| Hotline: 0983.970.780

Từ Tân Trào về Hà Nội: Lần đầu gặp Ông Cụ

Thứ Năm 20/08/2015 , 07:50 (GMT+7)

“Bác Hồ từ Tân Trào về Hà Nội” là hồi ức của ông Vũ Đình Huỳnh (1906-1990), thư ký đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vụ trưởng Vụ Lễ tân (Bộ Ngoại giao).../ Đôi vợ chồng dự Quốc dân Đại hội Tân Trào

Tại Tân Trào, tôi gặp lại Sao Đỏ (bí danh của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, nguyên Phó Chủ tịch nước). Chúng tôi lên sớm hơn các đại biểu khác để tham gia vào việc chuẩn bị. Tôi và Sao Đỏ ở trong một nhà dân, Ông Cụ ở lán.

Ông Cụ là biệt hiệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Trước khi lên Đại hội Tân Trào, tôi chưa được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc lần nào. Nhưng từ lâu rồi, và không riêng đối với tôi, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành nhân vật thần thoại, ngọn cờ của cách mạng Việt Nam.

Lần này lên Tân Trào, tôi mang theo hy vọng được gặp con người thần thoại đó. Vừa mới chân ướt chân ráo tới chỗ Sao Đỏ, anh đã bảo tôi:

- Này, Ông Cụ hỏi tôi về tình hình nhân sĩ trí thức của Hà Nội và Bắc Hà đấy, tôi nói cái này tôi không rành, sẽ có đồng chí khác báo cáo. Bây giờ anh lên rồi, anh tới gặp Ông Cụ đi!

Chúng tôi đi vào trong rừng, tới một cái lán. Khi chúng tôi bước vào, Ông Cụ đang ngồi chăm chú đọc một cuốn sổ tay nhỏ. Gầy còm nhưng rắn rỏi, đôi mắt sáng và linh lợi, với chòm râu thưa, Ông Cụ tiếp chúng tôi một cách cởi mở, giản dị.

Với giọng trầm và ấm, từ trong ngực phát ra, Ông Cụ hỏi qua về tôi rồi đề nghị tôi nói cho ông nghe về tình hình trí thức trong nước.

Tôi báo cáo với Ông Cụ những gì tôi biết, từ phong trào Cần Vương trở đi, ai còn, ai mất, trong đám Đông Kinh nghĩa thục, Phục Việt là gì, đám trí thức trong các nhóm Thanh Nghị, Tự lực Văn đoàn, Ngày nay... và thái độ của từng người đối với Việt Minh và cách mạng dân tộc thế nào...

Ông Cụ nghe chăm chú, thỉnh thoảng mới ngắt lời tôi để hỏi kỹ thêm về một người nào đó.

- Này, cụ Huỳnh Thúc Kháng, sao nghe nói có hợp tác với Tây?

- Chuyện đó không có - tôi đáp - sau khi ở Côn Đảo về, cụ Huỳnh Thúc Kháng ra báo “Tiếng Dân”, Tây ngại, muốn mua chuộc, có mời cụ ra làm Viện trưởng Viện Dân biểu thật. Hồi ấy tôi có đi Huế để yết kiến cụ Huỳnh. Tôi thấy cụ vẫn giữ được tư cách nhà Nho, yêu nước thương dân chứ không phải phường cơ hội. Tây định lợi dụng uy tín của cụ, nhưng cụ đâu có dễ để cho chúng toại nguyện.

Ông Cụ gật gù, vẻ thích thú.

- Tại sao lại gọi ông Tố là ông Phán Men? Nghiện rượu à?

Ông Nguyễn Văn Tố nhà ở Hàng Bút, đi làm tận gần Bờ Sông, nhưng không bao giờ đi xe kéo, mà chỉ đi bộ, khi nào cũng cầm ô đi sát tường, đi men tường, mới thành cái biệt hiệu ông Phán Men.

Ông Cụ cười thành tiếng. Giọng cười ám áp, thư thái và truyền cảm.

- Thế còn linh mục Phạm Bá Trực? Ông ta cũng yêu nước?

Tôi phải kể dài dòng về vị linh mục này. Khoảng những năm đầu 1930, linh mục Trực tốt nghiệp mấy bằng tiến sĩ ở Rôma trở về nước, ai cũng nghĩ ông sẽ được phong giám mục, vậy mà giáo chức người Pháp lại đưa ông về thị xã Hà Đông trông một xứ đạo nhỏ, chỉ vì ông bướng bỉnh chống lại những lề thói phân biệt đối xử giữa linh mục Tây và ta.

Thấy cố đạo Tây lộng hành, ông mắng. Thấy linh mục ta không được phép ăn chung với linh mục Tây, ông chống. Ông chống cả việc linh mục Tây vào gặp giám mục thì bắt tay mà linh mục ta thì phải tụt giày, vái lễ. Ông Phạm Bá Trực có câu nói nổi tiếng: “Đứng trước Chúa, không có sự phân biệt màu da”.

14-24-41_vu-dinh-huynh

Ông Cụ tỏ vẻ hài lòng với những thông tin của tôi. Tuy sơ kiến, nhưng tôi cảm thấy Ông Cụ thật gần gụi.

