Hồ chứa nước Vực Tròn nằm trên địa bàn xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), có dung tích hơn 51 triệu m3 nước, cung cấp và đảm nhận tưới cho khoảng 1.500ha lúa ở những vùng khô hạn của phía bắc huyện Quảng Trạch.
Có lẽ, đây là công trình thủy lợi có tuổi nằm trong tốp cao nhất của địa phương này.
Chúng tôi gặp ông Phạm Xuân Phú, năm nay ông đã gần 80 tuổi, nhưng còn khỏe mạnh. Ông vốn là Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi, nguyên Trưởng ban công trường hồ thủy lợi Vực Tròn lúc bấy giờ.
“Khoảng vào đầu năm 1980, lúc đó còn tỉnh Bình Trị Thiên, công trình thủy lợi lớn nhất khu vực Quảng Bình đã được khởi công. Hàng vạn lượt dân công chủ yếu với công cụ cuốc xẻng đã cùng nhau ngày đêm đào núi, lấy đất chặn dòng sông Loan, xây dựng nên hồ chứa nước Vực Tròn” - ông Phú nhớ lại.
Sức người, sức của đã được huy động. Có thời điểm cao nhất, đã có gần 12.000 người hăng say lao động trên công trường..
Sau 6 năm thi công, vào giữa năm 1986, công trình hồ Vực Tròn hoàn thành trong niềm hân hoan phấn khởi của người dân huyện Quảng Trạch. Vì dung tích hơn 50 triệu m3, nằm trên địa bàn hai xã Quảng Châu và Quảng Hợp, hồ Vực Tròn đã tạo ra bước đột phá thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của huyện Quảng Trạch.
Dẫn nước từ hồ Vực Tròn về có hai tuyến kênh chính. Kênh phía Nam dài 27km, đi qua các xã Quảng Tùng, Quảng Hưng, Quảng Xuân, Quảng Thọ và Quảng Phúc. Tuyến kênh phía bắc dài 15km, từ Quảng Châu đi qua Quảng Minh về Quảng Phú…
Từ kênh chính, những kênh dẫn đã đưa nước về biến những vùng đất khô cằn quanh năm chỉ trồng được sắn, khoai thành những cánh đồng lúa hai vụ, xua đi đói nghèo, cơ cực của hàng vạn người dân vùng hạ du.
Thời điểm này, hồ Vực Tròn đang cung cấp nước tưới cho hơn 1.500ha và mặt nước để nuôi trồng thủy sản.
Dù nằm ở vị trí gần cuối nguồn nước, nhưng người dân xã vùng cát Quảng Xuân luôn được hưởng lợi từ dòng nước mát hồ Vực Tròn. Ông Đậu Minh Hai (xã Quảng Xuân) chia sẻ, vùng ruộng thẳng cánh cò bay của địa phương trước vốn là đồng lúa một vụ bấp bênh nên bà con chỉ trồng khoai.
“Sau khi có nước hồ Vực Tròn, bà con cải tạo ruộng thành cánh đồng hai vụ được mùa liên tiếp. Nơi vùng trũng thấp thì bà con cải tạo thành hồ nuôi cá. Người dân các xã ven quốc lộ về phía biển được ấm no đều nhờ nước từ phía Vực Tròn chảy về”, ông Hai bộc bạch thêm.
Hộ gia đình ông Đậu Văn Thế (xã Quảng Xuân), đã tận dụng vùng ruộng thường bị khô hạn về mùa hè để cải tạo, be bờ, đào ao thả cá. Hai hồ cá rộng của gia đình ông nhờ nước từ hồ Vực Tròn về nên lúc nào cũng đầy ăm ắp. Cá thả lớn nhanh nhờ nguồn nước mát lành.
Vào dịp cận tết, gia đình đóng hồ hút nước để thu hoạch cá. Trung bình mỗi năm, từ phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt mà gia đình có thêm thu nhập hơn trăm triệu đồng", ông Thế hồ hởi nói thêm.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình (đơn vị vận hành, khai thác hồ Vực Tròn), đã áp dụng công nghệ mới vào vận hành khai thác hồ để tăng hiệu quả sử dụng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hồng Quảng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cho hay, ngoài nhiệm vụ tưới tiêu, hồ Vực Tròn cũng đang cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước sạch Quảng Châu, nhà máy nhiệt điện.
Tuy nhiên, với thời gian dài sử dụng và gồng mình hứng chịu nhiều cơn bão lũ tác động nên hồ Vực Tròn đã có những hạng mục xuống cấp, và cũng cần nâng cấp hồ để nâng dung tích sử dụng nhằm khai thác hiệu quả hồ Vực Tròn cho những năm tiếp theo.
Theo ông Trần Hồng Quảng, hiện hồ Vực Tròn đang được lập dự án, thẩm định bản vẽ kỹ thuật để sửa chữa, nâng cấp. Theo thiết kế, hồ Vực Tròn sau khi được nâng cấp dung tích hồ chứa lên hơn 64,4 triệu m3 sẽ cung cấp nước tưới cho 2.050ha và gần 150ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
“Chúng tôi sẽ cung cấp cho Nhà máy nước sạch Quảng Châu công suất 10.000m3/ngày đêm (3,65 triệu m3/năm) và cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, 2 với lưu lượng khai thác 9.600m3/ngày đêm (khoảng 2,6 triệu m3/năm)”, ông Trần Hồng Quảng nói thêm.