| Hotline: 0983.970.780

Ruộng rau cũng “cõng” đủ loại thuốc

Thứ Tư 25/07/2012 , 11:15 (GMT+7)

Nhiều người bây giờ không dám ăn rau bán ở chợ vì thứ nào cũng “cõng” trên mình đủ thứ thuốc độc hại. Để có được những mớ rau, trái dưa xanh mơn mởn, không có dấu vết côn trùng phá hại, người trồng đã sử dụng rất nhiều loại thuốc hóa học, có khi chỉ phun bữa trước bữa sau là thu hoạch.

Phần II: Cánh đồng phun thuốc định kỳ

Ruộng rau cũng “cõng” đủ loại thuốc

Ông bà xưa có câu: “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Thế nhưng nhiều người bây giờ không dám ăn rau bán ở chợ vì thứ nào cũng “cõng” trên mình đủ thứ thuốc độc hại. Để có được những mớ rau, trái dưa xanh mơn mởn, không có dấu vết côn trùng phá hại, người trồng đã sử dụng rất nhiều loại thuốc hóa học, có khi chỉ phun bữa trước bữa sau là thu hoạch.

>> Rùng mình ở vùng khoai lang
>> Ruộng lúa phun thuốc như mưa
>> Tại sao tôm chết

Trồng màu phải có “bí quyết”

Các xã, phường ven TP Rạch Giá được coi là vựa cung cấp rau xanh cho toàn tỉnh Kiên Giang. Đất đai bị đô thị hóa ngày một thu hẹp dần, người dân các phường Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thông, Vĩnh Quang, An Bình… đã bỏ cây lúa để chuyển sang trồng rau màu.

Ông Nguyễn Văn R. ở phường Vĩnh Hiệp là người đã có trên chục năm kinh nghiệm trồng các loại rau ăn lá và dưa leo, khổ qua, bật mí: “Trồng rau màu bây giờ mà không biết thuốc là thua ngay. Ngoài thuốc phòng trừ sâu hại, nấm bệnh nói chung thì mỗi loại rau lại có một vài loại thuốc kích thích tăng trưởng riêng. Nếu không có các loại thuốc này không những năng suất rất thấp mà rau nhìn rất xấu thương lái chê ngay. Chẳng hạn rau muống, rau cải phải có thuốc “phóng” cho lớn nhanh, thuốc “dưỡng” cho bóng lá. Dưa leo, khổ qua phải có thuốc kích thích ra hoa, đậu trái, thuốc ngâm cho trái lớn chỉ trong một đêm”.

Ông R. khẳng định: “Trồng dưa leo mà không có thuốc kích thích cho ra hoa đậu trái thì mỗi công (1.000 m2) giỏi lắm chỉ thu được 2 tấn trái là tàn. Nhưng có thuốc có thể thu được 5-6 tấn, mà toàn trái loại 1”. Khi hỏi đó là thuốc gì, ông R. lắc đầu trả lời “toàn là chữ nho, chữ Tàu không thể đọc, hơn nữa bí quyết riêng không chỉ được”. Có nhiều loại thuốc ra cửa hàng VTNN mua là có nhưng cũng có loại phải tự mua về phối trộn theo công thức riêng.


Các loại rau màu trước khi đến tay người tiêu dùng đếu phải cõng trên mình rất nhiều loại thuốc độc hại

Ông Phan Văn Vũ, ở phường Vĩnh Thông là người đã từng cho một nông dân ở An Giang sang thuê đất trồng dưa leo, khổ qua cho biết: “Không biết họ sử dụng thuốc gì nhưng số lần phun nhiều vô kể. Đặc biệt khi trái dưa leo, khổ qua mới chỉ to bằng ngón chân cái là họ đã thu hoạch, bỏ vào thau nước đã pha sẵn thuốc ngâm một đêm là trái “phổng” lên gấp đôi, da căng nhìn rất bắt mắt. Từ khi tận mắt chứng kiến công nghệ kích cho trái lớn nhanh này gia đình tui không còn dám ăn rau, dưa mua ở chợ nữa. Cứ nhìn thấy những trái dưa, khổ qua suôn đều, căng tròn ở ngoài sạp là tui lại thấy rùng mình”.

Nông dân Nguyễn Văn Khởi, ngụ xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau cho biết, gia đình anh trồng màu trên gần 1 ha đất nhà, chủ yếu là trồng dưa leo. Trong những năm đầu cho thu hoạch rất khá nhưng thời gian gần đây thì năng suất cứ teo tóp dần. Nhớ lại cái thời “hoàng kim” ở những vụ sản xuất đầu anh nông dân này phấn khởi: “Hồi trước, mỗi vụ dưa leo gia đình tui thu về vài chục triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Ngày ấy trồng vụ nào ăn chắc vụ nấy, dưa leo phát triển rất tốt, ít xảy ra sâu bệnh. Nhưng dần về sau sâu bệnh xuất hiện ngày càng nhiều nên làm ăn không còn lãi cho mấy do phải bỏ ra nhiều chi phí mua các loại thuốc BVTV để chăm sóc”.

