| Hotline: 0983.970.780

Gấp rút lập Cục kiểm ngư

Thứ Năm 06/12/2012 , 10:43 (GMT+7)

Để giúp bà con ngư dân hiểu rõ hơn về cơ quan Kiểm ngư, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã dành thời gian trao đổi với báo NNVN.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám

Thông tin về lực lượng Kiểm ngư sắp được thành lập theo Nghị định 102 của Chính phủ đang đặc biệt thu hút sự quan tâm của ngư dân cũng như dư luận cả nước. Vậy Kiểm ngư sẽ hoạt động như thế nào, sẽ đem lại lợi ích gì cho ngư dân? Để giúp bà con ngư dân hiểu rõ hơn về cơ quan Kiểm ngư, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã dành thời gian trao đổi với báo NNVN.

Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ NN-PTNT thành lập Cục Kiểm ngư. Xin Thứ trưởng cho biết chức năng của Cục Kiểm ngư là gì và vì sao chúng ta lại phải thành lập lực lượng này?

Từ trước tới nay để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản chúng ta vẫn có cơ quan thanh tra chuyên ngành; hệ thống Cục, Chi cục khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đã có tàu phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển mang tên “Kiểm ngư”. Tuy nhiên, do chưa có lực lượng chuyên trách nên hoạt động tuần tra kiểm soát không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt trong thời gian gần đây, số lượng tàu thuyền đăng kí hoạt động trên biển đang gia tăng, nguồn lợi thủy sản thì ngày càng suy giảm nên việc thành lập một lực lượng chuyên trách để tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản là cần thiết.

Mặt khác, cùng với vấn đề thời tiết bất thường của biến đổi khí hậu, vấn đề va chạm giữa các tàu cá của Việt Nam trên biển, thì rõ ràng phải có một lực lượng thường trực, luôn sẵn sàng thực hiện cứu hộ cứu nạn, đồng thời giữ gìn an ninh trật tự trên biển bảo đảm an toàn tính mạng của ngư dân Việt Nam. Đó là lý do mà Chính phủ quyết định thành lập lực lượng Kiểm ngư.

Còn về chức năng của cơ quan Kiểm ngư thì tại Nghị định 102 cũng đã quy định cụ thể, đây là lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Để thành lập lực lượng Kiểm ngư chắc chúng ta sẽ phải mất thời gian khá dài chuẩn bị cho các điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự. Vậy dự kiến bao giờ lực lượng Kiểm ngư sẽ chính thức đi vào hoạt động, thưa ông?

Thực ra công tác chuẩn bị xây dựng Cục Kiểm ngư chúng ta đã tiến hành từ rất lâu rồi, đến nay những điều kiện thiết yếu để thành lập lực lượng gồm nhân sự, trụ sở, thiết bị, trang phục, phù hiệu… đã cơ bản được đảm bảo. Nhưng trước mắt chúng ta mới chỉ thực hiện ở cấp Trung ương, nếu mọi chuyện thuận lợi theo đúng dự kiến thì Cục Kiểm ngư sẽ ra mắt vào thời điểm Nghị định 102 có hiệu lực, tức là khoảng 25/1/2013.

Trong giai đoạn tiếp theo, cơ cấu tổ chức của lực lượng Kiểm ngư sẽ được xây dựng như thế nào để có thể bao phủ đến cấp cơ sở, thưa Thứ trưởng?

Kiểm ngư là cơ quan thi hành chức năng quản lý nhà nước trên biển nên về cơ cấu tổ chức sẽ gọn nhẹ, không nặng về hành chính mà chủ yếu là các Tổ, Đội cơ động. Hiện Tổng cục Thủy sản đang trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệt bộ máy tổ chức nhưng dự kiến sẽ chỉ thành lập khoảng 4 Chi cục vùng để quản lý, chỉ đạo hoạt động các Tổ, Đội cơ sở.

Là cơ quan thực thi pháp luật trên biển, trong trường hợp gặp những tàu lạ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ hoặc phải đối phó với cướp biển bảo vệ ngư dân, lực lượng Kiểm ngư sẽ xử lý như thế nào và có quyền hạn đến đâu, thưa Thứ trưởng?

Ở đây chúng ta cần khẳng định rõ Kiểm ngư là một tổ chức dân sự. Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên biển, lực lượng Kiểm ngư cũng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác có chức năng bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền lãnh thổ trên biển để giải quyết các vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Kiểm ngư là thanh tra, tuần tra, kiểm soát các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo đúng các quy định của luật pháp Việt Nam. Cũng phải nói thêm rằng, do trước đây chúng ta chưa có lực lượng Kiểm ngư nên để đảm bảo căn cứ pháp lý cho các hoạt động xử lý vi phạm trên biển của cơ quan này sắp tới sẽ phải sửa đổi, bổ sung các điều luật liên quan. Trước mắt, lực lượng Kiểm ngư có thể vận dụng chức năng thanh tra chuyên ngành để xử lý các vi phạm trên biển.

Chính phủ có quy định những cán bộ Kiểm ngư bị thương hoặc hi sinh khi thi hành nhiệm vụ sẽ được công nhận là thương binh hay liệt sĩ. Như vậy có thể lường trước rằng công việc của Kiểm ngư viên sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, xin Thứ trưởng cho biết Kiểm ngư có được trang bị công cụ để tự bảo vệ?

Điểm này Nghị định 102 cũng đã quy định rõ Kiểm ngư được trang bị phương tiện thông tin liên lạc chuyên dùng, phương tiện thiết bị đặc thù, công cụ cần thiết để tự vệ và thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tức là lực lượng Kiểm ngư sẽ được trang bị tùy theo nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.