.
Đặc biệt, Ðảng ủy Vùng 4 Hải quân và Huyện ủy Trường Sa (Khánh Hòa) cũng có nhiều nghị quyết chỉ đạo quân, dân huyện đảo Trường Sa đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm hậu cần cho các đơn vị, địa phương. Trong đó, nghị quyết về xanh hóa Trường Sa được thực hiện từ đầu năm 2023 đã góp phần phủ xanh nhiều đảo, mang ý nghĩa thiết thực cho đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo...
"Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nghiên cứu và chuyển giao nhiều giống gia súc, gia cầm, rau xanh giúp cán bộ, chiến sĩ ở ngoài đảo Trường Sa tăng gia sản xuất, có thêm thực phẩm tại chỗ là điều rất quý.
Qua thực tế kiểm tra trên quần đảo Trường Sa, các hệ thống vườn, nhà giàn trồng rau xanh phát triển rất tốt, bộ đội hàng ngày có đủ rau xanh trong bữa ăn. Đề nghị các chuyên gia của Bộ NN-PTNT và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam tiếp tục có phương án phủ xanh thêm, để quần đảo Trường Sa ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn nữa", Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Phạm Như Xuân nhấn mạnh.