| Hotline: 0983.970.780

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới nêu 3 khía cạnh cần tập trung của nông nghiệp Việt Nam

Chủ Nhật 01/01/2023 , 07:15 (GMT+7)

Ông Ahmed Eiweida, Trưởng ban phát triển bền vững Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã có những chia sẻ về sự thay đổi tích cực của nông nghiệp Việt Nam trong năm 2022.

wb4

Ngài Ahmed Eiweida, Trưởng ban phát triển bền vững Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Xanh hóa sản xuất và xuất khẩu nông sản là xu hướng toàn cầu

Thưa ông, năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững, ông đánh giá thế nào về sự thay đổi tư duy của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua?

Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam đã theo đuổi mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung vào sản lượng. Hạn chế của mô hình này là quá tập trung vào tăng sản lượng mà không quan tâm đúng mức đến thu nhập của người nông dân cũng như các chi phí môi trường khác. Điều này dẫn đến tình trạng mặc dù sản xuất nông nghiệp và doanh thu xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam không ngừng tăng trưởng, song, thu nhập của người nông dân vẫn giảm đi theo thời gian.

Việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng kinh tế nông nghiệp sẽ giúp đảo ngược xu hướng này. Thông qua cách tiếp cận “tăng giá trị, giảm đầu vào”, mô hình kinh tế nông nghiệp sẽ góp phần cải thiện thu nhập của nông dân cũng như khôi phục hệ sinh thái và môi trường nông thôn.

Chúng tôi hoan nghênh sự thay đổi tư duy chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp vì hai lý do. Thứ nhất, cách tiếp cận này hướng tới sự bền vững về môi trường, ưu tiên chất lượng hơn là số lượng. Thứ hai, chiến lược đã đặt con người mà cụ thể ở đây là người nông dân làm trọng tâm, đây cũng điểm phù hợp với xu hướng chung trên thế giới.

Chúng tôi nhận thấy các chiến lược gần đây của Chính phủ Việt Nam, điển hình là Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã nắm bắt chính xác các khía cạnh chính của mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp như sản xuất, thu nhập, xuất khẩu, việc làm, môi trường và tiêu chí nông thôn mới.

Tương ứng với sự thay đổi tư duy này, Ngân hàng Thế giới cũng đã điều chỉnh trọng tâm các chương trình hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp hướng tới tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu, đa dạng hóa sinh kế và phát triển nông nghiệp carbon thấp.

wb3

Ngài Ahmed Eiweida, Trưởng ban phát triển bền vững Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trao đổi với PV NNVN. Ảnh: Tùng Đinh.

Thưa ông, xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp tục thiết lập kỷ lục mới, đạt 54 tỷ USD trong năm 2022, theo ông, Việt Nam cần làm gì để việc sản xuất cũng như xuất khẩu bền vững, đáp ứng được sự thay đổi ngày càng khắt khe của thị trường thế giới?

Chúng tôi rất ấn tượng với kết quả xuất khẩu nông sản của Việt Nam, qua đây cũng thể hiện rõ thế mạnh và lợi thế so sánh của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng, để giữ vững cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp xanh và carbon thấp. Xanh hóa sản xuất và xuất khẩu nông sản là xu hướng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm xanh và hàm lượng carbon thấp, đặc biệt là tại các thị trường châu Âu.

Một khảo sát cho thấy, 85% các nhà bán lẻ tại thị trường EU cho biết doanh số bán các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo phương thức bền vững đã tăng trong 5 năm qua và 92% trong số họ tin rằng mức tăng sẽ còn lớn hơn trong 5 năm tới. Ví dụ gần đây nhất là vào đầu tháng 12 năm 2022 Liên minh Châu Âu đã đạt thỏa thuận cấm nhập nhập khẩu các sản phẩm bao gồm cà phê, ca cao và đậu nành trong trường hợp chúng được coi là góp phần thúc đẩy nạn phá rừng.

Để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp xanh và bền vững hơn, thứ nhất chính phủ cần tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào hỗ trợ tăng trưởng nông nghiệp, đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường . Thứ hai, cần áp dụng rộng rãi những thực hành nông nghiệp thông minh với khí hậu. Cuối cùng, cần đẩy mạnh chuyển đổi số và áp dụng những công nghệ mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Thưa ông, Chính phủ Việt Nam đã cam kết với thế giới tại Hội nghị COP26 rằng sẽ giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu phát triển kinh tế xanh của chúng tôi và Ngân hàng Thế giới sẽ đồng hành như thế nào để hiện thực hóa mục tiêu đó?

Đối với ngành nông nghiệp, báo cáo NDC 2022 đặt mục tiêu giảm 12,4 triệu tấn CO2 tương đương trong kịch bản phát triển thông thường (mức đóng góp vô điều kiện) và 50,9 triệu tấn với sự hỗ trợ quốc tế (mức đóng góp có điều kiện).

Trong khi đó, các mục tiêu này trong báo cáo NDC 2022 chỉ là 6,8 triệu tấn và 32,9 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu mới, ngành nông nghiệp sẽ cần huy động một nguồn tài chính khoảng 2,1 tỷ USD với mức đóng góp vô điều kiện và 16,1 tỷ USD mức đóng góp có điều kiện.

