Thành Phong ở trong một căn hộ nhỏ xinh, gọn gàng, đầy đủ tiện nghi, Phong bảo, “đây cũng là xưởng vẽ của tôi, cho tiện công việc, hàng ngày chạy đi, chạy lại lên công ty nếu phải gặp ai đó thôi”.
Có lẽ, với những người thực hiện tác tác phẩm liên quan đến văn hoá, dư luận là con dao hai lưỡi, làm tác giả tốt lên, bản lĩnh hơn, hoặc “hất” họ ra khỏi thị trường độc giả. Sau tác phẩm đầu tay gây tranh cãi, Thành Phong cũng có những thay đổi.
Họa sĩ Thành Phong
TRUYỆN TRANH CHO NGƯỜI LỚN À?
Trước buổi nói chuyện này, tôi có nghe thông tin Thành Phong đã có một vị trí mới tại Cty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam (Nhã Nam), sau tác phẩm đầu tay “Sát thủ đầu mưng mủ”?
Đúng vậy, hiện tại tôi làm giám đốc mỹ thuật cho các dự án của Cty Nhã Nam. Tôi phụ trách chung về mặt kĩ thuật, điều phối, làm việc với các cộng tác viên mỹ thuật của công ty, đảm bảo chất lượng của bìa sách, minh hoạ…Nhã Nam ít xuất bản truyện tranh, chủ yếu “nhập” về từ nước ngoài, nên có lẽ vị trí này sẽ phù hợp với tôi về lâu dài.
Có phải đây là “phần thưởng” cho một tác phẩm gây được dư luận?
Tôi nghĩ có lẽ không liên quan, hoặc có tác động phụ nào đó thì lại không thuộc “thẩm quyền” mà tôi biết. Trước đó tôi hoạt động tại Nhã Nam như cộng tác viên, và tôi bắt đầu đi lên từ vẽ minh hoạ truyện, vẽ bìa. Trong quá trình cộng tác của tôi 1 năm rưỡi, có lẽ năng lực của tôi đã được khẳng định trong mắt nhà tuyển dụng.
Từ một sinh viên học trường mỹ thuật, trong chớp mắt, bạn chuyển sang vẽ truyện tranh, lý tưởng hồi sinh viên liệu có còn?
Thực ra nếu nói về mặt lý tưởng, tốt nghiệp hội hoạ xong ra làm hoạ sỹ vẽ tranh, như thực tế mình sẽ vẽ tranh để bán. Nhưng thực tế của xã hội lại khác, đa phần đều phải chuyển nghề. Như trong lớp tôi có một ông lớp trưởng, hoặc các “huyền thoại” lâu năm trong trường, họ có công việc riêng nhưng năm nào cũng phải học lại. Họ nhận thêm việc bên ngoài, có những người vẽ tranh bán, đi dạy và đi vẽ minh hoạ, nhưng vẫn luôn phải mất thời gian cho việc học ở trường. Nói chung đấy là đặc trưng của trường nghệ thuật.
Cuốn truyện tranh đầu tiên mà Phong đọc?
Đô-rê-mon, nó là một trong những cuốn manga (truyện tranh Nhật) đầu tiên và kinh điển tại Việt Nam, thậm chí cả ở Nhật.
Và bạn có bị ảnh hưởng không?
Có thể có ảnh hưởng vô hình, nhưng phần lớn là tôi đã tìm tòi thay đổi và tạo cho mình phong cách riêng. Ngành truyện tranh của Việt Nam là ngành mới, đi đến việc vẽ truyện tranh từ sự ảnh hưởng phong cách truyện tranh Nhật là phổ biến, chỉ một vài người chủ động tìm kiếm phong cách, nếu có ý định rõ ràng với nghề, tôi là một trong số đó.
Sau “Sát thủ đầu mưng mủ”, “Bé lợn lớn bò” lại gây sốt, nhưng thông điệp tích cực của nó có vẻ rõ ràng hơn, nhiều người sẽ nghĩ, Thành Phong đang muốn xoa dịu dần tranh cãi từ “Sát thủ đầu mưng mủ”?
(Cười) Nguyên tắc nhé, tôi chỉ làm những việc gì làm cho tôi hứng thú nhất, mảng nội dung về an toàn thực phẩm tôi rất thích, đến gần đây, nhân dịp được mời tham gia một vài triển lãm truyện tranh tại Hà Nội nên tôi triển khai luôn.
Quá trình sáng tác tất nhiên phải có thăng hoa, với Phong đó là khi nào?
Bạn có tin lúc thăng hoa cũng là lúc khó khăn nhất trong việc sáng tác? Quá trình hình thành ý tưởng của bức tranh rất khó, khi đã đặt bút xuống rồi thì sẽ nhanh. Như “Sát thủ đầu mưng mủ” chẳng hạn, tôi tư duy mất 4, 5 tháng nhưng đặt bút chỉ 1 tháng. Trong quá trình tôi làm, cũng có bạn bè hỗ trợ về mặt hình ảnh, nội dung, thu thập những câu nói phù hợp. Tôi cũng đang theo đuổi dự án truyện tranh dành cho người lớn, sẽ có nhiều thú vị.
Nghe có vẻ kì lạ vì tôi nghĩ người lớn chẳng có đủ thời gian và hứng thú với truyện tranh?
