Xe tải chở chân nhang
Liên hoan được tổ chức từ ngày 28-30/11, thu hút 170 thanh đồng, nhóm thực hành nghi lễ của Hà Nội và các tỉnh, thành khác tham gia. Mục đích của liên hoan nhằm tôn vinh giá trị của văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, đem đến cho công chúng cái nhìn đúng đắn, sâu sắc hơn về tín ngưỡng này, đồng thời định hướng di sản văn hóa tâm linh đi đúng quy chuẩn trong thời điểm hiện nay đang bị biến dạng, thương mại hóa. Tiếc rằng, nhiều hoạt động trong khâu tổ chức lại cho thấy sự lệch chuẩn.
Một giá hầu tại liên hoan năm 2014
Đầu tiên, người xem được chứng kiến cảnh Sở VH-TT&DL Hà Nội đã dùng một chiếc xe tải nhếch nhác với băng rôn nền đỏ chữ vàng căng bên cạnh thành xe: “Lễ rước chân nhang phủ Tây Hồ về Cung văn hóa Hữu Nghị”. Có người đã nói nửa đùa nửa thật rằng, trông xa cứ ngỡ xe cổ động trong lễ ra quân của một chiến dịch nào đó.
Còn về hát văn, tại liên hoan năm 2013, báo chí đã từng chỉ ra việc nhiều nhóm thanh đồng đưa cả các điệu nhạc “Hoa đẹp Chăm pa” của Lào hay “Cây trúc xinh” của dân ca quan họ Bắc Ninh vào phần diễn xướng. Lần này, cung văn cứ “tẩn” bài “Sòn sòn sòn đô sòn” đều như vắt chanh, mà không thấy dâng hoa hay tấu hương khói gì.
Có câu “Phật từ bi, Thánh một ly cũng chấp”. Nhưng ở đây, có lẽ Thánh Mẫu giờ cũng ngán ngẩm lắc đầu chịu thua đám con cháu trên trần thế. Khi hầu đồng còn lên sàn thì ai dám nói sẽ không có ngày xuất hiện giá chầu, giá cô múa mồi cắn thuốc, múa cột xuất hiện?
Đồng đua, đồng chen, đồng lệch
Hầu đồng là một tín ngưỡng văn hóa dân gian gắn với yếu tố tâm linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu có truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Phải là người có căn quả với tín ngưỡng thờ Mẫu, được “chấm đồng”, qua các cuộc hầu đồng bắt lính, mà dấu hiệu nhận biết là “cây lèo” của các giá như Quan Hoàng Bảy, Quan Hoàng Mười hay giá Cậu rơi/ chạm vào người tham dự.
Xe tải chở chân nhang
Người tham dự thưởng thức một giá hầu đồng có thể rất đông, nhưng người “có căn” rất ít. Không phải ai thích là cũng ra hầu được. Người có căn tứ phủ, phải ra “trình đồng mở phủ” để “cắt tóc làm tôi” hầu Mẫu. Khi hầu, “giá” về, khăn phủ diện được tung ra, cho dù là những cụ già lưng còng gập, khi đã “sát căn” bỗng như lột xác trở nên nhanh nhẹn với các giá hầu. Điều này rất khác với một số nữ diễn viên khi tham gia biểu diễn giá hầu chúa chầu hay hầu cô thì thay vào dáng vẻ mềm mại, khoan thai, thanh lịch của người hầu đồng, người xem tinh ý đều nhận ra sự uốn éo gượng gạo như mãng xà vặn mình! Hoặc như một đứa trẻ, khi Thánh Mẫu đã “bắt sát” phải ra hầu thì trở nên thông tuệ. Kết thúc lễ hầu, họ lại trở về với đời thường như cũ.
GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, khẳng định: “Có tới 70, 80% các thanh đồng hiện nay đều thiếu một kiến thức đầy đủ về tín ngưỡng thờ Mẫu. Và, khi đã không hiểu, họ lại ở trạng thái tự do, muốn làm gì thì làm, nên đôi khi lại càng đưa hầu đồng hiện đại đi xa với nguyên gốc hơn. Cái đáng nói là hầu đồng cũng như tín ngưỡng thờ Mẫu hiện phát triển rất rộng trên cả nước nhưng lại không có một quy chuẩn gì”. |
Cùng với đó, nhiều người lợi dụng sự mê muội, kém hiểu biết để trục lợi trong hầu đồng. Trong bối cảnh xã hội và sự chi phối của đồng tiền như hiện nay, câu chuyện này diễn ra thường xuyên và phổ biến hơn. Trong giới thanh đồng xuất hiện nhiều trường hợp “đồng đua”, “đồng chen” vì thấy kiếm tiền từ hầu đồng dễ quá.
Ngoài “đồng đua”, “đồng chen” ở ngoài dân gian, tại liên hoan năm 2014, vẫn xuất hiện “đồng lệch”. Chứng kiến vài giá hầu của các ông đồng, bà đồng lớn tuổi ở Cung văn hóa Hữu Nghị, nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng, ngao ngán: “Bà đồng Lạng Sơn hầu quan Đệ Tam cầm ngược kiếm. Cô đồng Hà Nội cầm ngược đao. Ông đồng Hưng Yên hầu Cô cũng như hầu Chầu”.
Nguyễn Công Vượng là nghệ sĩ hài, nghệ danh Vượng Râu, nhưng anh cũng không thể hài nổi mà chỉ còn nước... mếu! Không mếu sao được khi mà ngồi ghế Ban giám khảo của liên hoan lần này không ít vị GS, PGS, TS ở các Hội, các Viện nghiên cứu mà im thít như thóc đổ bồ. Không thấy có vị nào chỉ tay day mặt cho các nhà diễn xướng ở trên sân khấu biết rằng họ đã trình diễn bất hợp lý cả cung cách hầu Thánh Mẫu cũng như cung văn tấu khải thỉnh Mẫu về!
Hầu đồng - diễn xướng cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu - đã được công nhận Di sản văn hóa cấp quốc gia. Thậm chí, tín ngưỡng thờ Mẫu còn được đệ trình lên UNESCO để xin danh hiệu cấp quốc tế. Nhưng, qua những sự lệch chuẩn của liên hoan lần thứ 2 này, dư luận không khỏi lo ngại khi đặt câu hỏi: Các nhà quản lý đang tôn vinh hay hạ bệ?