| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam chuyển sang kinh tế nông nghiệp là 'đúng trọng tâm, đúng tư duy'

Thứ Bảy 31/12/2022 , 09:21 (GMT+7)

Đại diện ngành nông nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là đúng trọng tâm và đúng tư duy.

DSQ My-8

Theo ông Ralph Bean, Việt Nam đang có tư duy đúng về phát triển nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhân dịp năm mới 2023, ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam có buổi trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam về những thay đổi của ngành trong thời gian vừa qua cũng như khả năng mở rộng hợp tác, trao đổi thương mại nông nghiệp giữa 2 nước trong thời gian tới.

Chia sẻ về việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tân Tham tán Nông nghiệp của Đại sứ quán Hoa Kỳ nhận định: “Tôi gọi việc này là chuyên nghiệp hóa nông nghiệp. Chính phủ Việt Nam tư duy theo cách này và hướng đến mục tiêu này là một tín hiệu rất tốt. Các bạn đã xác định đúng trọng tâm và tư duy đúng về điều đó”.

Chuyên nghiệp hóa nông nghiệp

Như ông đã biết, hiện nay Việt Nam đang thay đổi tư duy, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ông có thể chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này?

Tôi nghĩ rằng đây là sự chuyển đổi mà hầu hết quốc gia trải qua. Đây là một quá trình trong đó những người xuất thân từ nông nghiệp, từng tiếp thu các phương pháp làm nông từ gia đình, cha mẹ và những người xung quanh, được đào tạo thêm, ứng dụng nhiều kỹ thuật và thiết bị tiên tiến, để chuyển đổi sang làm nông chuyên nghiệp.

Đây không đơn thuần là ứng dụng công nghệ, mà một phần quan trọng là biết đến những cách làm khác, trong đó có việc quản lý nông trang như quản lý một doanh nghiệp. Vì vậy tôi gọi việc này là chuyên nghiệp hóa nông nghiệp.

Đây là quá trình chuyển đổi mà bất kỳ quốc gia nào cũng trải qua nếu thực sự muốn hiện đại hóa nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của mình. Vì vậy, theo tôi, việc Chính phủ Việt Nam tư duy theo cách này và hướng đến mục tiêu này là một tín hiệu rất tốt và Việt Nam xác định đúng trọng tâm và tư duy đúng về điều đó.

Thay vì nghĩ đơn giản là bạn sinh ra ở nông thôn thì bạn làm nghề nông, ở đây chúng ta hướng đến làm nông như một ngành nghề chuyên nghiệp, qua đó giúp phát triển chuỗi cung ứng, nâng cao sản lượng, giảm thiệt hại, tổn thất và thất thoát sản phẩm.

Nền nông nghiệp Việt Nam có thể đa dạng hóa và cung cấp nhiều loại sản phẩm hơn cho người tiêu dùng Việt Nam cũng như giải phóng các nguồn lực về đất đai và và lao động nhằm giúp nền kinh tế tăng cường phát triển các ngành dịch vụ và chế tạo. Đây chính là một phần của quá trình Việt Nam chuyển đổi để trở thành một nền kinh tế phát triển hàng đầu.

Vâng, bên cạnh câu chuyện sản xuất, Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực thực hiện các cam kết của mình về phát triển xanh và bền vững. Theo ông, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể hợp tác như thế nào trong vấn đề này?

Trước hết, tôi muốn bày tỏ sự trân trọng đối với Chính phủ Việt Nam vì những cam kết mà Việt Nam đã đưa ra. Đặc biệt, Bộ NN-PTNT rất quyết tâm thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và thích ứng với những thay đổi do biến đổi khí hậu. Tôi rất trân trọng tư duy nhìn xa trông rộng và sự cam kết của phía Việt Nam.

Sự hợp tác mà bạn nói tới đã và đang diễn ra. Hiện nay, chúng tôi có dự án hợp tác với Việt Nam nhằm xây dựng phần mềm giúp nông dân Việt Nam điều chỉnh khẩu phần ăn cho động vật, trước hết là với bò sữa để giảm lượng phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi.

Lô bưởi 40 tấn chính thức xuất sang Hoa Kỳ

Ngày 28/11/2022, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức buổi "Lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ". Ảnh: Minh Đãm.

