Sau gần nửa năm nằm “chết gí” trong kho bãi vì tắc đầu ra, hiện gỗ dăm tồn đọng của các nhà máy ở khu vực miền Trung đã được “phóng thích”. Khi đầu ra đã khai thông, gỗ dăm được thu mua mạnh trở lại và giá của nó cũng dần nhích lên.
Lâm cảnh khốn đốn
Theo tính toán của ngành lâm nghiệp các địa phương trên địa bàn miền Trung, từ tháng 5 đến giữa tháng 9/2012, lượng gỗ dăm trong khu vực này bị tồn đọng khoảng 500.000 tấn khô (tương đương 1 triệu tấn tươi). Trong đó, riêng tại Bình Định bị “ứ” khoảng 200.000 tấn khô. Tại Quảng Ngãi, cũng chừng ấy gỗ dăm khô lâm cảnh “phơi mưa phơi nắng” suốt gần nửa năm trời.
Ông Nguyễn An Điềm, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, giải thích nguyên nhân: “Từ quý 1 đến giữa quí 2 năm 2012, đầu ra của gỗ dăm XK ổn định. Từ đầu quí 3 trở về sau, khi cơn bão số 5 “ghé thăm” các địa phương thuộc miền Nam Trung Quốc, nhiều diện tích rừng trồng ở khu vực này bị ngã đổ. Vì vậy, Trung Quốc lập tức tạm dừng NK gỗ dăm để tận thu gỗ rừng trồng nội địa, nhằm giải quyết hậu quả cơn bão số 5 để lại. Theo đó, các nhà máy ở phía Nam Trung Quốc cắt hạn ngạch NK gỗ dăm. Gỗ dăm XK của Việt Nam lập tức lâm cảnh khốn đốn vì Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ mặt hàng này”.
Các nhà máy chế biến dăm gỗ XK hoạt động trở lại
Khi gỗ dăm bị ứ đọng kéo dài, lập tức giá của nó cũng tuột dốc thảm hại. Từ 134 - 136 USD/tấn khô tuột dần xuống chỉ còn dưới 120 USD/tấn khô. Trong thời điểm này, nhiều DN không “gồng” nổi khoản lãi vay phải trả ngân hàng nên “bấm bụng” bán giá rẻ để giải quyết nợ nần. Ông Lê Văn Hồng, Tổng giám đốc PISICO Bình Định, cho biết: “Gỗ dăm thường tập kết thành đống ở ngoài trời. Đây là gỗ rừng trồng nên không thể chịu nổi nằm dài ngày ngoài mưa, nắng. Nếu DN nào có đủ “nội lực”, không cần phải bán tháo hàng để gỡ công nợ thì cũng không dám “găm” hàng vì sợ chúng mất chất lượng, đến khi bán được thì cũng không ai dám mua”. “Với giá bán dưới 120 USD/tấn gỗ dăm khô, các DN phải chấp nhận lỗ 7 - 8 USD/tấn. Trong thời điểm ế hàng, có khoảng 50% nhà máy băm dăm và DN kinh doanh gỗ dăm trong khu vực miền Trung phải chấp nhận bán tháo hàng để gỡ vốn”.
Trong cái khó “ló” năng động
Trong thời điểm thị trường Trung Quốc “đóng cửa” đối với mặt hàng gỗ dăm, một số nhà máy ở phía Nam Trung Quốc còn duy trì thu mua thì ép giá “sát đất”, khiến nhiều DN chế biến gỗ dăm ở miền Trung không cam lòng, liền mở đường tìm kiếm thị trường mới. Nhờ đó, hiện nay mặt hàng gỗ dăm của các DN ở miền Trung đã có thêm nhiều bạn hàng mới ở Hàn Quốc và các tỉnh thuộc phía Bắc Trung Quốc. Từ giữa tháng 9 đến nay, lượng gỗ dăm tồn kho ở các tỉnh miền Trung cơ bản đã được tiêu thụ hết. Giá gỗ dăm cũng nhích dần lên từ dưới 120 USD/tấn khô, nay tăng 122 - 123 USD/tấn.
Theo đó, hiện nay nhiều nhà máy chế biến gỗ băm dăm trong khu vực đã triển khai đẩy mạnh việc thu mua gỗ rừng trồng. “Nước lên, thuyền lên”, gỗ dăm tăng giá, gỗ rừng trồng cũng bán được giá cao hơn. Nếu như cách đây 5 tháng, giá gỗ rừng trồng chỉ được thu mua chưa đến 900.000 đ/khối (tươi) thì nay đã tăng đến hơn 1 triệu đ/khối. Giá gỗ tăng, cửa rừng cũng được mở trở lại. Nếu như vào thời điểm gỗ rừng trồng mất giá, mặc dù đang trong thời tiết nắng ráo rất thuận lợi, nhưng người trồng rừng vẫn không khai thác. Bây giờ, mặc dù đang giữa mùa mưa bão nhưng người trồng rừng vẫn tiến hành khai thác những cánh rừng đến tuổi. “Trong thời gian giáp Tết Nguyên đán, chắc chắn hoạt động khai thác sẽ rầm rộ hơn, bởi lúc này thời tiết khô ráo thuận lợi cho thu hoạch, vả lại đây là thời điểm cần tiền tiêu Tết nên các chủ rừng sẽ khai thác mạnh.
“Hiện nay, có một số tỉnh ở miền Trung đang nghiên cứu, triển khai xây dựng nhà máy chế biến bột giấy. Khi những nhà máy này đi vào hoạt động, đầu ra của gỗ dăm trên địa bàn sẽ có tương lai tươi sáng”, ông Nguyễn An Điềm. |
Theo dự kiến, trong cuối quý 4 này giá gỗ dăm XK sẽ tăng đến 125 - 127 USD/tấn khô. Theo đó, giá gỗ rừng trồng cũng tăng theo, nên chắc chắn sản lượng khai thác tại các địa phương sẽ tăng mạnh. Hiện nay, năng suất bình quân của gỗ rừng trồng trong khu vực miền Trung là 80 tấn/ha, những diện tích thâm canh năng suất có thể đạt đến 100 tấn/ha”, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, ông Nguyễn An Điềm, cho biết như vậy. Ông Võ Văn Cường, GĐ Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, cho biết thêm: “Hiện Nhà máy chế biến dăm gỗ XK của công ty đang thu mua gỗ rừng trồng với giá từ 1.030.000 - 1.050.000 đ/tấn tươi. Với giá này, người trồng rừng sẽ có lãi ròng khoảng 10 triệu đồng/ha”.
Theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, để các nhà máy chế biến gỗ dăm phát triển bền vững, ổn định, nhiều địa phương trong khu vực miền Trung đã có chủ trương từng bước hạn chế XK dăm khô. Nhiều DN trong khu vực đã chuyển hướng đầu tư chế biến sản phẩm mới từ nguyên liệu gỗ rừng trồng như SX viên gỗ nén để làm nhiên liệu, hoặc làm mùn cưa để “hóa giải” hóa chất tồn dư trong đất nhằm cải tạo đất SXNN.