Bạn cũng có suy nghĩ nhầm như nhiều người. Truyện tranh cho đối tượng đó rất khó, gần như không có, họ không có thói quen, nhưng có thể thời thế làm thực tế đó thay đổi. Lứa tuổi của tôi và bạn chẳng hạn, cùng lớn lên từ những quyển truyện tranh Nhật học sinh. Và thế hệ chúng ta bây giờ hoặc thêm vài tuổi nữa, họ cũng vẫn có “cảm giác thèm” khi cầm một cuốn truyện tranh trên tay, quan trọng vẫn là đề tài thôi.
Ở nước ngoài, mảng đề tài này có ăn khách không?
Tôi có một số cơ hội đi ra nước ngoài, tôi nghĩ nó xuất phát từ mong muốn thể hiện, yêu thích đối với truyện tranh thôi. Người ta gọi những truyện tranh dành cho người lớn ở ngước ngoài là Graphic Novel (tiểu thuyết hình ảnh). Phần đông bạn đọc vẫn hiểu nhầm về truyện tranh chỉ dành cho thiếu nhi, nhưng có nhiều người vẽ truyện muốn thay đổi quan niệm này, và muốn tác phẩm của mình được nhìn nhận dưới góc độ nghiêm túc hơn. Mình làm vấn đề người lớn quan tâm, nó “nghiêm trọng” hơn với các vấn đề trẻ con.
Một số tác phẩm của Thành Phong
Vậy đi mua truyện tranh cho người lớn, người ta có phải xuất trình chứng minh thư không?
(Cười) Cái này phụ thuộc vào từng đơn vị phát hành một là họ có làm nghiêm túc không, và hiện nay thì nó không được nghiêm túc cho lắm.
TÔI NGHĨ VỀ NGHỆ THUẬT MỘT CÁCH NGHIÊM TÚC
Bây giờ người ta hay nói đến vẻ đẹp, vẻ trong sáng của tiếng Việt, Thành Phong cũng từng là người bị dư luận lên án về vấn đề này, bạn có nghĩ số đông lợi dụng sự “trong sáng” này để phê phán người khác không?
Nếu ai cứ lấy lí do rồi nghĩ như thế thì ngôn ngữ không có sự phát triển, không thể bắt nó dừng theo suy nghĩ của mình được, ngôn ngữ của chúng ta bây giờ khác với cha mẹ chúng ta 2 năm trước. Ai đó lấy sự trong sáng tiếng Việt và lấy nó như một cái khiên thời đại thì hơi cứng nhắc.
Lý tưởng trong công việc của Phong là gì?
Tôi muốn làm những tác phẩm tốt và có giá trị sâu sắc hơn trong tương lai, vậy thôi, còn cụ thể thì tôi chưa nghĩ đến. Tôi bây giờ cũng bớt những lí tưởng to tát, suy nghĩ đó nó viển vông. Càng va chạm thực tế tôi hiểu hơn sự vận hành của mọi thứ.
Tôi thấy trên blog của anh có sự xuất hiện của nhiều cô gái xinh đẹp, họ còn tự nhận là fan của anh?
Thành Phong là họa sĩ trẻ nhận được khá nhiều thành công, anh nhận được nhiều giải thưởng lớn bé cả trong nước lẫn quốc tế ở lĩnh vực vẽ truyện tranh. Trong năm 2011, anh đã gây 1 cuộc tranh luận dai dẳng với cuốn sách tranh “Sát thủ đầu mưng mủ”… Sau đó, anh nhận được nhiều lời đề nghị sản xuất những cuốn sách có hình thức tương tự, một số triển lãm và các cuộc thảo luận về vấn đề ngôn ngữ của giới trẻ đều được diễn ra với nhiều khách mời như GS Văn Như Cương, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và đều không thể thiếu, Thành Phong. |
Ồ không, họ là bạn tôi thôi, đa số đều là những người tôi biết, có cả bạn ngoài xã hội, bạn trong trường. Còn xinh đẹp hay bình thường thì tôi cũng không dám nhận xét, vì nói thật là tôi không có ấn tượng nhiều với các cô gái có vẻ đẹp hình thức, phong cách của họ làm tôi thích hơn. Chính vì vậy, những hình ảnh nhìn thấy trên facebook tôi cũng chỉ thấy dễ chịu, trò chuyện đơn giản xã giao thôi.
Vậy một cô gái kiểu nào sẽ cuốn hút anh?
Tự tin và cá tính. Nhưng tôi cũng rất phân vân vì tiêu chuẩn cá tính của tôi bây giờ. Nhiều lúc, anh biết đấy, mình đặt ra tiêu chuẩn là một chuyện nhưng thực tế lại là chuyện khác. Tôi là một người cá tính, thích đi du lịch, thích đi phượt, trải nghiệm, nên chắc người con gái tôi thích cũng phải có những đặc điểm tương tự như vậy. Nếu không thì chắc cũng không “chịu” nổi tôi.
Người làm nghề sáng tác, ắt hẳn phải đi nhiều, xem nhiều, quan sát mọi thứ?
Bạn động đến đúng những thứ tôi yêu thích đấy. Đọc sách, đi du lịch, xách xe đi đâu đó xa xa rất tuyệt. Tôi thích đi rừng núi, hoặc tụ tập bạn bè tới một trang trại nào đó, đốt lửa, dã ngoại. Nhiều lúc có những chỗ xa quá, vẫn phải thuê ô tô lên tới đó rồi thuê đi xe máy vào, dù di chuyển thế nào thì đi như vậy rất thích.
Phong có nghĩ mình là một người có yếu tố duy mĩ về hình ảnh không, hay đơn thuần bạn là người vẽ sách tranh?
Tôi nghĩ nghiêm túc về những cái tôi làm và nó là một bộ môn nghệ thuật.
Xin chúc anh thành công!