| Hotline: 0983.970.780

Ai định hướng thẩm mỹ cho công chúng điện ảnh?

Thứ Hai 20/08/2018 , 08:21 (GMT+7)

Không phải cổ súy công chúng xem phim qua… báo, nhưng nếu truyền thông khước từ vai trò dẫn dắt dư luận và định hướng thẩm mỹ, thì nền điện ảnh không thể phát triển lành mạnh.

14-30-28_dien_nh_thi_truongChính những nhà phê bình góp phần cho dòng phim thị trường phát triển rực rỡ một thời

Phê bình điện ảnh trên báo chí thực sự là một lĩnh vực đang cần báo động đỏ trong đời sống văn hoá.

Thật khó hiểu một nghịch lý, báo chí càng mở rộng biên độ với nhiều thể loại phong phú báo nói, báo hình, báo mạng… thì phê bình điện ảnh lại càng thưa vắng. Mỗi năm số lượng phim tung ra rạp và trình chiếu trên ti vi lên đến con số hàng trăm thì những bài phê bình điện ảnh chỉ dừng ở con số lẻ tẻ dăm ba rời rạc và vô vị. Thảm cảnh này biết trách ai, khi nghề phê bình điện ảnh phải đối mặt với thực tế bỏ thì thương vương thì tội trên báo chí!

Trước đây, các trường văn hoá nghệ thuật đều có khoa phê bình điện ảnh. Bây giờ, có tuyển sinh thì cũng chẳng ai theo học. Lý do, dường như người ta mặc định công việc ấy cứ giao hẳn cho các nhà báo. Nghĩ cũng lạ, không được đào tạo và không tự nghiên cứu, thì làm sao viết phê bình điện ảnh nhỉ? Có rất nhiều tờ báo xem nhẹ mảng văn hoá, nên sắp xếp phóng viên có năng lực hạn chế nhất theo dõi mảng điện ảnh. Và hệ luỵ nảy sinh, bức tranh điện ảnh trên báo chí chỉ là thông tin scandal diễn viên hoặc vài chuyện hậu trường lặt vặt của mấy đoàn làm phim đang bấm máy. Khi nhà báo không có khát vọng trở thành chuyên gia trong mảng đề tài mình tác nghiệp, thì muốn có một bài phê bình điện ảnh trên báo chí không khác gì mò trăng đáy nước.

Có vẻ hơi hoài cổ, nhưng không thể không nhắc lại, phê bình điện ảnh trên báo chí từng có một thế hệ vàng những cây bút được độc giả yêu mến và tin cậy, như Đức Kôn, Tô Hoàng, Song Chi, Cát Vũ, Ngô Ngọc Ngũ Long, Trần Hữu Lục, Thanh Lộc, Việt Văn… Điểm chung của những cây bút này là đều học hành bài bản và có sự am hiểu nhất định về công việc làm phim. Mặt khác, họ không ngại va chạm khi trình bày góc nhìn của mình về tác phẩm điện ảnh một cách thẳng thắn. Chính sự chuyên nghiệp của họ, mà không khí điện ảnh thập niên 90 của thế kỷ trước được tiếp lửa rất sôi động, rất hào hứng. Thế hệ vàng của phê bình điện ảnh trên báo chí hôm nay hầu hết đã lớn tuổi và không còn mấy mặn mà với công việc mà họ từng gắn bó. Có hai nguyên nhân khiến họ gác bút: Thứ nhất là họ không còn điều kiện để cập nhật những trào lưu, những xu hướng của điện ảnh hiện đại nên tự nguyện dừng cuộc chơi; thứ hai là họ không còn diễn đàn của họ hoặc ngán ngại thái độ ghẻ lạnh mà các tờ báo dành những bài phê bình điện ảnh chân chính!

Quá khứ đã lùi xa, bây giờ báo chí thỉnh thoảng vẫn có chuyên mục điện ảnh, nhưng hầu hết chỉ là những bài giới thiệu phim mang tính thông tin sơ lược và rất hiếm khi che giấu thái độ hiếu hỉ giữa người viết báo và người làm phim. Lâu lâu có một bài viết về phim rất hoành tráng, thì nội dung cũng chỉ là… kể lại các tình tiết trong phim kèm đôi câu ngọt lạt khen ngợi vuốt ve. Thậm chí, đáng sợ hơn là những bài nhân danh phê bình phim để… quảng cáo phim, mà khán giả nếu trót tin vào bài viết thì sẽ thất vọng hoàn toàn khi xem phim. Có một cảm giác thường xuyên xảy ra với những ai quan tâm đến những thông tin điện ảnh trên báo chí, đó là dường như người viết không hề xem qua bộ phim hoặc có xem thì cũng chỉ xem vài cảnh chiếu lệ, nên bộ phim A được đề cập trên báo và bộ phim A được công chiếu cứ… xa lạ như hai thực thể khác biệt nhau hoàn toàn.

