Thậm chí có những kẻ còn làm liều lấn chiếm đất rừng, bao chiếm đất để sang bán trái phép. Từ đó làm phát sinh hàng loạt vụ tranh chấp, kiện tụng.
Vì đất, mất tình
Trong những ngày ở Phú Quốc, tôi được nghe kể về rất nhiều vụ tranh chấp đất đai. Một miếng đất viết giấy tay bán cho 2, 3 người. Giá đất tăng, chủ đất xù hợp đồng không bán.
Anh em tranh chấp nhau vì miếng đất thừa kế. Người dân tranh chấp với doanh nghiệp đến đảo thực hiện dự án. Người dân kiện chính quyền vì quyết định thu hồi đất, bồi thường không thỏa đáng…
Hàng trăm lý do dẫn đến tranh chấp đất đai. Chính quyền địa phương hòa giải không thành thì kiện nhau ra tòa. Ai thắng sẽ có tiền tỷ trong tay.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, bà Nguyễn Lệ H khai phá được thửa đất gần 16.000 m2, tại ấp Rạch Hàm, xã Bãi Thơm để làm nhà ở và trồng cây lâu năm.
Năm 2001, bà H chuyển nhượng bằng giấy tay thửa đất này cho bà Lương Thị Mai P. Sau đó bà H lại tiếp tục chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị L vào năm 2002, cũng bằng giấy tay, nhận tiền đặt cọc.
Năm 2012, khi UBND huyện Phú Quốc xem xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà H thì xảy ra tranh chấp giữa bà H và bà L, hai bên kiện nhau ra tòa.
Trong khi tòa đang thụ lý vụ án thì Thanh tra huyện Phú Quốc lại vào cuộc, một sự việc mà có tới hai cơ quan khác nhau tham gia giải quyết, khiến sự việc càng thêm rối rắm.
Và chiếu theo quy định thì việc thanh tra huyện thụ lý, giải quyết vụ việc này là không đúng thẩm quyền. Vụ việc kéo dài tới nay chưa giải quyết xong.
Còn trường hợp của ông Henry Thương, một Việt kiều Mỹ, chỉ vì mua miếng đất của cha mẹ để lại mà sau này xảy ra tranh chấp, dẫn đến mất tình anh em.
Theo trình bày của ông Thương, cha mẹ ông có miếng đất hơn hai mẫu tại ấp 3, xã Cửa Cạn. Do phần lớn anh, chị, em (trong gia đình có 9 người) đã đi nước ngoài nên phần đất nói trên được để cho anh ruột ông Thương là Nguyễn Hữu K thừa kế.
Năm 2005, ông K có ý định bán toàn bộ diện tích đất này. Tiếc của cha mẹ để lại nên ông Thương bỏ tiền ra mua, nhờ người cháu ruột là Hồ Minh N (con của chị gái) đại diện làm thủ tục đúng tên dùm.
Sau khi mua bán, khoảng 1/3 diện tích đã được sang tên cho N và ông Thương bỏ tiền xây dựng căn biệt thự để mỗi khi về nước có chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt.
Năm 2010, N bị bệnh qua đời, một năm sau ông K buồn chuyện gia đình uống thuốc độc tự tử. Từ đây, bà Đỗ Thị Th (vợ ông K) và các con đứng ra tranh chấp đất, cho rằng chỉ bán phần đã sang tên, phần còn lại không bán.
Ỷ có con rể làm ở Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện, bà Th còn âm thầm làm giấy chứng nhận QSDĐ để chiếm đoạt phần còn lại.
Qua trao đổi, ông Henry Thương tâm sự: “Tôi cảm thấy rất buồn về chuyện này. Vì chỉ muốn giữ lại phần đất của cha mẹ mà tôi bỏ ra cả chục ngàn đô la để mua, anh chị em đều đồng ý hết, có cả chứng nhận của chính quyền địa phương.
Khi tôi yêu cầu làm giấy tờ, anh K còn bảo “đất mày mua rồi, đã có hàng rào hẳn hoi, thì là của mày, cần gì phải làm giấy tờ”. Là anh em ruột thịt, anh K nói vậy nên tôi rất tin tưởng. Vậy mà không ngờ giờ lại xảy ra tranh chấp, làm mất tình cảm gia đình.
Dù rất buồn nhưng buộc lòng tôi phải làm đơn kiện ra tòa nhờ pháp luật can thiệp chứ biết làm sao bây giờ”.
Khu đất ông Henry Thương mua của người thân bằng giấy tay giờ xảy ra tranh chấp mất tình anh em
Nguyên Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, ông Nguyễn Văn Hùng, xác nhận, có biết về vụ việc mua bán đất giữa ông K và ông Thương, nguồn gốc đất là do cha mẹ để lại.
Nhưng do lúc đó là mua bán giấy viết tay, diện tích thể hiện cũng không rõ ràng nên sau này gia đình ông K lật lọng, lấn qua trồng cây. Sau khi xảy ra tranh chấp, chính quyền địa phương có hòa giải nhưng không thành.
Không chỉ tranh chấp, kiện tụng giữa người dân với nhau, mà nhiều nơi người dân còn kiện cả chính quyền ra tòa cũng chỉ vì đất đai.
Đơn cử như tại ấp 3, xã Cửa Cạn, đang có 4 trường hợp khởi kiện Chủ tịch UBND huyện hoặc hành vi hành chính của Chủ tịch UBND huyện liên quan đến lĩnh vực đất đai và đã được tòa án thụ lý.
