Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong quý III/2024 đạt 1,12 tỷ USD, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu giảm 12,9%, ở mức 212.926 tấn.
Tuy sản lượng giảm nhưng nhờ giá tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu cà phê đã vượt mốc 4,24 tỷ USD trong cả năm 2023, và thiết lập mốc kỷ lục mới.
Kết thúc niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm nay), Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,47 triệu tấn cà phê, giảm 11,3% so với niên vụ trước nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong niên vụ vẫn tăng tới 33%, lên mức 5,42 tỷ USD - cao nhất trong lịch sử.
Giá cà phê xuất khẩu tăng đột biến, cao hơn gần 50% so với niên vụ trước, đạt mức trung bình 3.673 USD/tấn. Riêng trong quý III, với giá trung bình đạt 5.266 USD/tấn (tăng 75,2% so với cùng kỳ năm ngoái), và đạt đỉnh điểm 5.469 USD/tấn trong tháng 9 - mức cao nhất từ trước đến nay.
Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới được cho là có lợi nhất từ trước đến nay do nhu cầu tiêu thụ cà phê robusta toàn cầu tăng mạnh, yếu tố khiến cho giá cà phê liên tục tăng cao và lập đỉnh mới trong niên vụ 2023-2024.
Cà phê Arabica dao động quanh mức cao nhất kể từ giữa năm 2011, cao nhất trong 13 năm trong bối cảnh lo ngại về tương lai nguồn cung. Các nhà giao dịch đã đánh giá hậu quả của việc trì hoãn trong một năm đối với quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu.
Điều này có thể hạn chế nguồn cung cà phê từ các quốc gia như Brazil và Indonesia, nơi xảy ra tình trạng phá rừng.
Bên cạnh đó, trọng tâm vẫn là vấn đề thời tiết gây bất lợi cho vụ mùa năm sau tại quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới là Brazil. Các nhà kinh doanh lưu ý rằng mặc dù có mưa gần đây, độ ẩm của đất vẫn ở mức thấp, dẫn đến sự phát triển hạn chế của quả và sự phát triển quá mức của lá.
Chính điều này đã góp phần đẩy giá cà phê Việt Nam lên mức cao nhất thế giới. Theo ghi nhận, tại các khu vực như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum đang giao động ở mức 113.000 đồng/kg.
Cụ thể, trong niên vụ 2023-2024, với khối lượng đạt 562.601 tấn, trị giá 2 tỷ USD, so với niên vụ trước giảm 8,6% về lượng nhưng tăng 41,1% về kim ngạch, chiếm 38,1% khối lượng và 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Đức, Italy và Tây Ban Nha là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch đạt lần lượt là 607,1 triệu USD, 416,6 triệu USD và 412,6 triệu USD, tăng 37,1%, 29,6% và 74,6% so với niên vụ trước. Xuất khẩu sang thị trường lớn tiếp theo là Nhật Bản cũng tăng 38,4% về kim ngạch dù lượng giảm 0,3%; Nga tăng 20% về kim ngạch dù lượng giảm 20,3%. Đối với khu vực châu Á như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… tăng rất mạnh cả về lượng và kim ngạch so với niên vụ trước.