Khẳng định vai trò trong hệ thống tài chính-tín dụng
Ngày 28/6/1994, Văn phòng Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam tại khu vực miền Trung được thành lập tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) theo Quyết định số 95/NHNo-QĐ của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Đến ngày 6/11/1998, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có Quyết định số 160/QĐ/HĐQT-02 chuyển trụ sở làm việc của Văn phòng đại diện khu vực miền Trung về thành phố Đà Nẵng.
Theo quy chế, Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung là đơn vị phụ thuộc Agribank, có chức năng tham mưu, đề xuất Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động các Chi nhánh Agribank trong khu vực, gồm các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông; ban hành và tổ chức triển khai quy định nội bộ liên quan đến chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm dịch vụ, công tác thống kê, dự báo kinh tế, tài chính tiền tệ; đại diện theo ủy quyền, bảo vệ lợi ích của Agribank tại khu vực. Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung không thực hiện chức năng kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Tiến Trường, Trưởng Văn phòng Đại diện Agribank khu vực miền Trung, nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là theo dõi, nghiên cứu, nắm bắt thông tin có liên quan đến các tỉnh, thành phố trong khu vực; đề xuất chiến lược phát triển kinh doanh, phát triển sản phẩm dịch vụ đối với khu vực và từng tỉnh, thành phố trong khu vực; đề xuất giải pháp điều hành hoặc tham gia ý kiến xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ của Agribank; theo dõi, đánh giá tổ chức mạng lưới; thống kê, dự báo kinh tế, tài chính tiền tệ tại khu vực.
Ngoài ra, Agribank khu vực miền Trung còn có nhiệm vụ tham gia ý kiến với Agribank về kế hoạch kinh doanh của các chi nhánh trong khu vực; theo dõi, đôn đốc chi nhánh thực hiện kế hoạch kinh doanh được giao; phối hợp triển khai các chương trình, sản phẩm dịch vụ đến các chi nhánh trong khu vực và giám sát, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện; hỗ trợ chi nhánh tiếp cận, duy trì và phát triển quan hệ với khách hàng doanh nghiệp; thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các chi nhánh trong khu vực.
Đặc biệt, trong chuỗi nhiệm vụ, Agribank khu vực miền Trung còn có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc chỉnh sửa, khắc phục tồn tại và những vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, giám sát; xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thực hiện công tác hỗ trợ tư vấn pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Agribank và chi nhánh trong khu vực.
Agribank khu vực miền Trung chủ động quan hệ với chính quyền địa phương, đại diện cơ quan Trung ương đóng tại địa phương, cơ quan ngoại ngành để hỗ trợ các chi nhánh xây dựng, tổ chức, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình giúp phát triển hoạt động kinh doanh; xử lý các vấn đề có liên quan đến bảo vệ quyền lợi của Agribank và tổ chức thực hiện công tác truyền thông, quảng bá hoạt động, sản phẩm dịch vụ và thương hiệu Agribank trong khu vực…
“Từ ngày thành lập đến nay, hệ thống các Chi nhánh Agribank nói chung và các chi nhánh thuộc khu vực miền Trung nói riêng đã có nhiều nỗ lực phấn đấu thực hiện các chỉ đạo, định hướng hoạt động kinh doanh của Agribank. Nếu như lúc mới thành lập, Agribank khu vực miền Trung mới có 11 chi nhánh cấp tỉnh (chi nhánh loại I) thì đến tháng 5/2024, sau 30 năm phát triển, số lượng chi nhánh và phòng giao dịch thuộc khu vực miền Trung đã tăng lên 17 chi nhánh loại I, 185 Chi nhánh loại II, 150 phòng giao dịch phân bổ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, nơi tập trung đông dân cư, bảo đảm duy trì tốt khả năng cạnh tranh với các tổ chức tín dụng khác trên cùng địa bàn”, ông Nguyễn Tiến Trường, Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung cho hay.
