| Hotline: 0983.970.780

Ám ảnh cơn bão LINDA cách đây 20 năm

Thứ Hai 30/10/2017 , 07:55 (GMT+7)

Cơn bão Linda năm 1997 đã tràn qua các tỉnh Nam Bộ, khiến 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương; số nhà bị sập là 107.892…; thiệt hại về vật chất ước tính 7.200 tỷ đồng.

Suốt 20 năm qua, những hình ảnh khủng khiếp của cơn bão vẫn gây ám ảnh với những người từng chứng kiến nó. Báo NNVN trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc về sự kiện đau thương này.

hng154630675
Bia tưởng niệm các nạn nhân bão Linda tại Khánh Hội, Cà Mau (Ảnh: T. Hằng)

Linda - cái tên đó đã ám ảnh tôi và chắc cả những đồng nghiệp cùng thời suốt 20 năm qua, nó bắt tôi nhớ như in những hình ảnh, sự lo lắng, sự sợ hãi, sự hồi hộp, sự khắc khoải ngóng chờ, sự thất vọng đến đau đớn và nhớ lắm cái tình người khi đó…

Tôi cũng không quên những câu chuyện, những chuyến đi, những cuộc họp căng thẳng mà tôi tham gia, thậm chí là nòng cốt hay chủ trò những ngày sau bão. Tôi cũng nhớ như mới hôm nào những cú điện thoại từ Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Du, Hòn Tre và từ rải rác các đảo, các bến gọi về ngày cũng như đêm của các anh lãnh đạo sở đi tìm dân tìm tàu suốt tháng ròng.

Tôi cũng không quên được cái buổi thị sát đầu tiên sau bão với tư cách Phái viên Chính phủ do Thủ tướng quyết định. Cái áo gió khoác khi đi bo bo xé nước khắp kênh rạch Cà Mau ngay sau bão bây giờ tôi vẫn còn giữ. Nó giờ cũng tan hoang như cảnh hoang tàn xơ xác của hai bên bờ kênh rạch lúc đó. Cũng cảnh hoang tàn đó mới cho tôi biết mức độ hoành hành dữ dội của Linda ở Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Du, Hòn Rái, Hòn Tre, Hòn Chuối…

Tôi cũng không quên hoạt động đến kiệt sức của các anh bộ đội biên phòng ở các đồn ngoài bến để cứu dân. Cửa Khánh Hội, huyện U Minh Cà Mau, mái tôn của doanh trại bay hết, bão tan, các anh nhặt nhạnh lại từng tấm cong vênh về lợp lại được vài gian trống hoác, nhường cho đồng bào xung quanh vào trú những ngày mưa nắng sau bão, cơm nước cho đồng bào cho đến khi có xong nhà tạm. Gọi là nhà tạm nhưng thực chỉ có dựng lên nhờ mấy cây tràm, mấy mét giấy dầu cấp theo kê khai từng gia đình lúc đó.

Người đời thường nói: Hãy đừng hành động chỉ bằng bản năng hay cảm xúc. Một bản năng đậm nét cá nhân của tôi là trí nhớ. Nhớ làm cho cảm xúc lâu bền trong tôi, và cũng làm tôi khó phai đi sự day dứt vì những cảm xúc đó.

Mấy ngày nữa là đến ngày 2/11, bỗng dưng cảm xúc dâng trào! Không cảm xúc sao được khi cũng ít ngày nữa là Mùng ba tháng mười âm lịch, ngày giỗ chung của gần ba ngàn sinh linh, gần ba ngàn ngư dân của 12 tỉnh thành có thuyền đi đánh cá thời điểm bão qua ở hai ngư trường nhiều cá Đông và Tây Nam Bộ mà trong đó Cà Mau, Kiên Giang, mỗi tỉnh mất đi khoảng ngàn sinh mạng cùng tàu thuyền, lật, tan trên biển và chìm xuống đáy.

Cảm xúc có lẽ giúp ta và bắt ta phải nhớ, phải có trí nhớ tốt hơn! Và trung thực hơn với những gì đã nhớ.

Một chuyến đi Thổ Chu sau bão một tháng. Tôi ra đợt đó cũng là vì đã điện Bộ GT-VT điều xà lan trục lớn từ Vũng Tàu ra Thổ Chu trục vớt những tàu khá to còn chìm, còn nằm im tư thế lật trong bến. Biết có người chết trong đó mà chịu. Cần trục ra và bắt tay ngay vào việc. Trưa đó trục lên, một con tàu lật úp tháng trời còn 4 thi thể bên trong. Muối mặn và nước biển làm cho các thi thể đó vẫn nguyên vẹn, chỉ nhợt nhạt trắng bệch. Tôi nhớ họ nằm ở bên dưới đó cả tháng, trong khi cha mẹ, vợ con đang ở Long Hải (Bà Rịa) khóc họ!

Nhiều chuyện lắm và đau thương cũng lắm lắm. Không những ngư dân và người dân đồng bằng là những người bị nạn, mà còn cả những người nơi khác, ngành khác hy sinh nơi đây khi đang làm nhiệm vụ.

Tàu bè tan vỡ do bão Linda (ảnh tư liệu của Tạ Quang Ngọc)

Tôi nhớ anh Bổng người Nghệ quê tôi, làm quản lý công trình cảng An Thới đang thi công lúc đó. Các anh thuộc Cty 86 - Bộ GT-VT. Một chuyến xà lan chở cọc và vật tư đến công trình khi đi qua Nam Du thì bị bão nhấn chìm. Em ruột anh mất trên đó, đau thương, anh xin làm một bia kỷ niệm người em ngay trên đảo Nam Du. Tôi nghe Năm Gành sau này nói đây là bia tưởng niệm duy nhất.

Bây giờ, dường như quá khứ Linda đã khá xa xăm với 20 năm biến đổi, những vết thương lòng có phần được khỏa lấp, cuộc sống đi biển đã nhộn nhịp, mưu sinh trên biển lại tấp nập và, hơn nữa, cuộc sống những nơi tan hoang năm đó nay đã khá sầm uất, có những khu đô thị mọc thế chỗ những nơi có kỷ niệm đau thương xưa, và hơn nữa, những khu công nghiệp thủy sản náo nhiệt ngày đêm ở những chỗ mới thuộc hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, cùng với những dẫy đầm tôm, ao cá rộng bát ngát.

Cái vui đó dù lớn đến ngày này cũng không khỏa lấp được cái mất, cái đau xưa. Một nén hương lòng, ta cùng thắp cho gần ba ngàn sinh linh đã ra đi năm đó và hướng về tương lai của cộng đồng ven biển, về thế hệ ngư dân mới đang bươn trải trong hiện tại, trên đầy rẫy khó khăn của thời kỳ mới, thời kỳ của thị trường, mở cửa, thời kỳ của cạnh tranh đang còn chưa cân sức. Hy vọng ở họ một tương lai tốt đẹp cho mát lòng thế hệ người xưa đã khuất. (Còn nữa)

Tưởng niệm đồng bào bị tử nạn trong bão Linda

Ngày 2/11 tới đây, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm cho đồng bào bị tử nạn trong cơn bão số 5, có tên là Linda, xảy ra vào năm 1997.

Lễ tưởng niệm chính thức được tổ chức tại xã Khánh Hội (huyện U Minh), với sự tham gia của hàng trăm người, trong đó có những thân nhân của những người bị tử nạn. Đồng thời, 2 địa điểm khác cũng tổ chức lễ tưởng niệm là thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân).

T. LINH

 

(Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản)

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...