| Hotline: 0983.970.780

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Thứ Sáu 29/03/2024 , 14:23 (GMT+7)

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Chặng đường thuận lợi và gian khó

Sáng 29/3 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản (1/1/1959 - 1/4/2024) và 10 năm ngày ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam (15/4/2014 - 15/4/2024).

Tại Lễ kỷ niệm, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng đã có bài phát biểu giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của lực lượng kiểm ngư trong 10 năm qua; những kết quả nổi bật cũng như định hướng phát triển của lực lượng kiểm ngư thời gian tới.

Ông Hùng chia sẻ, kiểm ngư được hình thành, phát triển và thống nhất từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố ven biển theo Pháp lệnh số 18-LCT/HDNN8 ngày 5/5/1989 về Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Qua quá trình hoạt động, lực lượng kiểm ngư đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư chia sẻ, 10 năm ra mắt, đi vào hoạt động tuy chưa dài, nhưng là chặng đường đánh dấu nhiều sự kiện, thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, thử thách. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư chia sẻ, 10 năm ra mắt, đi vào hoạt động tuy chưa dài, nhưng là chặng đường đánh dấu nhiều sự kiện, thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, thử thách. Ảnh: Hồng Thắm.

Tại phiên họp thứ 9, ngày 17/7/2012, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã xem xét, thông qua chủ trương thành lập lực lượng kiểm ngư Việt Nam, đồng thời giao Chính phủ khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư.

“Năm 2024 đánh dấu hành trình 10 năm Lực lượng kiểm ngư Việt Nam bắt đầu hoạt động, tích cực hỗ trợ ngư dân trên biển, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, với bao công việc quan trọng, ý nghĩa... Tuy nhiên, phía trước chúng ta là cùng nhau hành động để tháo gỡ "thẻ vàng" chống khai thác IUU trong thời gian sớm nhất. Chúc lực lượng kiểm ngư Việt Nam luôn đồng hành với ngư dân; hướng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vì ngành thủy sản xanh, bền vững”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói.

Ngày 29/11/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2012/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư. Trong một thời gian khẩn trương xây dựng, hoàn thiện tổ chức, đến ngày 15/4/2014, tại Đà Nẵng, lực lượng kiểm ngư chính thức ra mắt với sự tham dự, chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo UBND và Sở NN-PTNT 28 tỉnh, thành phố ven biển. Đây là một mốc lịch sử, đánh dấu sự ra mắt và đi vào hoạt động của lực lượng kiểm ngư Việt Nam.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết, trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư đã ngày, đêm bám biển, đã điều động hơn 1.500 lượt tàu kiểm ngư đi tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, đã phát hiện và xử lý trên 12.000 lượt tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), lập biên bản, ra quyết định xử phạt thu nộp ngân sách gần 100 tỷ đồng.

Cục Kiểm ngư cũng được giao là cơ quan đầu mối, thường mực, tham mưu về vấn đề chống khai thác IUU, phấn đấu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC).

Sau hơn 6 năm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực, được phía EC ghi nhận và đánh giá cao.

Đến nay, khung pháp lý đã sửa đổi, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của EC. Cơ bản đã cập nhật, quản lý thống nhất tổng số tàu cá trên phạm vi cả nước bằng công nghệ số hóa trên phần mềm VNFishbase. Khoảng 98% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), có thể theo dõi, quản lý được hoạt động, của các tàu cá trên biển qua phần mềm hệ thống VMS.

Công tác truy xuất nguồn gốc, xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước và nhập khẩu qua các cảng biển từng bước được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tính pháp lý khi chế biến, xuất khẩu sang thị trường EU. Tình trạng tàu cá/ngư dân khai thác bất hợp pháp, đặc biệt là vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt so với những năm trước đây.

Công tác thực thi pháp luật được tăng cường, phối hợp triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Công tác hợp tác quốc tế được quan tâm, thúc đẩy, tăng cường trao đổi thông tin giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong khu vực Biển Đông để phối hợp giải quyết các vấn đề, sự cố nghề cá trên biển.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư chia sẻ, 10 năm ra mắt, đi vào hoạt động tuy chưa dài, nhưng là chặng đường đánh dấu nhiều sự kiện, thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, thử thách.

"Trong 10 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lực lượng kiểm ngư Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thành tích đó bắt nguồn từ lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, tinh thần đoàn kết, gắn bó, đồng lòng, chung sức, ý thức trách nhiệm và đặc biệt là sự nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong toàn lực lượng", ông Hùng tự hào. 

Phấn đấu phát triển lực lượng kiểm ngư “Chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”

Tuy nhiên, theo ông Hùng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lực lượng kiểm ngư vẫn còn một số vấn đề cần phải giải quyết để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Theo đó, trước mắt Cục Kiểm ngư sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, gồm: Tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách kiểm ngư; đầu tư tàu xuồng kiểm ngư hiện đại; hoàn chỉnh tổ chức bộ máy, trong đó chú trọng phát triển kiểm ngư địa phương. Phấn đấu phát triển lực lượng kiểm ngư “Chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Trong thời gian qua, lực lượng kiểm ngư đã rất tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Hồng Thắm.

Trong thời gian qua, lực lượng kiểm ngư đã rất tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Hồng Thắm.

Hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ các chương trình, đề án theo kế hoạch, trong đó ưu tiên hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt “Đề án Phát triển lực lượng kiểm ngư đến 2030, tầm nhìn đến 2045”; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, đề án sau khi được phê duyệt.

Tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành kiểm ngư cho các công chức, kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư của Cục Kiểm ngư và các Chi cục Kiểm ngư địa phương.

Tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên các vùng biển, kết hợp tuyên truyền về biển, đảo. Tập trung thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC để giữ uy tín, vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế, giảm thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.

Triển khai hiệu quả Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt là việc thiết lập, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả đường dây nóng giữa Việt Nam và các nước trong khu vực về kiểm ngư để góp phần giảm thiểu tình trạng tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ và xử lý.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, hiện có 24/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập kiểm ngư địa phương và đi vào hoạt động, trong đó có 2 tỉnh thành lập Chi cục Kiểm ngư là Kiên Giang và Cà Mau.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.