Như chúng ta đã biết, canh tác lúa là hoạt động phát thải khí nhà kính lớn nhất trong ngành nông nghiệp Việt Nam, mỗi năm phát thải khoảng 49,6 triệu tấn CO2 tương đương. Chính vì vậy Việt Nam đang chuyển đổi sang hình thức sản xuất lúa gạo carbon thấp có nhiều tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khí mê-tan.

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ đã chứng minh rằng việc áp dụng công nghệ cải tiến trong canh tác lúa không chỉ giúp tăng năng suất và lợi nhuận ròng cho nông dân mà còn giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính.

Khi dự án VnSAT kết thúc vào tháng 6 năm 2022, chúng tôi tổng kết đã góp phần giảm khoảng 1,5 triệu tấn CO2 tương đương hàng năm. Đây là mô hình hoàn toàn có thể được nhân rộng nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua những đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chương trình khuyến nông quy mô lớn.

Chúng tôi ước tính rằng nếu các vùng lúa trọng điểm còn lại ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng áp dụng hình thức canh tác này, có thể giúp giảm hơn 10 triệu tấn CO2 tương đương hàng năm.

Hiện nay, Ngân hàng Thế giới cũng đang nghiên cứu các phương thức huy động từ các quỹ tài chính carbon để chi trả tín chỉ carbon cho các hợp tác xã sản xuất lúa giảm phát thải trong khuôn khổ dự án VnSAT đồng thời hỗ trợ cho đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngân hàng Thế giới cũng đang phối hợp với Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) để hỗ trợ Bộ NN-PTNT xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và Thẩm định (MRV) chuẩn hóa cho ngành lúa gạo.

Chúng tôi hy vọng rằng việc huy động thêm nguồn lực  từ quỹ tài chính carbon để hỗ trợ việc áp dụng các phương pháp canh tác lúa tiên tiến sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi tiểu ngành lúa gạo sang hướng xanh hơn, bền vững hơn.

WB-3

Ngài Ahmed Eiweida, Trưởng ban phát triển bền vững Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Tiến bộ to lớn về cải cách chính sách nông nghiệp

Gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về chính sách, chiến lược đầu tư phát triển “tam nông” của chúng tôi hiện nay?

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn về cải cách chính sách nông nghiệp cũng như xây dựng và thực hiện các chiến lược liên quan.

Tôi cho rằng chiến lược quan trọng nhất hiện nay chính là Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của Bộ NN-PTNT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bởi vì chiến lược đã đánh đấu những thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chiến lược này thể hiện rõ sự thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ ưu tiên lượng sang chất, từ các sản xuất ít quan tâm đến môi trường đến các thực hành bền vững.

Đồng thời, chiến lược này cũng đã đánh giá đúng tầm quan trọng của việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh các nỗ lực về giảm thiểu rủi ro thiên tai. Chiến lược này cũng rất phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng như các cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP27.

Nhiệm vụ quan trọng bây giờ là đưa những chiến lược này vào thực tiễn cuộc sống. Điều này đòi hỏi phải chuẩn bị các kế hoạch hành động, kế hoạch vốn đầu tư công ưu tiên và tận dụng nguồn tài chính từ các quỹ khí hậu và tài chính carbon khu vực tư nhân.

wb2

Chiến lược nông nghiệp của Việt Nam đã đánh dấu thay đổi mạnh mẽ. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông, nền nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục thay đổi như thế nào để đóng góp nhiều hơn nữa vào mục tiêu phát triển chung của đất nước?

Trong tương lai, chúng tôi cho rằng ngành nông nghiệp nên tập trung vào những khía cạnh quan trọng sau:

Thứ nhất là thực hiện các chính sách khuyến khích để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh và carbon thấp, bao gồm xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích, thiết kế các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy đa dạng hóa sinh kế; nâng cao các tiêu chuẩn môi trường và tăng cường hiệu quả thực thi; cho phép chuyển đổi linh hoạt hơn các loại đất trồng lúa; và tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới, khuyến nông, hiểu biết về tài chính và kết nối nông thôn.

Thứ hai là tăng cường thể chế theo hướng giảm sự chỉ đạo, can thiệp trực tiếp từ Chính phủ và tăng vai trò kiến tạo; tăng cường năng lực của Bộ NN-PTNT và Sở NN-PTNT trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác công tư, giám sát tác động môi trường của các chính sách và đầu tư, và thiết lập hệ thống tiếp cận tài chính carbon; phát huy vai trò chủ thể của người nông dân.

Thứ ba, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân như thúc đẩy các liên minh sản xuất theo chiều ngang và chiều dọc giữa các hợp tác xã, hiệp hội nông dân và người tiêu dùng, đồng thời tận dụng các công nghệ và nền tảng kỹ thuật số.

(thực hiện)

Xem thêm
Vua của các loài hoa Tây Bắc hút khách miền xuôi

Qua rằm tháng Chạp, những chậu địa lan Sa Pa giá hàng chục triệu đồng đã được khách miền xuôi lên mua. Trong khi, giá hoa lan Trung Quốc tăng giá nhẹ vì thời tiết. 

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.