| Hotline: 0983.970.780

"Đừng đổ tội cho cây cao su"

Thứ Tư 23/10/2013 , 10:20 (GMT+7)

Đó là khẳng định của TS.Đinh Thanh Sang – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Trung cấp Nông lâm tỉnh Bình Dương về sự kiện cây cao su “gặp nạn” tại khu vực miền Trung vừa qua. PV NNVN đã có cuộc trao đổi với TS.Sang về vấn đề này…

Đó là khẳng định của TS.Đinh Thanh Sang (ảnh) – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Trung cấp Nông lâm tỉnh Bình Dương về sự kiện cây cao su “gặp nạn” tại khu vực miền Trung vừa qua. PV NNVN đã có cuộc trao đổi với TS.Sang về vấn đề này…

Thưa ông, cơn bão giật cấp 10, cấp 11 với vận tốc trên 100 km/giờ vừa qua ở miền Trung thì có lẽ chẳng cây nào chịu nổi, huống hồ là cây cao su vốn có đặc tính giòn, dễ gãy?

Đúng vậy, đừng đổ tội cho cây cao su. Trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khốc liệt như hiện nay thì trước sức mạnh của cơn bão số 10 và bão Nari vừa qua, cây cao su - vốn có đặc tính giòn, rễ mọc ngang, tán lá dày thì việc gãy đổ hàng loạt cũng là điều thấy trước.

Nên nhớ, ngay cả vùng trồng cao su miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bà Rịa, Hòa Bình vốn “yên bình” từ bao nhiêu năm còn bị cơn bão số 1 xảy ra vào tháng 4/2012 cũng làm gãy đổ hàng ngàn cây cao su và giá trị thiệt hại hàng tỷ đồng đó sao!

Theo nghiên cứu của chúng tôi, cây cao su chỉ thích hợp với tốc độ gió 2-3 m/s, chỉ cần gió cấp 8 là có thể gãy ngọn, gió cấp 10 có thể làm cây bật gốc.

Vấn đề cần nhìn nhận ở đây là cây cao su trồng từ tỉnh Thanh Hóa đến các tỉnh miền Đông Nam bộ đều thích hợp, rất tốt và có hiệu quả kinh tế thật sự. Thế nên, người dân vùng Bắc Trung bộ đổ xô nhau trồng cây cao su cũng là điều tự nhiên, chỉ có điều giống mua trôi nổi không ai kiểm soát.

 Mà lẽ ra trước đó nhà nước khuyến cáo là chỉ nên trồng ở những vùng ít bị chịu ảnh hưởng hướng gió chính của bão, hoặc trồng rừng cao su phía sau rừng cây lâm nghiệp, nhằm hạn chế tác động trực tiếp hướng gió chính của bão. Nếu chúng ta làm tốt công tác này thì mức độ thiệt hại sẽ giảm đi.

Vì vậy, sắp tới chúng ta nên chú ý đến công tác bảo vệ và phát triển rừng, trồng các vành đai cây chắn gió cho cao su, đặc biệt là khâu tuyển chọn giống cao su cho vùng tiểu điền.

Nếu trồng cao su lại thì nên trồng thêm cây lâm nghiệp nào để chắn gió, nhất là các vùng nằm ven biển?

Nếu trồng cao su lại tại các tỉnh Trung bộ, nhất thiết phải có các chính sách khuyến khích việc bảo vệ và trồng các loài cây thân gỗ có khả năng chống chịu gió làm vành đai chắn bão.

Theo tôi, nếu xét trên góc độ khu vực thì tốt nhất là trồng cây phi lao dọc theo các vùng nằm ven biển trên các loại đất cát; đối với đất cát ven biển thông thường và cồn cát trắng vàng thì ngoài cây phi lao là ưu tiên số một, chúng ta có thể trồng cây keo lá tràm; đối với đất cồn cát đỏ, chúng ta có thể trồng cây phi lao, cây sầu đông.

Nếu xét trên góc độ trong nội bộ vùng, chúng ta trồng các loài tre hay keo lá tràm để làm vành đai chắn gió xung quanh các diện tích cao su.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Đối với các diện tích ven biển, ngập úng, khu vực có nhiều gió hoặc các vùng đồi dốc quá 130, và nơi có độ sâu tầng đất mặt nhỏ hơn 1m, chúng ta nên chuyển sang các loại cây trồng khác thay thế.

Như chúng ta đã biết, khu vực các tỉnh miền Trung là nơi tập trung nhiều cơn bão lớn, vì vậy chúng ta nên áp dụng mô hình truyền thống vườn - ao - chuồng (VAC), đặc biệt chọn các cây trồng đáp ứng được một số tiêu chí quan trọng là thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, khả năng chống chịu hay mùa vụ tránh mùa bão, chi phí đầu tư thấp, các giống có năng suất cao và là những cây trồng truyền thống, thiết yếu đối với thị trường.

 Một số cây trồng có thể thay thế như khoai lang, sắn, bắp, đậu phộng, và trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc như bò, trâu cung cấp thịt cho thị trường.

Đối với các diện tích kín gió nằm sâu trong đất liền, địa hình bằng phẳng, nơi có độ sâu tầng đất mặt lớn hơn 1m, các vùng đồi dốc dưới 13o và có rừng phòng hộ vành đai thì chúng ta có thể trồng lại cây cao su nhưng không nên nóng vội mà phải cần thêm nhiều các nghiên cứu khảo nghiệm và sau đó tuân thủ nghiêm ngặt theo một số nguyên tắc phòng tránh gãy đổ.

Trước mắt cũng như về lâu về dài, phải ưu tiên đến công tác bảo tồn và phát triển diện tích rừng tự nhiên, trồng các vành đai cây chắn gió đặc biệt là cây phi lao; khâu tuyển chọn giống cao su; kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su.

Khâu chọn giống đóng vai trò rất quan trọng đến sự đổ gãy của cao su, phải chọn các giống có rễ sâu, tán thấp và thân to, nên sử dụng các cây giống ươm trong bầu. Đặc biệt là các giống có khả năng chịu được gió và rút ngắn được thời gian khai thác như GT1, PB 255, PB 260, RRIM 600.

 

 

Xin cám ơn ông!

 

Trong công tác thiết kế trồng cao su ở miền Trung, cần chú ý thiết kế hướng trồng theo địa hình và theo hướng gió để gió có thể dễ dàng thoát ra giảm thiểu gây hại cây; mật độ trồng không quá dày, nếu quá dày thì cây cạnh tranh về ánh sáng cũng như dinh dưỡng làm cho thân nhỏ. Khi trồng nên xoay mắt ghép về hướng gió chính.

Trong công tác chăm sóc cây cao su cần chú ý đến tỉ lệ phân bón thích hợp cho cây, nếu quá nhiều đạm sẽ làm cho cây dễ bị gãy. Mặt khác, trong giai đoạn khai thác mủ, nếu khai thác mủ quá mức sẽ ảnh hưởng đến sức chống chịu của cây trước sâu bệnh cũng như gió bão. (TS.Đinh Thanh Sang).

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.