| Hotline: 0983.970.780

Viện Kiểm sát vẫn đề nghị tử hình Dương Chí Dũng

Thứ Năm 24/04/2014 , 09:27 (GMT+7)

Không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của hai bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, đề nghị HĐXX tuyên y án tử hình về tội tham ô, 18 năm tù về tội cố ý làm trái với 2 bị cáo.

14 giờ ngày 23/4, đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại Tòa đã trình bày quan điểm về việc giải quyết vụ án: Không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của hai bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, đề nghị HĐXX tuyên y án tử hình về tội tham ô, 18 năm tù về tội cố ý làm trái với 2 bị cáo.

Trong thương vụ mua bán ụ nổi 83M, Trần Hải Sơn mới là người tham ô lớn nhất. Ngoài việc tham ô trên 7,6 tỷ trong việc chia chác số tiền 1,66 triệu USD, cuối năm 2010 khi ụ nổi 83M được kéo về Cảng Vân Phong (Khánh Hòa), Vinalines đã chi ra một khoản tiền rất lớn để sửa chữa tại Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển của Vinalines do Trần Hải Sơn làm giám đốc.

Trong quá trình sửa chữa, Sơn đã tham ô số tiền 3 tỷ đồng và đã bị Công an tỉnh khánh Hòa khởi tố, bị VKSND tỉnh Khánh Hòa truy tố về tội “tham ô”. Lẽ ra trong những ngày này, Sơn đang phải đứng trước vành móng ngựa tại TAND tỉnh Khánh Hòa.

Nhưng do lịch xét xử của TAND tỉnh Khánh Hòa trùng với lịch xét xử phúc thẩm vụ đại án ở Vinalines mà Sơn là một bị cáo, nên phiên tòa của tỉnh Khánh Hòa phải hoãn. Như vậy trong hai vụ mua bán và sửa chữa của cùng cái ụ nổi trên, tổng cộng Sơn đã tham ô trên 10,6 tỷ đồng, vượt mặt cả hai đàn anh là Dũng và Phúc.

Sáng ngày thứ 2 của phiên tòa, các LS đã chỉ ra khá nhiều mâu thuẫn trong các lời khai của Trần Hải Sơn trong hồ sơ vụ án về việc chia chác 1,66 triệu USD. Như trong một bản cung, y khai rằng khi số tiền đó được Công ty AP của Singapore chuyển vào tài khoản của Công ty Phú Hà, y đã gặp Dương Chí Dũng và được Dũng chỉ đạo chia: "Anh Phúc 10 tỷ, anh 10 tỷ, còn lại cho anh em chia nhau”.

Lần khác y lại khai y không gặp Dũng mà gặp Mai Văn Phúc, và được Phúc chỉ đạo chia: "Anh Dũng 10 tỷ, anh 10 tỷ, anh Chiều 500 triệu, còn lại cho anh em chia nhau”. Trả lời các LS về mâu thuẫn này, Sơn khai rằng có nhiều bản cung y không đọc hết, có thể điều tra viên ghi sai. Có bản cung nhiều ngày sau y mới ký.

Trả lời câu hỏi của LS Hoàng Hữu Được về việc y khai đã dùng CMND của mình để rút 2 tỷ đồng ở Chi nhánh Ngân hàng TMCP Hàng hải Hải Phòng để đưa cho Mai Văn Phúc, nhưng tại sao trong Ngân hàng trên không có chứng từ lưu về việc rút số tiền này? Sơn đáp rằng vẫn giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra, và nói cứng: "Một vài lời khai có thể nhầm lẫn, nhưng sự thật vẫn là sự thật".

Đặc biệt là lúc đầu Sơn khai đưa cho Phúc 3 lần, tổng cộng 10 tỷ, ở 2 ngôi nhà của Phúc, một tại làng quốc tế Thăng Long và một ở Thụy Khuê. Nhưng sau khi biết ngôi nhà ở Thụy Khuê gia đình Phúc không ở mà đã cho thuê từ lâu, thì y thay đổi địa điểm là giao số tiền đó cho Phúc tại 2 nhà Phúc, một ở làng quốc tế Thăng Long và một tại Hải Phòng. Khi một LS yêu cầu y mô tả đặc điểm ngôi nhà của Phúc ở Hải Phòng, y cáu:

- Khổ quá. Cứ hỏi tôi chi tiết rồi lại vặn vẹo. Tôi không nhớ. Nhưng nếu bây giờ HĐXX cho xe chở tôi về ngôi nhà đó, tôi sẽ đi thẳng đến nơi.