Nhà phê bình điện ảnh Cát Vũ đã từng tốt nghiệp Khoa Lý luận - Sáng tác của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM rồi trở thành một nhà báo uy tín viết về phim, không giấu được sự ngao ngán: “Trên lý thuyết, thì vẫn còn phê bình điện ảnh trên báo chí. Thế nhưng, trên thực tế thì bẽ bàng lắm. Muốn có phê bình điện ảnh trên báo chí, không chỉ cần bản lĩnh của phóng viên mảng này mà còn cần sự chú trọng của ban biên tập mỗi tờ báo. Khi phóng viên không hứng thú và khi tờ báo cũng không khuyến khích, thì không còn cơ hội cho bất kỳ bài phê bình điện ảnh nào xuất hiện trên báo chí. Đành rằng, phóng viên trẻ thì chưa thể viết phê bình điện ảnh, nhưng nếu muốn thì tờ báo có thể đặt hàng để có bài viết ra tấm ra món về một bộ phim nào đó. Nhà sản xuất trả tiền để đưa tin, bài về bộ phim là một thực tế đang diễn ra. Điều này có tác động là giúp công chúng biết được đang có một bộ phim vừa khởi quay hoặc vừa khởi chiếu, nhưng không ai hình dung được bộ phim như thế nào. Nghĩa là, về tác động truyền thông, chỉ mang đến cho độc giả một nửa sự thật về một bộ phim. Một nửa sự thật thì có được như một nửa cái bánh mì đâu. Tôi thấy đau lòng! Khi cái hạn chế của bộ phim bị giấu biệt, thì định hướng thẩm mỹ điện ảnh dành cho khán giả cũng bị triệt tiêu. Tuy nhiên, điều đáng hãi hùng hơn là những bài viết in trên báo do chính ê-kip làm phim cung cấp cho báo chí luôn thổi phồng giá trị nghệ thuật cũng như giá trị tư tưởng của bộ phim theo cách quảng cáo thiếu đạo đức. Nếu tin theo những bài viết ấy để mua vé vào rạp, thì khán giả nếm một quả lừa ngoạn mục”.

Hiện nay, những nhà sản xuất phim đã đưa kinh phí quảng bá vào dự toán làm phim ngay từ khi khởi động dự án điện ảnh, với số tiền từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Do đó, chuyện chi tiền để PR phim đã che mờ phê bình phim đích thực. Bộ phim nào cũng được rao là “đột phá”, là “mới mẻ”, là “siêu phẩm”… khiến công chúng lạc vào mê hồn trận của “hội chợ phù hoa”. Lẽ nào, những tổ chức nghề nghiệp như Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh TP.HCM, Hội Điện ảnh Hà Nội vẫn duy trì Hội đồng Lý luận Phê bình, mà trên báo chí lại khủng hoảng thiếu những nhà phê bình điện ảnh?

May mắn thay, giữa muôn vàn nhà báo viết về điện ảnh mà mơ hồ về điện ảnh, cũng có được một cây bút Lê Hồng Lâm. Gã trai này học báo chí, nhưng tự học hỏi để mở cho riêng mình một cánh cửa bước vào nghề phê bình điện ảnh. Năm nay 41 tuổi, Lê Hồng Lâm đã có ba cuốn sách riêng viết về điện ảnh là “Xem chữ đọc hình”, “Cánh chim trong gió” và “Sự lưỡng nan của tình thế làm người”. Lê Hồng Lâm quan niệm về nghề phê bình điện ảnh trên báo chí: “Câu chuyện điện ảnh mà tôi dẫn độc giả vào, đó không chỉ là câu chuyện về những bộ phim và các nhà làm phim cùng những thành công và thất bại của chúng, những vẻ đẹp và chiều sâu của chúng: đó còn là câu chuyện về xã hội và bản chất con người”. Đồng thời, Lê Hồng Lâm cũng không giấu diếm mơ ước dùng ngòi bút của mình để củng cố tình yêu của công chúng với điện ảnh nước nhà: “Hình như giới trẻ Việt Nam thường có cái nhìn phiến diện, đôi khi hơi mặc cảm về những bộ phim của nước mình. Tuy nhiên, có rất nhiều thước phim giá trị. Nếu không có những công trình tập hợp, khai thác chuyên sâu về nó, tôi sợ rằng khối di sản này sẽ bị vùi lấp”.

Xem thêm
Bộ phim 'Độc đạo' vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Bộ phim ‘Độc đạo’ phát sóng trên VTV3 vào lúc 21h40 thứ 2, 3, 4 hàng tuần thực sự khiến người xem thích thú vì lối thể hiện đề tài hình sự khá mới mẻ.

Neymar lại dính chấn thương

Sức khỏe của tiền đạo người Brazil tiếp tục bị đặt dấu hỏi sau khi chân sút này chỉ thi đấu được đúng 29 phút và bị thay khỏi sân vì đau.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.