| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 31/05/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 31/05/2018

An ninh mạng trong xu thế thông tin toàn cầu

Dự thảo Luật An ninh mạng đã được các đại biểu tranh luận khá sôi nổi, tại diễn đàn kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14. 

Ảnh minh họa

Mọi ý kiến đều tán đồng phải có biện pháp bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, nhưng làm cách nào để hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình thụ hưởng thành tựu công nghệ số lại là một câu chuyện không đơn giản.

Theo cam kết WTO và Hiệp định Thương mại tự do VN - EU, dịch vụ viễn thông toàn cầu không bị hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, không có quy định những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông toàn cầu phải có cơ quan đại diện hoặc văn phòng đại diện tại mỗi quốc gia. Do vậy, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) băn khoăn: “Yêu cầu các cơ quan, tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam theo tôi là khó khả thi, không phù hợp với tình hình thực tiễn, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp và gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam”.

Ngoài ra, điều 24 của dự thảo Luật An ninh mạng cho phép lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được quyền kiểm tra, đánh giá an ninh mạng, bao gồm cả hệ thống thông tin không thuộc danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, tức là bao gồm cả thông tin được lưu trữ, chuyển tải trong hệ thống thông tin. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) lo ngại: “Như vậy, có thể dẫn tới khả năng xảy ra xâm phạm bí mật kinh doanh, bí mật người dùng dịch vụ và các ứng dụng của doanh nghiệp”.

Bảo đảm an ninh mạng không còn là vấn đề riêng của bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia mà có giải pháp khác nhau. Việt Nam chưa hoàn thiện cơ sở kỹ thuật để có thể sản xuất những thiết bị công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Liệu rằng, khi chúng ta đã xây dựng rất nhiều quy định chặt chẽ và nghiêm khắc, thì những thiết bị công nghệ được nhập khẩu có đủ tin cậy tuyệt đối để kiểm tra và giám sát chăng? Không thể chủ quan dựa vào nhiều thủ tục để nảy sinh thêm rào cản cho sự phát triển không gian mạng tại Việt Nam.

Hiện tại, internet đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống dân sinh. Không chỉ tác động đến nhu cầu hàng ngày của công chúng, mà dịch vụ viễn thông toàn cầu còn liên quan mật thiết đến sự tồn tại của ngành thương mại điện tử. Hệ thống lưu trữ trên mạng rất linh hoạt, nên chẳng ai dám chắc cái máy chủ đặt tại Việt Nam sẽ quy tụ những thông tin mà chúng ta cần theo dõi và chi phối. Mặt khác, phải chuẩn bị trước nền tảng kỹ thuật, nếu những ông lớn như Google hoặc Facebook chưa có kế hoạch đặt máy chủ tại Việt Nam, thì chúng ta lấy gì thay thế khi họ rút lui? Ví dụ, Trung Quốc đã có những ứng dụng đẳng cấp như Weibo, Renren, Baidu… để yên tâm khước từ sự có mặt của Google hoặc Facebook!