“Bà đỡ” của tam nông
Sau 30 năm thành lập và phát triển, nguồn vốn huy động của các chi nhánh trong khu vực miền Trung tăng trưởng mạnh qua các năm, hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch được giao, góp phần cùng Agribank giữ vững vị thế ngân hàng thương lại có nguồn vốn lớn nhất trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Tiến Trường, Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung, đến cuối tháng 5/2024, nguồn vốn huy động trong khu vực đạt 232.423 tỷ đồng, tăng gấp 282 lần so với thời điểm mới thành lập (824 tỷ đồng); tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 21,7%, trong đó chủ yếu tiền gửi dân cư.
“Có được kết quả trên là nhờ các chi nhánh luôn bám sát diễn biến thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động, điều chỉnh linh hoạt lãi suất; chủ động trong việc quảng bá và giới thiệu sản phẩm huy động vốn... Agribank chiếm thị phần cao nhất so với nhóm Big 4 với tỷ lệ 22,9%. Đến tháng 5/2024, lao động trong định biên của các chi nhánh trong khu vực miền Trung là 5.586 người, tăng 1,8 lần so với khi mới thành lập (3.191 người); đáp ứng nhu cầu lao động của các đơn vị; chất lượng lao động được nâng lên qua từng năm, năng suất lao động năm sau cao hơn năm trước”, ông Nguyễn Tiến Trường cho hay.
Cũng theo ông Trường, cùng với cả hệ thống Agribank, trog thời gian qua, các chi nhánh trong khu vực nói chung và trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng đã phấn đấu vượt qua khó khăn; củng cố, giữ vững uy tín, vị thế vai trò chủ chốt trong hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn; cung cấp dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước và Agribank.
Qua các năm, tăng trưởng tín dụng của các chi nhánh đều đạt mục tiêu đề ra, cơ cấu tín dụng được chuyển đổi phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và định hướng của đề án tái cơ cấu của Agribank. Đến cuối tháng 5/2024, tổng dư nợ đầu tư vào nền kinh tế đạt 224.462 tỷ đồng, tăng 163 lần so với thời điểm mới thành lập (1.378 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 19,1%, chiếm thị phần cao nhất so với nhóm "Big 4" với tỷ lệ 17,8%. Đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển các lĩnh vực nuôi trồng, thu mua, sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình và cá nhân, phục vụ các chính sách ưu đãi, đối tượng ưu tiên, dự án trọng điểm của nền kinh tế và từng địa phương.
“Agribank đã khẳng định được vị trí, vai trò chủ lực trong phục vụ lĩnh vực tam nông và xây dựng nông thôn mới. Đồng vốn của Agribank góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương; hạn chế cho vay nặng lãi, tạo điều kiện cho hộ sản xuất kinh doanh, hộ nông dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu; đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội”, ông Nguyễn Tiến Trường, Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung khẳng định.
Bên cạnh việc tăng trưởng, công tác bảo đảm an toàn hoạt động, kiểm soát chất lượng tín dụng được các chi nhánh trong khu vực quan tâm triển khai thực hiện. Với sự nỗ lực của các chi nhánh, nợ xấu toàn khu vực luôn được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu luôn luôn được giữ ở mức dưới 3%. Bình quân, trong giai đoạn từ năm 2000 đến tháng 5/2024, tỷ lệ nợ xấu chỉ đứng ở mức 1,57%, góp phần vào sự phát triển ổn định và an toàn chung của toàn hệ thống.
“Từ những kết quả trên, Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào năm 2007, được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2009, nhiều bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng...”, ông Nguyễn Tiến Trường cho hay.
Agribank khu vực miền Trung đã luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác từ thiện và hoạt động xã hội. Trong những năm qua đơn vị đã duy trì và thực hiện tốt hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ giúp đỡ đoàn viên công đoàn và cán bộ, nhân viên trong đơn vị, hoạt động an sinh xã hội, được các cấp chính quyền địa phương tại thành phố Đà Nẵng và nhiều địa phương khác trong khu vực đánh giá cao, góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu Agribank.