1,76 triệu đô cho 1 con cá ngừ
Hằng năm, vào thứ Bảy đầu tiên của tháng giêng, người Nhật lại làm kinh động giới ngư nghiệp thế giới khi đưa ra một cái giá ngất trời cho một con cá ngừ vây xanh.
Tại chợ cá nổi tiếng Tsukiji ở thủ đô Tokyo, phiên đấu giá cá ngừ vây xanh đầu tiên của năm mới hàm chứa nhiều ý nghĩa: nhu cầu của khách hàng đối với cá ngừ vây xanh làm món gỏi sashimi nổi tiếng đang không ngừng tăng lên, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, sự sụt giảm số lượng của cá ngừ đại dương, một hoạt động mang tính biểu tượng của nghề cá ở Nhật Bản…
Năm 2013, Kiyoshi Kimura, ông chủ một chuỗi nhà hàng sushi Nhật Bản đã chi 1,76 triệu USD cho con cá ngừ vây xanh đầu tiên được đấu giá, nặng khoảng 222 kg.
Kimura từng trả tới 736.000 USD, mức giá cao nhất thế giới tại thời điểm đó, cho con cá ngừ đầu tiên của năm 2012. Con cá nặng 269 kg, theo tường thuật của tờ The Atlantic.
Ngày 4/1/2014, rất nhiều nhà báo đổ về chợ Tsukiji để hòng chứng kiến mức giá mới vượt qua con số hàng triệu. Nhưng mặc dù vẫn là Kimura giành được con cá đầu tiên trong phiên đấu giá, nhưng không có kỷ lục mới: con cá ngừ vây xanh đầu tiên của năm được đấu giá chỉ với… 70.000 USD, tức là khoảng 1,5 tỷ đồng. Nhưng mức giá này vẫn cao hơn rất nhiều so với giá cá ngừ vây xanh thông thường ở Nhật Bản.
Nhưng nếu phiên đấu giá được xem là cách khởi đầu một năm mới đầy hào hứng và cũng là dịp nhắc nhở chúng ta về một trong những loài cá quý của đại dương thì 70.000 USD cũng có thể coi là cái giá rất rẻ.
Cơn cuồng cá ngừ vây xanh lan từ Nhật Bản ra khắp thế giới đã khiến cả ba loài cá ngừ vây xanh rơi vào tình trạng bị đánh bắt quá mức và trong vài năm gần đây, các nỗ lực bảo vệ các loài cá ngừ vây xanh đã bị cản trở bởi lợi ích của ngành ngư nghiệp Nhật Bản, New Zealand, Mỹ và các nước vùng Địa Trung Hải…
Trong khi mức giá kỷ lục của một con cá ngừ vây xanh là tiếng chuông báo hiệu đã đến lúc phải xem xét lại ngành đánh bắt cá ngừ toàn thế giới, nó không phản ánh giá trị thị trường của loài cá này.
Andrew David Thaler, nhà nghiên cứu đại dương viết trên trang Southern Fried Science rằng, có nhiều vấn đề xung quanh chuyện đấu giá cá ngừ đầu năm, và chỉ có vài yếu tố liên quan đến ngành đánh bắt cá ngừ.
Người ta cho rằng mua được con cá ngừ đầu tiên là một vinh dự, thể hiện đẳng cấp. Những dòng tít lớn về mức giá kỷ lục được truyền thông thế giới đăng tải là một màn quảng cáo không công cho người thắng cuộc.
Còn nếu tính ra, với những cái giá 1,76 triệu USD mà Kimura đưa ra, ông phải bán với giá ít nhất 345 USD một phần thịt cá ngừ trong nhà hàng. Tuy nhiên, theo lời Kimura, mỗi suất cá ngừ được bán ra chỉ với 4,6 USD.
Chính vì thế, dù có lúc giá cá đạt mức kỷ lục, cá ngừ vây xanh không phải là thứ chỉ giới cực giàu mới dám động tới và ngành đánh bắt cá ngừ đang có rất nhiều đối tượng khách hàng.
Cơn cuồng sushi
Để hiểu tường tận cơn sốt cá ngừ, chúng ta cần hiểu vì sao và từ lúc nào loài cá lớn của đại dương này lại có vị trí quan trọng trên bàn ăn của con người khắp thế giới.
Trong những năm 60 của thế kỷ trước, trên thế giới chưa ai hâm mộ cá ngừ vây xanh. Ở Mỹ, thịt cá ngừ vây xanh được bán với giá chỉ vài xu Mỹ/kg. Người ta thường dùng cá ngừ làm thức ăn cho mèo. Người Nhật cũng đánh bắt cá ngừ, nhưng ít người thích loại cá có thịt đỏ như máu, nhiều chất béo.
Rồi các nhà hàng sushi (món ăn truyền thống của Nhật gồm cơm và một số loại hải sản, thường là cá sống) được mở ra khắp nước Mỹ và người Mỹ rất thích loại sushi toro, làm từ thịt bụng cá ngừ vây xanh. Trong những năm 70 (TK XX), người Nhật cũng bắt đầu hâm mộ thịt cá ngừ vây xanh.
Cá ngừ vây xanh trở thành loài hải sản được ưa chuộng của không chỉ ngư dân Nhật Bản mà có cả ngư dân Mỹ và Canada. Theo Ủy hội quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN), từ năm 1970-1990, sản lượng đánh bắt cá ngừ vây xanh ở phía tây Đại Tây Dương tăng hơn 2.000%.
Giá cá ngừ ngư dân Mỹ và Canada xuất khẩu sang Nhật Bản tăng… 10.000%. Và Nhật Bản là nước nhập khẩu gần như tất cả cá ngừ đánh bắt được ở Bắc Mỹ. Thậm chí đến ngày nay, một con cá ngừ vây xanh bắt ngoài khởi New Hampshire (Mỹ) cũng được xuất khẩu sang Nhật Bản để rồi kết thúc hành trình trên những đĩa sushi trong một nhà hàng ở Tokyo.
Trước năm 1970, chỉ có Nhật Bản và Mỹ đánh bắt cá ngừ và ở Mỹ hầu hết chỉ dùng chúng làm thức ăn cho mèo. Rồi người Nhật bắt đầu nhập khẩu cá với số lượng lớn làm sushi và nhiều nước bắt đầu nhảy vào đánh bắt cá ngừ vây xanh.
Từ mức giá gần 2 triệu USD rớt xuống còn 70.000 USD, cho dù là phiên đấu giá biểu tượng không thực sự phản ánh giá trị thật của cá ngừ trên thị trường, đây cũng là tín hiệu cho thấy người Nhật bắt đầu nhận thức rõ hơn về tình cảnh của loài cá ngừ. Nước này cũng đang tìm cách nhập khẩu cá ngừ từ những nguồn bền vững hơn hoặc đầu tư cho công tác nghiên cứu, nhân giống cá ngừ, giảm khai thác từ nguồn cá ngừ tự nhiên. (còn nữa)