| Hotline: 0983.970.780

100.000 ha cao su đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững vào Quý I/2022

Thứ Bảy 25/12/2021 , 19:56 (GMT+7)

Nhờ tham gia vào hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững, các sản phẩm cao su thiên nhiên và đời sống của người dân được nâng cao giá trị.

Công nhân khai thác mủ cao su tại đồn điền.

Công nhân khai thác mủ cao su tại đồn điền.

Nâng cao giá trị

Năm 2021 có thể coi là năm bản lề, với nhiều bước ngoặt lớn đối với cao su thiên nhiên và gỗ cao su bền vững. Đầu tiên là Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), đơn vị đã triển khai dự án thí điểm áp dụng chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC cho các rừng cây cao su.

Tính đến nay, 55.000 ha diện tích rừng cao su đã đạt chứng chỉ VFCS/PEFC, và dự kiến đạt 100.000 ha vào Quý I/2022. Với diện tích đạt chứng chỉ hiện có này, 85.000 tấn cao su thiên nhiên và 300.000 tấn gỗ cao su có chứng nhận bền vững sẽ được khai thác và đưa vào sản xuất và thương mại.

Yếu tố thứ hai giúp nâng cao giá trị chuỗi khai thác cao su là sự tham gia của công ty Weber & Schaer. Nhờ việc đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC cho nguyên liệu cao su nhiên nhiên, doanh nghiệp thương mại của Đức trở thành một trong những công ty đầu tiên mang cao su thiên nhiên được chứng nhận đến người tiêu dùng.

"Nhờ việc VRG đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững trên quy mô lớn, công ty có thêm động lực để đạt chứng nhận PEFC. Đây là lần đầu tiên Weber & Schaer có thể mua được nguyên liệu có chứng nhận với khối lượng lớn", đại diện Weber & Schaer chia sẻ.

Xu hướng tiêu dùng xanh, chọn lựa những sản phẩm đạt chất lượng và truy xuất được nguồn gốc ngày càng phổ biến trên thế giới. Hòa chung dòng chảy ấy, dòng nguyên liệu cao su thân thiện với môi trường và đạt chứng nhận của các nhà cung cấp uy tín sẽ kích hoạt việc đạt chứng nhận của người mua.

PEFC là hệ thống chứng chỉ rừng lớn nhất trên thế giới, là lựa chọn của các chủ rừng nhỏ, với hơn 300 triệu ha trên 49 hệ thống quốc gia đạt tiêu chuẩn bền vững của PEFC.

Có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ, PEFC được công nhận về vai trò cung cấp đánh giá độc lập, chứng thực và công nhận các hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. PEFC có quan hệ rộng rãi với các bên liên quan khắp Đông Nam Á - khu vực sản xuất phần lớn cao su thiên nhiên trên thế giới.

Cam kết của PEFC là luôn sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị trong chuỗi cung ứng. Hệ thống trực tuyến của PEFC tại website: https://rubber.pefc.org/.

Ngoài gỗ nguyên liệu, việc đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn giúp ích cho mủ cao su có thêm đầu ra trên thị trường.

Ngoài gỗ nguyên liệu, việc đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn giúp ích cho mủ cao su có thêm đầu ra trên thị trường.

Việt Nam là một trong số các quốc gia Đông Nam Á được hưởng những dự án thí điểm hỗ trợ cao su bền vững và đạt chứng nhận theo chứng chỉ của Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc tế PEFC.

Trong năm 2021, hàng chục chứng chỉ quản lý rừng bền vững mới được cấp cho các chủ rừng, và chứng chỉ Chuỗi hành trình sản phẩm PEFC cho các công ty thu mua và nhà máy chế biến cao su thiên nhiên và gỗ cao su được cấp.

Ngoài ra, PEFC đã chứng nhận nhóm cho 1500 cao su tiêu điền ở Thái Lan (dự kiến được cấp vào Quý I/2022), mở rộng chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm cho gỗ cao su ở Malaysia, và đưa các nguồn cung cấp cao su mới được chứng nhận tại Việt Nam, kết nối trực tuyến với đối tác mua tiềm năng. 

Những nỗ lực của PEFC được bắt nguồn từ thực tế là, 85% cao su thiên nhiên trên thế giới đến từ Đông Nam Á, với phần lớn sản lượng được sản xuất bởi hàng triệu cao su tiểu điền.

"Chúng tôi hiểu rõ tính phức tạp của chuỗi giá trị các sản phẩm từ cao su và những thách thức mà các nhà sản xuất quy mô nhỏ phải đối mặt. Do vậy, việc áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững sẽ cần có thời gian để đạt hiệu quả trong thực tế", đại diện PEFC bày tỏ.

Một dây chuyền sản xuất bóng cao su tại Việt Nam.

Một dây chuyền sản xuất bóng cao su tại Việt Nam.

Nâng cao sinh kế cho tiểu điền cao su

Những thành tựu của ngành cao su nói riêng và việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững nói chung diễn ra trong một năm mà các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu được quan tâm đặc biệt. Tại Hội nghị COP 26, hầu hết quốc gia tham dự đều nhất trí về sự cần thiết của một nền kinh tế trung hòa cacbon.

Đây là quá trình mà ngành công nghiệp cao su thân thiện với môi trường có thể góp một phần vào mục tiêu chung. Theo PEFC, các rừng cao su được quản lý bền vững giảm thiểu phát thải cacbon bằng cách giảm nạn phá rừng và cải thiện quản lý rừng.

Các phương pháp dựa trên tự nhiên đã được chứng minh là phương pháp tối ưu đạt để đạt được cam kết "Phát thải cacbon bằng 0", đồng thời giúp con người giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch được sử dụng để sản xuất cao su tổng hợp.

Bên cạnh đóng góp về môi trường, cao su thiên nhiên còn là nguyên liệu thiết yếu để tạo ra hơn 40.000 loại sản phẩm, và nằm trong chuỗi cung ứng trị giá 300 tỉ USD hàng năm, giúp tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Trong số này, những hộ tiểu điền được PEFC đặc biệt quan tâm, bởi đây là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả và thị trường.

Xác định việc xây dựng chuỗi khai thác cao su bền vững gắn liền với nâng cao sinh kế của các tiểu điền và môi trường, PEFC yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu thô thực hiện cam kết để đạt được chứng nhận quản lý rừng bền vững VFCS/ PEFC.

Về phía các nhà chế biến, tổ chức này khuyến cáo, tăng mục tiêu sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững và đạt chứng chỉ Chuỗi hành trình sản phẩm PEFC. Các nhà bán lẻ sản phẩm làm từ cao su thiên thiên và gỗ cao su cũng được hướng dẫn thực thi chính sách mua sắm có trách nhiệm và toàn diện vì một hệ sinh thái lành mạnh, nhân văn.

Nối tiếp những kết quả đã đạt trong 2021, PEFC dự kiến tổ chức một chuỗi các hội thảo trực tuyến, với sự tham gia của các diễn giả từ phía các nhà cung cấp như VRG và Hội đồng Chứng chỉ Rừng Thái Lan (TFCC). Ngoài ra, PEFC đẩy mạnh chuỗi liên kết tiêu thụ bằng cách kết nối với những công ty tiên phong như Weber & Schaer, Unilin để đảm bảo tính bền vững của chuỗi giá trị.

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội rà soát, công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1044/QĐ -TTg ngày 26-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai thi hành Luật Đường bộ.