Chúng tôi đang cân nhắc mở rộng chương trình với một số loại gia súc khác và tăng cường tính thực tiễn để có thể áp dụng rộng rãi và đưa cách làm này trở thành một công cụ hữu ích cho ngành chăn nuôi Việt Nam nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Chúng tôi đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam về công nghệ sinh học - đây là một công cụ mạnh mẽ để có được những giống cây trồng giúp giảm phát thải khí nhà kính và có thể thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một trong những chương trình của chúng tôi đã tài trợ cho một nghiên cứu viên Việt Nam sang Hoa Kỳ nghiên cứu việc áp dụng chỉnh sửa gen để tạo ra giống đậu tương chịu hạn.

Chúng tôi cũng hỗ trợ Việt Nam tham gia vào một số hoạt động trao đổi liên quan đến công nghệ sinh học. Chỉnh sửa gen là một công cụ vô cùng mạnh mẽ mà tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ thấy rất hữu ích trong tương lai.

Ngoài ra, cùng với các đơn vị khác trong Đại sứ quán Hoa Kỳ, chúng tôi đã thành lập Nhóm công tác về Biến đổi khí hậu cùng với Bộ NN-PTNT. Chúng tôi thực sự trân trọng sự tham gia tích cực và đầy quyết tâm của Bộ NN-PTNT và chúng tôi rất kỳ vọng vào tương lai của Nhóm công tác này.

Mối quan hệ rất bền vững

Xin được chuyển sang vấn đề song phương, những năm gần đây, Hoa Kỳ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, chủng loại hoàng hóa được phía Hoa Kỳ chấp thuận vẫn còn hạn chế. Ông nghĩ gì về triển vọng mở rộng thêm danh mục hàng hóa của Việt Nam xuất sang thị trường Hoa Kỳ?

Như bạn đã nói, Hoa Kỳ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng nông sản của Việt Nam và Việt Nam hiện là thị trường lớn thứ 8 trong số các thị trường nhập khẩu hàng nông sản của Hoa Kỳ.

Tôi nghĩ đây là một mối quan hệ rất bền vững. Việc xem xét mở cửa thị trường đối với rau quả tươi tuân thủ quy trình dựa trên cơ sở khoa học và theo luật định. Hiện nay, mỗi bên xem xét lần lượt từng sản phẩm.

Đến nay, Hoa Kỳ đã mở cửa thị trường cho 7 loại trái cây tươi của Việt Nam, trong đó có trái bưởi được cấp phép cách đây ít tuần. Hiện nay, Việt Nam đã mở cửa thị trường cho 6 loại trái cây tươi của Hoa Kỳ, đó là táo, lê, nho, việt quất, cam, anh đào. Việt Nam đang xem xét mở cửa thị trường cho quả bưởi chùm của Hoa Kỳ.

Giờ đây khi chúng tôi đã cấp phép cho trái bưởi của Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét sản phẩm tiếp theo, việc lựa chọn sản phẩm nào tiếp theo là theo thứ tự ưu tiên của Chính phủ Việt Nam đưa ra.

Chúng tôi cũng muốn quá trình đó diễn ra nhanh hơn, song đây là một quy trình khoa học mà theo đó hai phía phải trao đổi nhiều lần để đảm bảo tránh rủi ro sâu bệnh trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Quá trình này cũng tương tự quá trình Hoa Kỳ đề nghị tiếp cận thị trường Việt Nam, phụ thuộc vào các cơ quan hữu quan.

DSQ My-3

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam (phải) phỏng vấn ông Ralph Bean về hợp tác song phương Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Phạm Huy.

Bên cạnh vấn đề thương mại, ông có thể chia sẻ ý kiến của mình về hợp tác đào tạo và đầu tư giữa hai nước?

Hiện nay, chúng tôi có hai chương trình là Cochran và Borlaug. Như tôi đã trao đổi ở trên, một trong những nhà nghiên cứu nhận học bổng chương trình Cochran đã sang Hoa Kỳ để tìm hiểu về chỉnh sửa gien ở đậu tương.

Chúng tôi đang có học bổng về giới hạn tối đa dư lượng hóa chất trong thực phẩm. Chúng tôi hy vọng mở rộng chương trình và chúng tôi cũng đang cân nhắc những chương trình khác.