Phân tích của anh Khởi, quân bình trong một vụ dưa người trồng phải sử dụng ít nhất 7-8 lần thuốc. Đó là chưa tính đến chuyện rẫy dưa bị sâu nhiều thì số lần phun thuốc phải tăng lên gấp đôi. Chỉ tính sơ sơ ngay ở giai đoạn ban đầu là ươm cây con đã phải phun thuốc ngừa kiến, dế… cắn phá. Đến lúc dưa lên lá lại phải dùng thuốc để trừ sâu, rồi đến lúc dưa bắt đầu thả vòi (leo giàn) lại phun thuốc kích thích…

Quan sát thực tế tại các vườn rau màu của bà con nơi đây chúng tôi ghi nhận có rất nhiều vỏ chai thuốc được vứt vương vãi quanh bờ, mương nước. Đa số các loại thuốc mà bà con sử dụng không có nhãn mác, địa chỉ cụ thể của nhà sản xuất…

Bà Nguyễn Thị Tứ, ngụ cùng xã Khánh Hội, huyện U Minh là người gắn bó với nghề trồng rau muống nhiều năm nay cũng lắc đầu thở dài khi chúng tôi hỏi về hiệu quả kinh tế từ mô hình này. Theo bà Tứ, nghề trồng rau muống tuy coi đơn giản nhưng thực tế người trồng phải bỏ ra rất nhiều chi phí. Vì rau muống rất dễ bị các loại sâu, nấm bệnh gây hại nên cần phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau để phòng trừ. Ngoài ra, khi rau muống đến giai đoạn gần thu hoạch còn phải tốn tiền để mua thuốc kích thích tăng trưởng nữa.

Bà Tứ tiết lộ rằng, muốn cho rau lên nhanh, tươi tốt thì sử dụng loại thuốc “kích thích” để phun chỉ sau 3 ngày lại có thể thu hoạch. Nhưng khi chúng tôi hỏi sử dụng loại thuốc hiệu gì để kích thích thì bà Tứ lắc đầu nói không biết, chỉ cần đến các cơ sở bán thuốc BVTV hỏi mua là người ta bán.


Bao bì thuốc không rõ nguồn gốc được vứt vương vãi khắp vùng trồng rau màu

Không thể kiểm soát

"Đặc thù người trồng rau lại thường phun thuốc vào buổi tối hoặc sáng sớm nên rất khó kiểm soát. Năm nào Chi cục BVTV tỉnh cũng phải đã đưa ra nhiều khuyến cáo đối với bà con nhằm hạn chế sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học độc hại, gây hủy họa môi trường. Thay vào đó, nên tăng cường các loại thuốc có gốc sinh học hay gốc thảo mộc để sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm rau an toàn và chất lượng", ông Nguyễn Út Em, Chi cục phó Chi cục BVTV Cà Mau cho biết.

Việc người trồng rau, màu lạm dụng các loại thuốc hóa học để tăng năng suất, cho rau đẹp dường như đã vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó phòng Kinh tế TP Rạch Giá cho biết: "Toàn TP hiện có 167 ha rau màu, phần lớn là các loại rau ăn lá. Mặc dù hàng năm chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền, mở các lớp tập huấn cho nông dân về rau an toàn. Tuy nhiên, việc người dân có sử dụng thuốc hóa học độc hại, tuân thủ đúng thời gian cách ly hay không thì phòng không thể kiểm soát hết được".

Điều này lý giải tại sao dư lượng thuốc BVTV trên các mẫu rau khi được kiểm tra thường rất cao. Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên các mẫu rau thu thập tại các chợ đầu mối ở TP Rạch Giá của Chi cục BVTV Kiên Giang cho thấy, tỷ lệ nhiễm dư lượng thuốc BVTV là gần 70%. Một con số khiến người tiêu dùng phải rùng mình.

KS. Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục BVTV Kiên Giang cho biết, do điều kiện máy móc thiết bị còn hạn chế nên Chi cục chỉ có thể kiểm tra định tính. Do đó, không thể biết chính xác đó là chất gì, nồng độ bao nhiêu. Muốn kiểm tra định lượng cụ thể các chất phải gửi mẫu lên TPHCM, rất tốn kém.

Ông Nguyễn Út Em, Chi cục phó Chi cục BVTV Cà Mau cho biết, qua kiểm tra thực tế tại các vùng trồng rau màu trong tỉnh giữa Chi cục và Trung tâm Quản lý chất lượng Nông lâm – Thủy sản Cà Mau thì chưa phát hiện bà con sử dụng các loại thuốc nằm trong danh mục cấm có chứa các gốc như: Alpha – BHC; Beta – BHC; Gama – BHC; Delta – BHC. Tuy nhiên, việc bà con lạm dụng thuốc để kích thích tăng trưởng, không đảm bảo thời gian cách ly là rất đáng lo ngại và ngành cũng không thể kiểm tra thường xuyên, liên tục được.

Xem thêm
Cà phê là mặt hàng nông sản tăng giá mạnh nhất niên vụ 2023 - 2024

Dù sản lượng cà phê xuất khẩu giảm 11,3%, kim ngạch niên vụ 2023-2024 vẫn đạt kỷ lục 5,42 tỷ USD (tăng 33%), trong đó EU nhập khẩu 2 tỷ USD.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên tại VLCA 2024

LÂM ĐỒNG VietinBank được vinh danh tại VLCA 2024 với hai giải thưởng quan trọng, khẳng định nỗ lực minh bạch thông tin và phát triển bền vững.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.