Tuy nhiên, phía tòa đã nhiều lần tổ chức đối thoại nhưng người được Chủ tịch huyện ủy quyền đều vắng mặt không lý do. Hơn nữa, phía huyện cũng không cung cấp tài liệu, chứng cứ để tòa án xem xét giải quyết theo luật định, khiến người dân rất bức xúc.
Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, thời gian gần đây, các vụ tranh chấp, đơn thư kiếu kiện trên địa bàn huyện có xu hướng tăng mạnh.
Trung bình mỗi năm, UBND huyện nhận từ 500 - 700 đơn, thư khiếu nại, trong đó 70-80% là liên quan đến đất đai, công tác bồi thường, tái định cư và chiếm khoảng 70% lượng đơn, thư về lĩnh này của toàn tỉnh.
Dù không xảy ra tình trạng khiếu nại đông người, gay gắt nhưng Phú Quốc đang tiềm ẩn những vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai rất lớn.
Vi phạm đất đai gia tăng
Dọc theo tuyến đường từ cảng Bãi Vòng (xã Hàm Ninh) về thị trấn Dương Đông, có một khoảng đất trống khá dài, vốn trước đây là đất rừng tràm đã bị người dân đốt cháy trụi.
Theo quy hoạch, khu vực này đã được đưa ra khỏi diện tích đất rừng, giao cho nhà đầu tư xây dựng khu du lịch, sân golf. Tuy nhiên, do dự án không được triển khai nên khu đất được tạm thời giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Lợi dụng sự lỏng lẻo, hàng chục hộ dân đã vào đây bao chiếm, lấn chiếm, cất nhà tạm và lên liếp trồng cây lâu năm.
Tình hình nóng đến mức UBND huyện Phú Quốc phải huy động lực lượng liên ngành, thành lập đoàn tiến hành cưỡng chế các hộ vi phạm để thu hồi lại đất.
Theo Phòng TN-MT huyện, tổng diện tích đất nhà nước quản lý bị bao chiếm trái phép tại ấp Bãi Vòng được xác định khoảng 46 ha. Đây là diện tích đất bị 17 hộ dân gồm người địa phương và những người từ nơi khác đến bao chiếm, xây dựng, trồng cây trái phép từ năm 2013 cho đến nay.
Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng TN-MT huyện Phú Quốc cho biết, trước mắt đoàn chỉ cưỡng chế di dời nhà cửa, vật kiến trúc, còn cây trồng trái phép sẽ để người dân tự nguyện di dời, nếu không thì sẽ cưỡng chế tiếp.
“Người dân khi đến đảo Phú Quốc mua đất, tuyệt đối không nên mua “đất chỉ” thông qua môi giới, cò đất, không có giấy tờ rõ ràng, đặc biệt là đất rừng phòng hộ. Vì như vậy sẽ rất dễ bị mất tiền oan, dẫn đến tranh chấp, kiện tụng mà còn vi phạm pháp luật nếu diện tích mua bán là đất rừng. Tốt nhất là trước khi ký hợp đồng mua, bán đất nên liên hệ với các cơ quan chức năng của huyện để được hướng dẫn, tư vấn”, ông Tâm khuyến cáo. |
Tuy nhiên, không phải vụ cưỡng chế nào trên hòn đảo ngọc này cũng diễn ra an toàn. Trước đó, khi lược lượng chức năng của huyện tiến hành cưỡng chế hai hộ dân bao chiếm đất hành lang biển trái phép tại xã Gành Dầu, một số người dân quá khích đã cố thủ trong nhà, chuẩn bị sẵn bom xăng và súng tự chế để chống trả lại.
Cả hai chiếc máy xúc khi tiến hành cưỡng chế đều bị bắn vỡ kiếng, rất may không có thiệt hại về người.
Song song với đoàn của huyện, lực lượng Kiểm lâm huyện với sự chi viện của Kiểm lâm tỉnh cũng đã thành lập đoàn đi cưỡng chế các vụ vi phạm đất rừng tại nhiều nơi.
Diện tích đất rừng phòng hộ của huyện đảo Phú Quốc hiện nay là 6.870 ha, trải dài trên địa bàn 4 xã Cửa Dương, Dương Tơ, Hàm Ninh, Hòn Thơm và 2 thị trấn An Thới, Dương Đông.
Theo ông Dương Minh Tâm, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Phú Quốc, thì tình trạng chặt phát, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn từ đầu năm đến nay diễn ra khá phức tạp và “nóng” theo sự sốt giá từng ngày của thị trường đất đai.
Người dân thường lợi dụng các dự án giáp rừng để khai phá, phát dọn thêm, để lấn chiếm hoặc đòi yêu sách với nhà đầu tư, chính quyền.
Ông Tâm cho biết, từ đầu năm đến nay lực lượng Kiểm lâm đã tiến hành xử lý 13 vụ lấm chiếm đất rừng phòng hộ, với diện tích 10,2 ha, trong đó có 5 vụ được xác định là mua bán trái phép.
Nguyên nhân số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng thời gian gần đây gia tăng mạnh là do giá đất trên đảo tăng rất mạnh. Những hộ vi phạm làm cả ban đêm. Có khi hôm nay lực lượng chức năng di dời cây do các hộ dân bao chiếm đất rừng để trồng trái phép thì ngày hôm sau quay lại đã thấy họ trồng cây mới.
Theo ông Tâm, cái khó là Ban quản lý Rừng phòng hộ không có chức năng xử phạt nên khi phát hiện người dân vi phạm chỉ có thể lập biên bản, đo vẽ vị trí vi phạm, xác định thiệt hại để chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.