Chúng tôi đã lựa chọn Việt Nam là một trong bốn quốc gia tham gia chương trình Global Fertilizer Challenge (Thách thức Phân Bón Toàn cầu). Chương trình này hỗ trợ cải thiện việc sử dụng phân bón của Việt Nam, qua đó giúp giảm chi phí cho người nông dân vì họ không sử dụng nhiều phân bón như trước, giúp họ xác định chính xác số lần sử dụng và cách sử dụng, và giảm lượng phân bón thừa ngấm vào nguồn nước. Như vậy sẽ tiết kiệm chi phí và cải thiện môi trường.

Về đầu tư, với Hoa Kỳ, đầu tư thường do các doanh nghiệp thực hiện. Văn phòng tôi - Văn phòng Đại diện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam - sẵn sàng giới thiệu các công ty của Hoa Kỳ cho Việt Nam, giới thiệu cho họ về các điều kiện và cơ hội tại Việt Nam nhưng quyết định có đầu tư vào Việt Nam hay không vẫn là ở họ.

DSQ My-6

Tân Tham tán Nông nghiệp Ralph Bean kỳ vọng về việc xây dựng được chuỗi cung ứng lạnh trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông hai bên cần làm gì để thúc đẩy hơn nữa thương mại nông sản song phương?

Theo tôi, thương mại nông nghiệp giữa hai nước đang phát triển rất tốt. Việt Nam là thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ 8 của chúng tôi và tôi nghĩ càng nhiều công ty đến Việt Nam kinh doanh thì họ sẽ thấy càng nhiều cơ hội.

Từ góc độ một doanh nghiệp, mối lo ngại chính là rủi ro, và kiến thức về thị trường sẽ giúp giảm bớt rủi ro. Tôi nghĩ rằng tiếp tục thúc đẩy thương mại, tiếp tục hợp tác sẽ giúp thúc đẩy đầu tư.

Tại Văn phòng Đại diện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, chúng tôi kết nối các công ty của Hoa Kỳ với thị trường Việt Nam, giúp họ hiểu và thêm tự tin vào thị trường. Tôi nghĩ tiềm năng ở đây vô cùng lớn và tương tự, tiềm năng của thị trường Hoa Kỳ đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất lớn.

Câu hỏi cuối dành cho ông, là tân Tham tán Nông nghiệp của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông có đặt ra mục tiêu cụ thể nào cho nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam không?

Người tiền nhiệm của tôi - ông Robert Hanson - đã rất xuất sắc. Điều này khó cho tôi bởi ai cũng luôn muốn cố gắng đạt được kết quả tốt hơn người đi trước.

Ông ấy đã xây dựng những chương trình tuyệt vời và đó chính là những gì tôi sẽ làm nếu ở vị trí của ông ấy.

Tôi cũng có một số dự án tâm đắc mà tôi hy vọng có thể thực hiện, tôi nghĩ những dự án này có nhiều tiềm năng ở Việt Nam, đặc biệt là về chuỗi cung ứng, trong đó có chuỗi cung ứng lạnh.

Tôi nghĩ phân phối trong chuỗi cung ứng lạnh và phân phối nói chung là lĩnh vực mà chúng tôi có thể hợp tác tốt với Việt Nam và điều này sẽ giúp ích cho nông dân Việt Nam.

Khi đã có chuỗi kho lạnh tốt thì rau củ quả, đặc biệt là các sản phẩm thịt cá sẽ giữ được chất lượng tốt hơn nhiều. Sản phẩm chất lượng tốt ra thị trường sẽ được bán được với giá tốt hơn, giảm hư hỏng, thất thoát lãng phí.

Đây cũng là một phần trong các vấn đề về biến đổi khí hậu vì khi bạn thích ứng với biến đổi khí hậu, bạn cần tận dụng tối đa các sản phẩm mà bạn đang sản xuất.

Các nhà xuất khẩu của chúng tôi rất quan ngại về việc duy trì chất lượng sản phẩm của họ khi sản phẩm được đưa ra thị trường. Người dân cũng như các nhà sản xuất thịt và gia cầm Hoa Kỳ lo ngại về việc sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng khi sản phẩm của họ không được xử lý tốt ở khâu nào đó khi đưa ra thị trường.

Bởi vậy, việc xây dựng một chuỗi cung ứng lạnh tốt chắc chắn sẽ đảm bảo được những tiêu chuẩn đó. Đây là khâu mà văn phòng chúng tôi làm rất tốt và sẽ mang lại lợi ích cho mọi người.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.