Áo dài Việt lên phim Việt
Đã có nhiều bộ phim sử dụng áo dài như một phục trang thông thường của nhân vật, nhằm tái hiện bối cảnh của phim. Điển hình như phim “Lều chõng”, “Trò đời”, “Long thành cầm giả ca”…
Nhưng cũng có một số bộ phim lấy áo dài làm câu chuyện chính để các nhân vật trong phim tìm kiếm cuộc đời của chính họ. Đầu tiên phải kể đến phim "Áo lụa Hà Đông" của đạo diễn Lưu Huỳnh, công chiếu vào năm 2006. Phim lấy bối cảnh năm 1954, tại tỉnh Hà Đông, vào thời điểm cuối cuộc chiến chống Pháp. Chiếc áo dài cưới màu trắng theo chân vợ chồng Gù từ Hà Đông vào Hội an định cư. Chiếc áo dài trong phim "Áo lụa Hà Đông" là biểu trưng cho sự hy sinh và tấm lòng rộng lượng của người phụ nữ Việt Nam. Dù ở hoàn cảnh nào, chiếc áo dài vẫn giữ được vẻ đẹp của riêng nó. Giống như phụ nữ Việt, dù ở hoàn cảnh gian khó nào cũng vẫn thanh sạch, đoan trang, chịu thương, chịu khó.
Bộ phim "Áo lụa Hà Đông" được giải thưởng Phim truyện nhựa xuất sắc tại Giải Cánh diều vàng năm 2006.
Sau phim "Áo lụa Hà Đông", phải kể đến bộ phim ngắn “Lý áo dài”, sản xuất năm 2018 thuộc dự án “Cùng con đi khắp thế gian” của công ty Cổ phần Bản tin Truyền thông (Newscomm). Đây là dự án du lịch giáo dục dành cho trẻ tự kỷ.
Nội dung phim “Lý áo dài” là hành trình nuôi dạy con của mẹ Yến và cậu con trai mắc chứng tự kỷ. Sau một lần đi sửa áo dài, cô tiểu thư Yến kết duyên với anh thợ may tên Tuấn. Mối duyên này không được cha mẹ Yến ủng hộ. Vợ chồng Yến có cuộc sống bình thường nhưng hạnh phúc. Nhưng không may, khi mang thai, Yến bị tai nạn. Đứa bé sinh ra không bình thường. Lý - con trai Yến là một trẻ tự kỉ, không được đón nhận ở trường. Yến đành tự mình nuôi dạy con, đồng hành cùng con.
Chủ nhiệm dự án “Cùng con đi khắp thế gian”, bà Trương Ngọc Minh Đăng từng chia sẻ tại ngày công chiếu bộ phim này: Với mong muốn mang hình ảnh những bà mẹ Việt Nam can trường ra thế giới, tôi chọn hình ảnh áo dài làm nền tảng của câu chuyện. Cũng xuất phát từ ý tưởng 2 bộ áo dài sản xuất riêng cho phim, nhà thiết kế Nguyễn Thu hòa - chủ nhân thương hiệu Shy by Hòa Nguyễn, đã lên ý tưởng cho bộ áo dài trắng với họa tiết chim và hoa mai trên nền lụa và voan, để tôn lên khí chất của người phụ nữ Việt Nam hết lòng vì con, làm chỗ dựa cho con.
Đến năm 2017, áo dài chính thức vào phim với tư cách là “một số phận” của riêng nó trong “Cô Ba Sài Gòn” của đạo diễn Ngô Thanh Vân.
Với các diễn viên đình đám của Sài Gòn hiện đại, kết hợp với trang phục áo dài của nhiều thập niên, một Sài Gòn năng động mà duyên dáng được tái hiện đầy đủ trong phim.