Một tình tiết rất mới so với phiên tòa sơ thẩm đã xuất hiện trong phiên tòa phúc thẩm này là: Xuất hiện tại tòa với tư cách giám định viên, đại diện của Bộ Tài chính đã trả lời HĐXX: "Cơ quan giám định liên ngành (gồm đại diện của 5 Bộ) đều thống nhất nhận định rằng ụ nổi không phải là tàu. Vì vậy ụ nổi không phải chịu sự điều chỉnh của quy định về tuổi của tàu nhập khẩu (tối đa 15 năm kể từ ngày đóng). Việc thông quan ụ nổi không sai, Hải quan Cảng Vân Phong không sai, không thể quy trách nhiệm cho họ".

Đại diện của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) trình bày: Tại Việt Nam hiện có những ụ nổi 60 đến 70 tuổi, thậm chí gần 100 tuổi như ụ nổi của nhà máy đóng tàu Ba Son, vẫn đang hoạt động. Khi vẫn đủ điều kiện hoạt động thì cơ quan quản lý vẫn phân cấp. Có thể nói những lời này chẳng khác gì những cái phao cứu sinh đối với 3 cựu cán bộ Hải quan Cảng Vân Phong Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện, khi họ đang chới với giữa
dòng nước xiết.

14 giờ ngày 23/4, đại diện VKSNDTC giữ quyền công tố tại Tòa đã trình bày quan điểm về việc giải quyết vụ án: Không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của hai bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, đề nghị HĐXX tuyên y án tử hình về tội tham ô, 18 năm tù về tội cố ý làm trái với 2 bị cáo.

Với 3 bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện, xét đơn chống án xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường của họ có căn cứ, nên đề nghị HĐXX lượng hình, giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường đối với họ. Lê Văn Dương cũng được đại diện VKSNDTC đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần mức bồi thường. Các bị cáo còn lại, do đơn kháng cáo không có cơ sở xem xét nên đề nghị HĐXX bác.

Mở đầu bản bào chữa cho thân chủ của mình, LS Ngô Ngọc Thủy khẳng định ngay rằng, không có căn cứ để kết Dương Chí Dũng tội tham ô. Lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn và các nhân chứng Trần Thị Hải Hà, Trần Thị Hải Huyền và chồng của họ về việc Sơn đưa 10 tỷ đồng cho Dương Chí Dũng tuy không mâu thuẫn, nhưng đó lại đều là người thân (Sơn và Hà, Huyền là 3 anh em ruột)...

Lật lại lời khai của Trần Hải Sơn tại cơ quan điều tra, LS Trần Đình Triển đề cập việc Sơn từng nói có quan hệ tốt, thân thiết với ông Goh Hoon Seow, Giám đốc Công ty AP. Cũng chỉ có Sơn thừa nhận các lần tiếp xúc với ông Goh để nhận thông tin và làm thủ tục nhận 1,66 triệu USD.

Đưa ra tập hồ sơ thu thập được từ Singapore, LS Trần Đình Triển dẫn lời khai có tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow. Theo đó, vị giám đốc này khẳng định có quen biết Dương Chí Dũng nhưng ông không hề trao đổi trực tiếp hay gián tiếp với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc về việc bán ụ nổi 83M. Chỉ duy nhất có một lần ông đến chào xã giao Mai Văn Phúc tại trụ sở Vinalines, cùng đi có Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn và một phiên dịch.

Việc thương thảo về thủ tục mua bán ụ nổi 83M được tiến hành giữa ông và các cán bộ đại diện Vinalines mà Trần Hải Sơn là người đứng đầu. Bản thân ông cũng không yêu cầu Sơn mở tài khoản tại Công ty Phú Hà, mà là do Công ty Global Success (bên trung gian có vai trò chỉ định đơn vị nhận lại 1,66 triệu USD trong thương vụ mua bán ụ nổi) thông báo cho AP... Vị giám đốc này cũng xác nhận: "Tôi chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng, ông Phúc về khoản tiền 1,66 triệu USD”…

Kết thúc phần phân tích tập tài liệu, LS Trần Đình Triển nêu quan điểm: Cần đánh giá lại vai trò của các bị cáo trong việc thương thảo với Công ty AP, vì đây là một tình tiết, chứng cứ mới xuất hiện trong vụ án.

LS Trần Đại Thắng cũng nêu những lập luận của mình để chứng minh Dương Chí Dũng không phạm tôi “Cố ý làm trái…”.

Hôm nay (ngày 24/4) Tòa tiếp tục làm việc.

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.