Hội nghị Tân Trào đang họp thì có tin báo lên, Hà Nội đã nổi dậy cướp chính quyền. Trần Huy Liệu được phân công viết cấp tốc Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa.

Sau đó là lễ xuất phát của Giải phóng quân. Bức ảnh chụp Giải phóng quân xuất phát có Võ Nguyên Giáp đội mũ phớt là do anh Hoàng Văn Đức chụp. Lúc đó trong số đại biểu chỉ có Hoàng Văn Đức là có máy ảnh mang theo.

Đại hội bế mạc. Chúng tôi chia tay nhau. Đặng Xuân Khu (bí danh của Trường Chinh), Võ Nguyên Giáp và tôi trở về Hà Nội bằng đường Thái Nguyên. Hoàng Quốc Việt và Sao Đỏ về đường Tuyên Quang. Phạm Văn Đồng được phân công ở lại củng cố căn cứ địa.

Chúng tôi lúc ấy cũng chưa tin chắc ở thắng lợi trọn vẹn, vì thế vẫn cứ phải có một cái gì đó đảm bảo cho trường hợp xấu. Anh Đồng rủ tôi ở lại căn cứ địa, nhưng tôi từ chối:

- Tôi là người quen thuộc Hà Nội, anh em còn cần tới tôi nhiều.

Trong thâm tâm, tôi muốn mau chóng trở về thành phố thân yêu, nơi tôi hình dung đang có những cuộc chiến đấu ác liệt giành lại chính quyền của các lực lượng vũ trang cách mạng.

Chúng tôi đi bộ qua đèo Re ra Đại Từ, ở đó có một chiếc xe Jeep tàng đã đợi sẵn. Chúng tôi lúc lắc đi tới Phấn Mễ, người mệt nhừ. Tôi bảo anh em rẽ vào trại của Nghiêm Xuân Yêm, bạn tôi, nghỉ lại.

Đến đây, chúng tôi mới biết Mỹ đã ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki vào hai ngày 6 và 9 tháng 8, đồng thời tin Liên Xô tuyên chiến với Nhật ngày 9 tháng 8.

Xe chúng tôi về tới Bắc Giang thì gặp Huyên (bí danh của Nguyễn Thanh Bình, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi).

Anh thay xe cho chúng tôi, bởi vì về Hà Nội trên cái xe ọp ẹp kia nom thảm quá, hơn nữa nó lại ì ạch như sên. Đi trên chiếc xe Ford đen chững chạc hơn, nhanh hơn, mới được một đoạn thì gặp đường vỡ vì nước lớn, chúng tôi lại phải quay trở lại đi vòng về Phả Lại để chạy hướng Cầu Đuống.

Lòng chúng tôi bồn chồn như lửa đốt. Suốt dọc đường, Đặng Xuân Khu cứ chồm mình về phía trước, như thể bằng cách đó, anh có thể làm cho xe đi nhanh thêm. Trầm tĩnh hơn, hoặc mệt mỏi hơn, Võ Nguyên Giáp lim dim mắt ngủ thiêm thiếp.

Tới Cầu Đuống, tôi đề nghị cả ba xuống xe vào nhà một ông giáo có chân trong Hội Truyền bá Quốc ngữ và là người có cảm tình với cách mạng. Tôi mượn nhà giáo cái xe đạp, để Đặng Xuân Khu và Võ Nguyên Giáp lại, đạp một lèo về Hà Nội. Tôi về trước là để nghe ngóng tình hình cụ thể, sau đó mới lên đón hai người, biết đâu...

 Ai dè về tới Gia Lâm đã thấy phố sá chìm ngập trong rừng cờ đỏ sao vàng. Qua cầu Đume (cầu Long Biên), tôi xộc ngay vào phố Chợ Gạo gặp Nghiêm Tử Trình.

Vừa kịp hỏi: “Tình hình thế nào, đưa Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp về được rồi chứ?” thì Trình trợn mắt lên: “Cướp chính quyền xong rồi. Ra Bắc Bộ phủ thì gặp tất cả chúng nó”.

Tôi nhảy luôn lên xe, phóng tiếp. Bắc Bộ phủ đây rồi! Trên nóc đá đen của nó tung bay lá cờ của ta. Trước cửa Bắc Bộ phủ người lính của ta đứng gác. Tôi đưa bàn tay ngang trán chào anh giải phóng quân, đi vào.

Trong Bắc Bộ phủ, anh em đang xúm xít làm việc bên một cái bàn rộng. Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Văn Thân ôm chầm lấy tôi. Tôi báo tin các anh Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp đang chờ ở Cầu Đuống. Anh em cho lấy ngay một xe Commăngca của Nhật đi đón.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Vinicius Junior nhận giải FIFA The Best 2024

Tiền đạo người Brazil đã chiến thắng giải thưởng FIFA The Best đối với cầu thủ nam hay nhất năm 2024.

Việt Nam giành huy chương vàng giải bóng bàn Mỹ mở rộng

Bóng bàn Việt Nam đã giành 1 HCV nội dung đội nữ nhóm tuổi U17 tại giải Mỹ mở rộng (US Open) 2024.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.