Tối 11/11, tại Quảng trường Bạch Đằng (TP Sóc Trăng), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng phối hợp Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings), tổ chức trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer quy mô lớn nhất Việt Nam.
Sóc Trăng được biết đến là vùng đất có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với nền văn hóa nghệ thuật đa dạng, nhiều chùa và lễ hội truyền thống phong phú. Trong đó, nhạc ngũ âm (hay còn gọi là Phlêng Pin Piêt) là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của bà con.
Theo quy định, ngày trước nhạc ngũ âm chỉ được trình diễn vào các dịp đám phước, lễ hội, tết cổ truyền ở chùa và các đám tang theo phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, sau đó được cất giữ lại tại chùa.
Ngày nay, trước nhu cầu phát triển của xã hội, nhất là đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, dàn nhạc ngũ âm được mở rộng phạm vi hoạt động.
Tại các chương trình biểu diễn ca, múa, nhạc chuyên nghiệp, nhạc ngũ âm được kết hợp với một số nhạc cụ khác, để hòa âm phối khí. Hay trong các vở diễn sân khấu, lễ hội truyền thống của dân tộc, những buổi sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật khác của cộng đồng người Khmer, nhạc ngũ âm cũng được đưa vào phục vụ.
Theo ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, nhạc ngũ âm là loại hình âm nhạc cổ truyền, mang tính phổ biến và lâu đời của người Khmer Nam Bộ nói chung. Trải qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, loại hình nghệ thuật trình này được lưu giữ và chứa đựng nhiều giá trị. Đặc biệt, dù đời sống xã hội có nhiều thay đổi, nhưng nhạc ngũ âm vẫn khẳng định và không ngừng thích nghi để tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh mới.
Những năm qua, từ Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư kinh phí mua sắm nhiều dàn ngũ âm để hỗ trợ cho các câu lạc bộ, chùa Khmer trong tỉnh.
Tổ chức nhiều lớp đào tạo, truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, có nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm. Đồng thời, đơn vị cũng đào tạo, bồi dưỡng cho con em đồng bào dân tộc Khmer có thêm kiến thức cơ bản, hiểu biết hơn về loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
“Nhạc ngũ âm xứng đáng trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia rất quan trọng và tiêu biểu của cộng đồng người Khmer. Trải qua thời gian, dòng chảy của di sản văn hóa này không ngừng được tiếp nối, bồi đắp và lan tỏa trong cộng đồng người Khmer”, ông Trần Minh Lý nhấn mạnh.
Màn trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng quy tụ trên 200 nhạc công, diễn viên, tập luyện các tiết tấu, từ bài bản đến nâng cao.
Đại diện Ban thẩm định Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã có mặt ghi nhận, chứng kiến màn trình diễn và ghi nhận số liệu 20 dàn nhạc, với tổng số lượng 200 nghệ nhân, nhạc công và diễn viên tham gia. Xác lập kỷ lục trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng quy mô lớn nhất Việt Nam.
Đây là một trong những niềm khích lệ, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa địa phương đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer có khoảng 256 bài. Dàn nhạc ngũ âm được hợp thành từ 5 bộ nhạc cụ, làm từ 5 loại chất liệu khác nhau, tạo nên âm sắc riêng biệt. Bao gồm bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da.
Nguồn gốc của dàn nhạc ngũ âm gồm các nhạc cụ “đàn Pin”, có 16 dây, được dùng 10 ngón tay để gảy đàn và nhạc cụ Kong – Piêt (cồng núm nhỏ).