Tại TP Cần Thơ vừa diễn ra hội thảo “Phổ biến rào cản kỹ thuật để triển khai Hiệp định EVFTA đối với ngành hàng thủy sản”, do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức.
Đại diện các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản ở vùng ĐBSCL có dịp tiếp xúc, trao đổi với đại diện cơ quan thương mại một số nước Đông Âu để tiếp cận thị trường. Đặc biệt là sản phẩm chế biến thủy sản vùng ĐBSCL đạt chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) nhắm vào thị trường nhập khẩu thủy sản từ Ba Lan.
Ông Piotr Harasimowicz – Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và thương mại Ba Lan cho biết: Theo những nghiên cứu thị trường tiêu dùng mới nhất của The Seafood Consumer Index, trung bình 64% người tiêu dùng Ba Lan đang ăn cá và hải sản ít nhất một lần một tuần và 28% người Ba Lan ăn cá hai lần trở lên trong một tuần. Cá là sự lựa chọn chính vì có nhiều giá trị dinh dưỡng, các loại axit béo Omega-3, Vitamine D, selen, i-ốt và cung cấp nguồn chất đạm hoàn hảo. Hơn nữa người Ba Lan ưa chuộng hương vị của cá, họ có thể chế biến theo nhiều cách.
Theo ông Piotr Harasimowicz, tại Ba Lan, thực phẩm cá và hải sản rất phổ biến và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Hiện có hơn 76% người Ba Lan độ tuổi 20-34 cho biết muốn ăn nhiều cá và hải sản và nhóm người độ tuổi 35-49 thì tỷ lệ là 86%. Các cửa hàng và siêu thị là những địa điểm cung cấp nguồn hàng lớn nhất. Trong khi đó các cửa hàng địa phương, khu chợ nhỏ lẻ thường chỉ bán cá đông lạnh. Có 51% người Ba Lan lựa chọn sản phẩm cá tươi và khoảng 50% ưa chuộng cá hun khói. Tuy nhiên trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19 nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có hạn sử dụng dài hơn, như sản phẩm đông lạnh, cá đóng hộp.
Các chuyên gia Châu Âu đánh giá, hàng thủy sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường EU. Hiện các DN Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng EU.
Trong khi đó các chuyên gia ngành thủy sản cho biết, trong thời gian qua kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Ba Lan tăng mạnh và có khả năng tiếp tục gia tăng hơn nữa. Tuy nhiên các chuyên gia lưu ý, sự cạnh tranh thị trường với mức giá hợp lý của các mặt hàng đảm bảo chất lượng và ATTP là yếu tố quyết định, các DN trong ngành thủy sản Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác thị trường này.
Từ đầu năm 2020 đến nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Ba lan đạt khoảng 50 triệu USD, tăng 26% so cùng kỳ năm 2019. Cục Đầu tư và thương mại Ba Lan cho biết, sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu của các DN Việt Nam đầu tư kinh doanh vào Ba Lan.