Nhân vật chính của phim là Như Ý - một cô gái trẻ có cá tính mạnh mẽ, nông nổi và hiếu thắng. Như Ý đối đầu với mẹ của mình là một thợ may áo dài nức tiếng Sài Gòn, về việc “đổi mới áo dài” - sản phẩm chủ lực của tiệm may Thanh Nữ có đến 9 đời may áo dài. Thế rồi, cuộc xuyên không về tương lai của Như Ý trẻ, để gặp một Như Ý già với bối cảnh gia sản hoang tàn, cơ nghiệp phân tán. Rồi chính cuộc cuộc tranh đua cùng Hellen đã đưa Như Ý quay về với gia đình, quyết tâm dựng lại tiệm may Thanh Nữ. Cô học may áo dài truyền thống để tạo ra bộ sưu tập áo dài theo phong cách thập niên 60 đẹp đẽ và đầy ấn tượng. Buổi trình diễn thành công cũng là lúc Như Ý tìm lại được chính mình và tình yêu với gia đình, với áo dài truyền thống.
"Cô Ba Sài Gòn" đã đạt giải thưởng Phim xuất sắc tại Cánh diều vàng 2017 hạng mục điện ảnh và nhiều giải thưởng khác tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế.
Bộ phim đã gây hiệu ứng mạnh mẽ trong lòng công chúng, nhất là về sức lan tỏa của việc ứng dụng trang phục áo dài trong đời sống hàng ngày. Một lần nữa, trang phục áo dài thập niên 1960 quay trở lại sàn diễn thời trang, trở thành một trào lưu trong giới trẻ. Quan trọng hơn, bộ phim đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, người phụ nữ Việt Nam ra thế giới.
“Xác định lại truyền thống và tôn vinh áo dài”…
Đây là điểm mới tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 diễn ra tháng 11/2021 tại TP Huế.
Trong khuôn khổ Liên hoan phim có 2 sự kiện liên quan đến áo dài được tổ chức, gồm Lễ hội áo dài & Điện ảnh và chương trình Người Huế & Áo dài.
Đêm hội Lễ hội áo dài & Điện ảnh, công chúng được thưởng thức các bộ sưu tập mang dấu ấn của các nhà thiết kế ở 3 miền Bắc – Trung – Nam. Câu chuyện về lịch sử hình thành và phát triển của chiếc áo dài Huế, áo dài Việt cùng quá trình phục hưng áo dài để cụ thể hóa giấc mơ “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” được thể hiện bằng các bộ sưu tập áo dài duyên dáng, đậm chất điện ảnh.
Với hình ảnh tà áo dài truyền thống trong những bộ phim, đã minh chứng rõ nét cho dấu ấn văn hoá Việt trong điện ảnh, với những giải thưởng và sự ghi nhận của khán giả. Phim Việt không chỉ cố gắng mang những nét đẹp đặc trưng của Việt Nam lên màn ảnh rộng thông qua bối cảnh, âm nhạc, phục trang mà còn từ chính những thông điệp về văn hoá mà phim truyền tải.
Có khá nhiều dự án phim Việt đã và đang tập trung sử dụng chất liệu văn hóa dân tộc, từ các tác phẩm văn học, văn hóa dân gian, dần định hình một dòng phim mới, mang những nét đẹp đặc trưng của Việt Nam lên màn ảnh rộng. Đây là một tín hiệu vui, bởi thông qua điện ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc sẽ chạm nhiều hơn đến giới trẻ, vốn là đối tượng khán giả chủ yếu.
Sự mạnh dạn của các nhà làm phim, khi liên tiếp đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào điện ảnh, đưa ra rạp chiếu chứ không chỉ làm phim tuyên truyền cất kho, đã cho thấy, vốn văn hóa này đang được nhìn nhận, khai thác và trở thành kho vàng có giá trị lớn.
Như vậy, thông qua Liên hoan phim lần thứ 22 tại Huế, một lần nữa thông điệp được nhấn mạnh là: “ Xác định lại truyền thống và tôn vinh áo dài” nhằm quảng bá di sản và áo dài truyền thống với bạn bè quốc tế. Đây được đánh giá là sự kiện văn hoá nghệ thuật quốc gia để chào mừng “ Hội nghị văn hoá toàn quốc” diễn ra vào ngày 24/11 tại thủ đô Hà Nội.
Ở góc độ văn hóa, đây còn là một cách bảo lưu và quảng bá những giá trị nghệ thuật xưa đến với khán giả trong và ngoài nước. Sự kết hợp giữa áo dài và điện ảnh sẽ là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hoá trong thời gian tới.