Trong thư ngỏ của mình, anh Phúc khẳng định: “Tôi chính là tác giả của bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình”. Bài thơ được viết vào năm 2008 và chia sẻ trên blog, trên trang cá nhân ở mạng xã hội My Space và một vài trang mạng xã hội khác. Hồi đó anh Phúc là giáo viên văn học trong quân đội, đơn vị đóng ở TX. Sơn Tây (Hà Nội).
Sau này vì đặc thù công tác nên anh đã xóa các blog, trang cá nhân. “Ở thời điểm tôi đăng bài thơ này thì có khá nhiều người vào đọc và khen hay”, anh Phúc cho biết thêm. Năm 2009, Ngô Xuân Phúc chuyển công tác về Nghệ An, sau đó xin phục viên và chuyển sang làm báo.
Trước thông tin này, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, tác giả bài thơ “Tổ quốc gọi tên” đã có thông tin hồi đáp lại:
“Tháng 6/2011, nhà văn, nhà báo Hòa Bình, khi đó đang làm việc tại báo điện tử Vietnamnet, đã liên hệ phỏng vấn tôi với chủ đề “văn nghệ sĩ và chủ quyền biển đảo”. Bài phỏng vấn có câu hỏi “chị có sáng tác mới nào về chủ quyền biển đảo hay không?”. Từ Hà Nội, đem theo những câu hỏi ấy ra sân bay đi châu Âu, tôi nhắn tin cho Hòa Bình rằng sẽ gửi trả lời sớm”.
Trên máy bay từ Nội Bài sang TP. Frankfurt (Đức), chị Mai đã viết những câu thơ đầu tiên: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa Hoàng Sa dội vào ghềnh đá…”.
Trong khi anh Ngô Xuân Phúc để thất lạc các bản thảo để chứng minh mình là tác giả bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình”, thì nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cho biết: “Qua các phương tiện truyền thông Việt Nam, tôi yêu cầu anh Ngô Xuân Phúc phải gửi thư chính thức xin lỗi tôi trước ngày 10/10/2015. Nếu không tôi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện anh ấy về tội vu khống”. Ngược lại, phía anh Ngô Xuân Phúc cho biết chỉ cung cấp những tình tiết mới khi đứng trước tòa! |
Đến Frankfurt, Nguyễn Phan Quế Mai quyết định gửi bài thơ vừa hoàn thiện cho một tờ báo giấy trước khi gửi cho báo mạng Vietnamnet. Và chị đã gửi bài thơ này cho nhà báo Hải Giang (báo Hà Nội mới) vào lúc 23h21 ngày 20/6/2011.
“Lá thư điện tử này tôi vẫn còn giữ, cũng như những trao đổi của chúng tôi về câu từ của bài thơ, xoay quanh các cụm từ như “kẻ thù”, “kẻ lạ mặt”. Bài thơ của tôi xuất hiện trên báo Hà Nội mới ngày 26/6/2011”, chị Mai chia sẻ.
Sau khi báo in, Nguyễn Phan Quế Mai gửi bài phỏng vấn cùng bài thơ “Tổ quốc gọi tên” cho nhà báo Hòa Bình. Ngày hôm sau, 27/6/2011, bài thơ “Tổ quốc gọi tên” được đăng tải trên báo điện tử Vietnamnet.
Nguyễn Phan Quế Mai khẳng định: “Báo Hà Nội mới ra ngày 26/6/2011 cũng như đường link của báo Vietnamnet đăng bài phỏng vấn của tôi vẫn còn đó là minh chứng cho bản quyền của tôi về bài thơ”.
Trước đó, ngày 23/7/2015, khi giao lưu ra mắt sách “Tổ quốc gọi tên mình” diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Phan Quế Mai cho biết, bài thơ “Tổ quốc gọi tên” được chị sáng tác từ năm 2010. Ngồi trên máy bay rời Việt Nam sau một cuộc hội thảo, nghe thông tin về tình hình bất ổn ngoài biển Đông, cảm xúc trào dâng, chị đã viết “Tổ quốc gọi tên” ngay trên giấy ăn của hàng không dành cho hành khách.
Như vậy, chỉ trong 2 tháng, thông tin về hoàn cảnh ra đời bài thơ mà Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ đã lệch nhau đến cả năm: 2010 và 2011!
Trọng chứng hơn trọng cung, trước vụ việc này, theo chúng tôi, lòng yêu nước của bất cứ người dân nào cũng luôn đáng quý. Lòng trung thực của người cầm bút cũng đáng quý không kém. Ngô Xuân Phúc chưa đưa được bằng chứng của mình ngoài lời tự nhận. Song, Nguyễn Phan Quế Mai cũng tiền hậu bất nhất. Liệu còn điều gì uẩn khúc trong sự việc này?