| Hotline: 0983.970.780

Thực tế cần nhiều, chỉ tiêu quá ít!

Thứ Hai 25/02/2013 , 10:18 (GMT+7)

Theo khảo sát của NNVN, thực tế chỉ có các thương lái mới bán lúa, gạo trực tiếp cho các DN thu mua tạm trữ, còn nông dân đa phần là bán lúa tại ruộng với giá rất thấp.

Cuối tuần qua (22/2), Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và 7 Cty kinh doanh XK lúa, gạo đóng trên địa bàn tỉnh để bàn về việc thu mua tạm trữ lúa, gạo nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân.

Tại cuộc họp, các DN đều than khó do không tìm được đầu ra và giá XK giảm. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Kiên Giang, đến thời điểm này nông dân đã thu hoạch được khoảng 110 ngàn ha trong tổng số hơn 300 ngàn ha lúa đông xuân (ĐX) đã gieo sạ, diện tích còn lại sẽ thu họach rộ từ nay đến cuối tháng 3.

Năm nay lúa trúng mùa, năng suất bình quân đạt khá cao, ước tổng sản lượng vụ này toàn tỉnh Kiên Giang đạt khoảng 2,2 triệu tấn, trong đó có hơn 1,4 triệu tấn là lúa hàng hóa cần được tiêu thụ. Trong khi đó, chỉ tiêu Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ cho các DN của tỉnh Kiên Giang thu mua tạm trữ đợt này là 84.000 tấn gạo, tương đương 168 ngàn tấn lúa, chỉ chiếm một lượng rất nhỏ so với nhu cầu.

Bà Lê Thị Nhứt, PGĐ Sở Công thương Kiên Giang cho biết: “Chỉ tiêu giao tạm trữ cho Kiên Giang năm nay cao hơn vụ ĐX năm trước 20.000 tấn, nhưng cũng như muối bỏ bể, chẳng thấm tháp vào đâu. Với chỉ tiêu này, các DN chỉ thu mua khoảng 20 ngày là đủ. Hơn nữa, giá thu mua lúa bình quân hiện nay đang thấp hơn cùng kỳ 732 đồng/kg nên nông dân không thể có được mức lãi cao như mong đợi”.

Hiện nay, các Cty trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang triển khai 28 điểm thu mua lúa, gạo tạm trữ thuộc địa bàn các huyện Hòn Đất, Châu Thành, Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng và Kiên Lương. Bình quân giá gạo mà các Cty thu mua tại kho trong những ngày qua là 6.693 đồng/kg, quy ra lúa khoảng 4.568 đồng/kg, cao hơn giá mua tối thiểu UBND tỉnh Kiên Giang quy định trong vụ lúa ĐX 2012-2013 là 68 đồng/kg (giá quy định không dưới 4.500 đồng/kg, đảm bảo người nông dân có lãi 38,42%).


Sau mấy ngày triển khai thu mua tạm trữ, giá lúa vẫn ở mức thấp, nông dân không có lãi

Theo khảo sát của NNVN, thực tế chỉ có các thương lái mới bán lúa, gạo trực tiếp cho các DN thu mua tạm trữ, còn nông dân đa phần là bán lúa tại ruộng với giá rất thấp, chỉ khoảng 4.000đ – 4.200 đồng/kg. Một nghịch lý là lúa phẩm cấp thấp như IR50404 năm nay lại trúng mùa, dễ bán hơn so với các loại lúa thơm, phẩm chất cao. Nguyên nhân chính là do các DN không ký được hợp đồng XK đối với lúa phẩm chất cao nên sức mua rất yếu.

Ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho rằng, với mức giá và cách mua bán như hiện nay thì nông dân không thể có lãi 30%. Giá thành sản xuất lúa bình quân ở ĐBSCL vụ này là 3.616 đồng/kg, muốn người nông dân có lãi 30% thì giá thu mua lúa tại ruộng phải từ 4.700 đồng/kg trở nên. Ông Củi đề nghị: “Các DN nên công bố rộng rãi giá thu mua lúa, gạo cho dân biết, tránh tình trạng thương lái lợi dụng lúc thu hoạch rộ để ép giá nông dân”.

Tại cuộc họp, các Cty kinh doanh, XK lúa, gạo đều than khó trong việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân do thị trường XK đang trầm lắng và giá cả sụt giảm. GĐ Cty TNHH MTV xuất nhập khẩu Kiên Giang Quách Thành Công cho biết: “Hiện nay Cty đang gặp rất nhiều khó khăn cả về thị trường XK và giá xuất. Thời điểm này năm ngoái, giá gạo Cty xuất bán được 448 USD/tấn nhưng hiện nay chỉ xuất với giá 395 USD/tấn nhưng vẫn không tìm được thị trường.

"Tập trung đẩy mạnh việc thu mua theo chỉ tiêu được phân bổ và theo kế hoạch XK của DN, tích cực tìm kiếm thị trường, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu XK 1 triệu tấn gạo trong năm 2013 mà tỉnh đã đề ra", ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Đặc biệt năm nay gối đầu hàng tập trung theo thông lệ không có, còn hợp đồng thương mại rất khó khăn do bị các nước cạnh tranh quyết liệt về giá. Coi như thị trường tập trung đến giờ này không có giao dịch và họ chưa có một cam kết gì để nhập nên rất khó khăn cho đầu ra”.

Lý giải về tình trạng lúa chất lượng cao khó tiêu thụ hơn lúa thường, bà Võ Thị Trúc Phương, GĐ Cty TNHH Thuận Phát cho rằng, do không ký được hợp đồng XK các loại gạo chất lượng cao nên Cty chỉ tìm mua các giống lúa có phẩm cấp thấp để chế biến XK theo đơn đặt hàng.

“Tôi thấy rất xót khi xung quanh nhiều nông dân trồng các giống lúa thơm như OM 4900, OM 5451, Jasmine 85 rất nhiều nhưng Cty không thể mua mà phải mua lúa IR 50404 hoặc lúa hạt dài thông thường thôi”, bà Phương tâm sự. Còn ông Nguyễn Hùng Linh, TGĐ Cty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kiên Giang nêu cái khó: “Khi người dân chở các loại lúa thơm đến bán mà Cty không mua thì cũng khổ cho nông dân. Còn mua mà không xuất được lại khó cho DN”.

Để đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa hàng hóa với mức giá có lợi cho nông dân, ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành Công thương sớm triển khai thực hiện việc niêm yết giá thu mua lúa, gạo tại các điểm thu mua tập trung để nông dân biết, tránh tình trạng thương lái ép giá. Các DN kinh doanh, XK lúa, gạo nên gánh vác một phần trách nhiệm xã hội bằng cách giảm bớt lợi nhuận để nâng giá thu mua cho bà con nông dân.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm