| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 14/11/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 14/11/2017

Sao lại bỏ mặc ngư dân tại các phiên tòa nước ngoài xét xử!

Các phiên tòa xét xử các công dân Việt Nam là những thuyền trưởng đang bị phía Indonesia truy tố, đã không có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Việt Nam.

Ngày 13/4/2017, khi 5 tàu cá của Kiên Giang đang đánh bắt ở khu vực cách đông nam Hòn Khoai (Cà Mau) khoảng 150 hải lý, thì bị tàu Indonesia bắt giữ. Tháng 6/2017, khi 5 thuyền trưởng Việt Nam bị đưa ra Tòa án quận Natuna để nghe công bố cáo trạng, cả 5 đều phản đối cáo trạng, kêu oan và cho rằng, trong lúc các tàu cá Việt Nam đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, thì bị các tàu của Indonesia truy đuổi. Sau khi đã khống chế, cơ quan có thẩm quyền Indonesia ghi nhận tọa độ khai thác hải sản tại vị trí bị bắt giữ thay vì phải ghi nhận tại vị trí trước khi bị truy đuổi.

16-34-56_5_thuyen_truong_ti_tri_tm_gim_o_do_ntun
5 thuyền trưởng Việt Nam tại trại tạm giam ở đảo Natuna

Ngày 2/11, Tòa án Natuna tuyên xử ông Lê Thanh Thiện - thuyền trưởng tàu cá KG 90793 TS - phải đóng 300 triệu rupiah (khoảng 500 triệu đồng) về tội vi phạm luật thủy sản và bộ luật hình sự Indonesia.

Phiên tòa xử ông Hứa Minh Trung - thuyền trưởng tàu KG 93895 TS, vào ngày 9/11 đã phải tạm hoãn đến 16/11, vì bị cáo kêu oan và không đồng ý xét xử khi không có sự tham gia của Đại sứ quán Việt Nam. Ba thuyền trưởng còn lại dự kiến được đưa ra xét xử trong tháng 11.

Chuyện kỳ quặc ở đây - là Đại sứ quán Việt Nam lại không cử đại diện tham dự phiên tòa xét xử công dân Việt Nam ở Indonesia. Mà đây là phần việc thuộc công tác bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao Việt Nam, mà cụ thể là trách nhiệm của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia: “Cử viên chức lãnh sự tiến hành thăm lãnh sự đối với công dân bị giam giữ, bị tù; gặp gỡ, đấu tranh trực tiếp, can thiệp, bày tỏ quan điểm pháp lý với cơ quan chức năng sở tại”.

Trên các tàu đều có lắp thiết bị định vị vệ tinh, để xác định vị trí khi đánh cá của các tàu trên thuộc vùng biển của Việt Nam hay của bạn. Nên nếu chứng minh được qua việc bật lại thiết bị định vị trên tàu - là thuộc vùng biển Việt Nam, thì tránh được tiền lệ rất xấu sau này, rằng khi các ngư dân Việt Nam đánh bắt trong vùng biển Việt Nam cũng sẽ bị phía Indonesia truy đuổi, bắt giữ.

Điều này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các tàu cá Việt Nam mà còn vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, Luật biển Việt Nam, đặc biệt là Hiệp định phân định ranh giới và thềm lục địa đã ký kết giữa Việt Nam và Indonesia. Rồi 5 tàu cá (trị giá khoảng 50 tỉ đồng) là tài sản tích góp cả đời của nhiều ngư dân có khả năng bị tiêu hủy. Vì vậy sự tham gia của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia ở tòa có vai trò rất quan trọng để bảo vệ các ngư dân.

Luật sư Indra Aria Raharja (người bào chữa cho 5 thuyền trưởng Việt Nam đang bị truy tố, xét xử tại Indonesia) đã phải gửi công văn cho Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, đề nghị tới tham dự phiên tòa 5 ngư dân kêu oan. Bộ Ngoại giao cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cần phải vào cuộc, để bảo vệ lợi ích chính đáng công dân Việt Nam. Đó không những là tình cảm với đồng bào, mà còn là trách nhiệm.

Năm bị cáo kể trên đã bị giam 7 tháng trời, và lịch xử án của phiên tòa cũng gấp lắm rồi – ngày 16/11/2017!