| Hotline: 0983.970.780

5 giờ chống chọi sự truy đuổi, tấn công của tàu Trung Quốc

Thứ Bảy 10/05/2014 , 21:21 (GMT+7)

Từ hai phía, tàu chiến và tàu kiểm ngư Trung Quốc cùng áp sát. Con tàu khổng lồ màu xám tro kẹp sát vào mạn phải, trong khi tàu còn lại lao thẳng vào mạn trái khiến tàu của ông Lộc không còn đường lui.

Ngày 10/5, cùng các thuyền viên nhặt từng thanh gỗ, mảnh kính vỡ trên chiếc tàu cá rách bươm vừa trở về từ Hoàng Sa, gương mặt lam lũ của thuyền trưởng Nguyễn Lộc (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) đầy vẻ bức xúc.

Ông kể, ba ngày trước, khoảng 11h, trong lúc 16 ngư dân trên tàu chia thành từng tốp ngụp lặn bắt thủy sản ở gần đảo Linh Côn, vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, thì tàu của Trung Quốc bất ngờ xuất hiện. Con tàu màu xám tro có số hiệu 1241 to gấp năm lần tàu cá của ông, trang bị súng lớn cùng hàng chục người mặc trang phục rằn ri đeo vũ khí.

10-5-Anh-1-Ta-ca-Viet-Nam-bi-r-1409-7644
Nhiều cửa gỗ trên tàu cá anh Lộc bị tàu Ngư chính Trung Quốc húc gây hư hỏng nặng. Ảnh: Trí Tín.

Tàu Trung Quốc bắn ba phát xẹt lửa lên bầu trời ra tín hiệu dừng lại khi còn cách tàu cá khoảng 100m. "Biết gặp nguy, tôi hô hoán anh em đóng chặt cửa, vào cabin ẩn núp rồi rồ ga chạy vòng tròn trong khu vực biển cách đảo Linh Côn khoảng 15 hải lý", ông Lộc kể.

Cuộc truy đuổi giữa tàu chiến Trung Quốc và tàu cá của ông Lộc bắt đầu. Hàng chục lần tàu Trung Quốc vượt lên trước chặn đầu, nhưng thuyền trưởng tàu cá liên tục luồn lách, thoát ra được.

Nhiều ngư dân chuẩn bị can nhựa, áo phao sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Phía tàu Trung Quốc ném búa, bu lông, chai thủy tinh... tới tấp và kéo vòi rồng phun nước xối xả về phía tàu cá. Lượng nước mạnh dội xuống làm mọi thứ trên tàu văng tứ tung, cửa kính vỡ loảng xoảng. Cả con tàu chao đảo như sắp lật nhào.

"Cabin tàu nóng hầm hập nhưng mọi người phải đóng chặt cửa để bảo toàn tính mạng. Lúc ấy chúng tôi hoảng loạn với nỗi lo là tàu Trung Quốc sẽ nã đạn làm tàu bốc cháy hoặc bị vòi rồng nhấn chìm", ông Nguyễn Đó, thuyền viên lớn tuổi trên tàu cá nói. Ông cho biết hàng chục năm gắn bó với ngư trường Hoàng Sa, chưa bao giờ chứng kiến Trung Quốc điều động nhiều tàu có vũ khí lấn sâu vào vùng biển Việt Nam với thái độ hung hãn như vậy.

Đến 16h, tàu Trung Quốc đột ngột dừng rượt đuổi, tấn công. 16 ngư dân trên tàu cá chưa kịp mừng thì từ xa xuất hiện thêm tàu kiểm ngư màu trắng của Trung Quốc. "Sau nhiều giờ bị tàu chiến rượt đuổi, ai cũng phờ phạc, rã rời... nên khi thấy tàu kiểm ngư lao ầm ầm đến ai cũng sợ hãi. Tụi tôi nghĩ chắc phen này hết đường sống nổi", ông Đó cho biết.

10-5-Anh-2-Ta-ca-Viet-Nam-bi-r-8412-3427
Cabin tàu của ông Lộc bể nát  sau khi bị tàu Ngư chính ngang ngược tấn công ở vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín.

Từ hai phía, tàu chiến và tàu kiểm ngư Trung Quốc cùng áp sát. Con tàu khổng lồ màu xám tro kẹp sát vào mạn phải, trong khi tàu còn lại lao thẳng vào mạn trái khiến tàu cá của ông Lộc chao đảo, kêu răng rắc. Những tấm kính còn sót lại trên cabin văng xuống sàn tung tóe, nước ào ạt tràn vào khoang, các ngư dân bị hất văng tứ phía.

"Thời điểm đó, nếu tàu kiểm ngư Trung Quốc quay lại húc lần nữa thì tàu của chúng tôi sẽ tan tành. May mà ngay sau cú húc ngang hông, cả hai con tàu ấy đều bỏ đi", ngư dân Nguyễn Văn Hoài cho biết thêm.

Thuyền trưởng Lộc cùng các ngư dân phải dùng 3 máy bơm hút nước ra ngoài. Họ thay phiên nhau cắt đôi can nhựa, tát nước suốt cả đêm trong khi cho tàu chạy về hướng đảo Đá Lồi, sửa chữa rồi quay về Lý Sơn.

Theo thuyền trưởng Nguyễn Lộc, tàu của ông mới ra khơi chưa được 7 ngày, đánh bắt được khoảng 2 tấn cá thì bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, tấn công. Bỏ ngang chuyến biển trở về từ Hoàng Sa, ông Lộc cùng các ngư dân bị tổn phí 150 triệu đồng, riêng con tàu bị hư hỏng nặng, thiệt hại hơn 500 triệu đồng.

"Chúng tôi sẽ vẫn ra biển. Hoàng Sa là nhà, là miếng cơm, manh áo của chúng tôi", người thuyển trưởng can trường nói.

 

(VnExpress)

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.