Những con số ấn tượng
Theo Đại sứ Nguyễn Hoàng Long, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh là khuôn khổ pháp lý vô cùng quan trọng, là “giấy thông hành” để tăng cường trao đổi thương mại, kinh doanh giữa 2 nước. Trong đó, Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương luôn xác định các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo sang Anh sẽ là nông sản.
Trong khi đàm phán, chúng ta đã đấu tranh rất nhiều để đạt được những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu nói chúng và Anh nói riêng.
“Có thể nói, sau khi ký kết hiệp định này, trong 2 năm vừa qua, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Anh đã có những bước đột phá. Trong năm nay, mặc dù tình hình thế giới có nhiều phức tạp, kinh tế Anh và nhiều nước gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Anh vẫn tiếp tục tăng, dự kiến đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD”, Đại sứ Long cho biết và nhận định đây là một con số ấn tượng.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong thời gian ngắn sắp tới, khi nước Anh tham gia vào Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương - CPTPP và tiếp tục tạo ra cuộc chơi cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Hoàng Long tin tưởng, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Anh sẽ có thể đạt được con số 2 tỷ USD trong thời gian rất gần.
3 điều kiện mấu chốt
Là thị trường lớn thứ 2 châu Âu, lớn thứ 7 thế giới, kèm theo đó là những yêu cầu đầu vào rất nghiêm ngặt, để có thể đạt được con số 2 tỷ USD với thị trường Anh chúng ta còn có nhiều việc phải làm.
Theo Đại sứ Long, một điểm đáng tự hào trong thời gian vừa qua là các doạnh nghiệp nghiệp xuất khẩu nông sản đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chất lượng, mẫu mã và đặc biệt là đã tìm ra cho mình những chuỗi cung ứng tổng hợp, có thể đưa hàng Việt Nam đi khắp thế giới trong đó có châu Âu và nước Anh.
“Riêng với Anh, cũng như nhiều thị trường cao cấp khác, họ có yêu cầu rất cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như mẫu mã và sự hấp dẫn trong marketing”, ông Long phân tích.
Bên cạnh đó, sản phẩm muốn có được sự cạnh tranh về giá còn phải xây dựng được chuỗi cung ứng hậu cần, logistics, kho bãi, vận chuyển. Nếu làm được những điều đó, thì nông sản Việt Nam sẽ có được động lực rất lớn khi xuất khẩu sang Anh.
Về tổng thể, có 3 điều kiện mà Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho rằng cần đẩy mạnh trong thời gian tới, đầu tiên là chất lượng sản phẩm, thứ hai là bao bì, mẫu mã, marketing và thứ ba là hậu cần, vận chuyển.
“Nếu chúng ta đáp ứng tốt 3 điều kiện này thì nông sản của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh rất lớn, đảm bảo xuất khẩu vào thị trường Anh mạnh mẽ hơn”, Đại sứ khẳng định.
Những sứ giả mở cửa thị trường
Những nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường thời gian qua của ngành nông nghiệp Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho rằng đã đạt được những kết quả rất tích cực, được thể hiện qua những con số tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, Đại sứ Việt Nam tại Anh cũng cho rằng hoạt động xúc tiến thương mại là hoạt động cần duy trì thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm và có sự chuẩn bị.
“Tôi cho rằng Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành khác có thể làm được nhiều hơn nữa trong việc tạo ra một tập thể, một thương hiệu quốc gia để cùng đi đến các thị trường”, ông Long khẳng định.
Lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cho biết, trong công tác ngoại giao kinh tế, cơ quan luôn tìm tòi, suy nghĩ, kết hợp chặt chẽ với các đơn vị trong nước để đưa ra được những sáng kiến, những chương trình có hiệu quả cao. Do đó, ông Long hoàn toàn tin tưởng vào việc sẽ có những hoạt động xúc tiến hiệu quả vào thị trường Anh.
Được Bộ trưởng Lê Minh Hoan ví như những “Sứ giả của nông sản Việt”, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long chia sẻ rằng, với tư cách nào thì các Đại sứ, tham tán đều mong muốn trở thành sứ giả cho các sản phẩm Việt và càng tự hào hơn nếu đó là những sản phẩm chất lượng, cạnh tranh và đưa đi là sẽ chiến thắng.
“Chúng tôi mong muốn có được sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan ở trong nước, để tạo ra một tập thể vững mạnh để đưa các thương hiệu Việt Nam nói chung và thương hiệu nông sản Việt Nam nói riêng đi lên”, ông nói và khẳng định mọi mục tiêu đề có thể đạt được nếu có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý.
Chia sẻ về tư duy kinh tế nông nghiệp cũng như mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, ông Nguyễn Hoàng Long bày tỏ sự ủng hộ: “Nông nghiệp phải trở thành một ngành kinh tế mạnh, ở các nước phát triển đều như vậy. Và nông nghiệp có những ý nghĩa rất quan trọng trong an sinh, là bệ đỡ cho cả xã hội, tạo ra sự ổn định cho cả xã hội”.
Do đó, ông Long cho rằng cần chuyển mạnh từ nền sản xuất số lượng sang chất lượng và điều này hoàn toàn khả thi vì tư duy của các doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là trong lĩnh vực nông nghiệp rất năng động và gắn kết với thế giới.
“Các doanh nghiệp rất chủ động tìm tòi, phát triển thị trường, phám khá ở những nơi mà thậm chí các cơ quan chức năng còn chưa đến được”, ông nói. Tuy nhiên, rõ ràng để đi vào được những thị trường quan trọng, thị trường cao cấp thì phải có được một chiến lược cấp quốc gia, có được sự ủng hộ của các bộ, ngành, cơ quan nhà nước và ở nước ngoài là các đại sứ quán, các thương vụ.
Thương mại nông sản Việt Nam - Anh
Anh là một trong những đối tác chiến lược và quan trọng đối với nông nghiệp Việt Nam về thương mại và đầu tư, đặc biệt thông qua Hiệp định thương mại tự do UKVFTA.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Anh trong năm 2021 đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng trưởng hơn 17%. Trong đó, tăng trưởng thương mại nông sản giữa 2 nước tăng trưởng đều đặn ở mức 6%/năm, đạt gần 1 tỷ USD năm 2021.
Nông nghiệp Việt Nam và Anh có thể bổ trợ cho nhau rất hiệu quả. Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nông sản nhiệt đới (gạo, rau quả, cà phê, chè, điều, tiêu), nuôi trồng thủy sản và chế biến gỗ, nội thất.
Trong khi đó, nông nghiệp Anh có thế mạnh về các sản phẩm nông sản ôn đới: máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào thế hệ mới, công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản và nghiên cứu vacxin.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa để 2 nước thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản. Cụ thể, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Anh mới chỉ đạt khoảng 800 triệu USD, chiếm khoảng hơn 1% tổng giá trị nhập khẩu lương thực thực phẩm 60 tỷ USD của Vương Quốc Anh.
Tương tự, xuất khẩu nông sản của Vương Quốc Anh vào Việt Nam cũng chưa được 1% tổng giá trị nhập khẩu nông sản khoảng trên 30 tỷ USD của Việt Nam.
Về đầu tư, FDI từ Vương quốc Anh rót vào nông nghiệp Việt Nam dù còn khiêm tốn (khoảng 40 dự án, tổng vốn 240 triệu USD) nhưng tăng ở mức trên 10%/năm thời gian qua.
Đặc biệt, Việt Nam và Vương quốc Anh đều cùng chia sẻ và có cam kết mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xanh, bền vững, giảm phát thải tại các diễn đàn quốc tế lớn như COP26 và Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Hệ thống lương thực, thực phẩm.