Những tỷ phú vườn cây ăn trái
Chúng tôi đến thăm khu vườn rộng hơn 20 ha được quy hoạch, thiết kế hợp lý giữa không gian để sản xuất vườn, ao, rừng và không gian sống của gia đình trong khuôn viên hộ, tạo ra cảnh quan “nhà sạch, vườn đẹp, môi trường sống trong lành, văn hóa, văn minh” của gia đình ông Tô Đình Kền, thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh (Phú Yên), mới thấy được chủ vườn đã dành nhiều tâm huyết gây dựng. Bởi vùng đất này trước đây hoang hóa, đến năm 2016, ông Kền mới biến nơi đây thành một vùng đất xanh tươi với gần 30 loại cây ăn trái gồm: ổi, bưởi, sầu riêng, măng cụt, dừa, mít, hồng xiêm…trĩu quả như bây giờ.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn, ông Kền cho biết, ban đầu, ông chỉ trồng thử vài loại cây ngắn ngày như ổi, mãng cầu, đu đủ để vừa học hỏi kinh nghiệm vừa giảm rủi ro. Khi nhận thấy thổ nhưỡng phù hợp và sản phẩm cho chất lượng cao, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, trồng thêm nhiều loại cây giá trị khác. Mỗi loại, ông đều trồng nhiều giống khác nhau nhằm tạo sự đa dạng, phong phú cho vườn để kết hợp du lịch sau này.
Hiện quy trình sản xuất cây ăn trái của ông theo hướng hữu cơ và VietGAP nên sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường. Trong đó, 2 sản phẩm gồm ổi, bưởi da xanh đạt chứng nhận OCOP 3 sao được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
“Hiện ổi gồm 3 loại như lê Đài Loan, nữ hoàng, ruby của gia đình sản xuất đã có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trong tỉnh và TP Quy Nhơn (Bình Định), với giá bán tại vườn từ 25-35 ngàn đồng/kg (tùy loại), cao hơn nhiều so với sản xuất thông thường”, ông Kền chia sẻ và cho biết thêm, bước đầu doanh thu của vườn đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, trong đó 3 ha bưởi và hơn 2 ha ổi là nguồn thu nhập chính hiện nay. Tuy nhiên thời gian tới, khi tất cả cây trồng đã vào thời kỳ kinh doanh ổn định, hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần, nhất là kết hợp du lịch.
Rời gia đình ông Kền, chúng tôi đến vườn cây ăn trái của ông Võ Minh Tuấn, khu phố 10, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) đang trồng cam, bưởi và sầu riêng với tổng diện tích 4 ha. Trong đó, 2 ha cam, bưởi và gần 1 ha sầu riêng đã cho thu hoạch.
Cũng như ông Kền, ông Tuấn trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ và VietGAP nên ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay vườn cây của ông chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục, phân đạm cá tự ủ và chỉ sử dụng thuốc BVTV sinh học trong trường hợp cần thiết. Nhờ đó đảm bảo sức khỏe người trực tiếp sản xuất, cây trồng cho năng suất, chất lượng nông sản cao. Sản phẩm của gia đình ông luôn được tiêu thụ hết, thậm chí không đủ để cung cấp.
Ông Tuấn cho biết, hiện 3 sản phẩm bưởi da xanh, cam sành, cam V2 của gia đình đạt OCOP 3 sao. Đặc biệt, giống cam V2 và sầu riêng trồng tại vườn sinh trưởng và phát triển tốt, cho chất lượng ngon ngọt. Khoảng 2 năm trở lại đây, gia đình thu hoạch cam, bưởi và một số ít diện tích sầu riêng, sau khi trừ tất cả chi phí lãi từ 1-1,5 tỷ đồng. Trước hiệu quả mang lại hiện nay ông Tuấn đang tiếp tục mở rộng diện tích thêm 4 ha để nâng cao thu nhập.
Agribank “đòn bẩy” cho kinh tế nông nghiệp
Câu chuyện thành công của những nông dân như ông Kền và ông Tuấn đều có dấu ấn không nhỏ từ sự hỗ trợ của Ngân hàng Agribank Chi nhánh Sông Hinh Phú Yên (gọi tắt Agribank Sông Hinh Phú Yên). Trong nhiều năm qua, đơn vị đã triển khai các chương trình vay vốn ưu đãi, đồng hành cùng nông dân trong việc chuyển đổi cây trồng và mở rộng sản xuất.
Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Agribank Sông Hinh Phú Yên chia sẻ: “Chúng tôi luôn chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương và các hội đoàn thể để triển khai hoạt động vay vốn hiệu quả. Nguồn vốn được thẩm định, giải ngân kịp thời, giúp nông dân mạnh dạn đầu tư vào những mô hình sản xuất mới.”
Để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân phát triển vùng cây ăn trái, Agribank Sông Hinh Phú Yên luôn phối hợp chặt chẽ chính quyền, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ ở địa phương triển khai hoạt động vay vốn bằng nhiều hình thức, nhất là thông qua các tổ vay vốn tại địa phương để thẩm định, giải ngân kịp thời. Cùng với đó, đơn vị còn tích cực và chủ động trong việc đồng hành, cung cấp vốn tín dụng đến các nông hộ kinh doanh quy mô lớn, quy mô trang trại, sử dụng nhiều lao động tại địa phương...
Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Chi nhánh đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, nhiều nông hộ tại Sông Hinh đã vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên làm giàu từ cây ăn trái.
Những năm trước đây, người dân Sông Hinh chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn, tiêu... thu nhập thấp. Tuy nhiên, nhờ sự định hướng và vận động của chính quyền địa phương, cùng với nguồn vốn ưu đãi từ Agribank, đến nay huyện đã chuyển đổi sang mô hình trồng cây ăn trái quy mô lớn.
Hiện nay, toàn huyện này đã có gần 2.000 ha cây ăn trái, sản lượng đạt 25.000 tấn/năm. Những vùng chuyên canh này không chỉ góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn mở ra cơ hội nâng cao giá trị nông sản, hướng tới xuất khẩu.
Với sự tiếp sức từ Agribank, những giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp tại Sông Hinh không còn xa vời. Vùng đất này đang từng bước khẳng định vị thế, với nhiều “tỷ phú chân đất” trở thành hình mẫu phát triển nông nghiệp bền vững ở Phú Yên, góp phần đưa nông sản Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới.