Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI ) chi nhánh Cần Thơ vừa tổ chức chương trình chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và hội thảo với chủ đề “Bản lĩnh doanh nhân ÐBSCL ứng phó, phục hồi, phát triển trong và sau đại dịch COVID-19”. Ðây là hoạt động thường niên của VCCI Cần Thơ nhằm tôn vinh những doanh nghiệp, doanh nhân có sự đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực ÐBSCL và cả nước.
Theo kết quả khảo sát do VCCI thực hiện vào tháng 7/2020, do ảnh hưởng Covid-19, lượng đơn hàng mới giảm 80,7%, tổng doanh thu giảm 77,8%, lượng mua nguyên vật liệu đầu vào giảm 61,6%, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị giảm 61,1%. Ngoài ra, số lượng công nhân tại DN giảm đến 47% và chỉ có khoảng một nửa DN bảo đảm được công việc ổn định cho người lao động. Tuy có những hỗ trợ từ Nhà nước về chính sách, lãi vay, nhưng sự chủ động của doanh nghiệp với nhiệm vụ kép vẫn là thước đo hiệu quả cho năng lực vận hành. Nếu như ngành thương mại, dịch vụ, du lịch bị tác động ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì ngành chế biến nông, thủy sản vốn là thế mạnh của ĐBSCL cũng chỉ cầm cự được trong thời gian đầu. Sau đó các thị trường tiêu thụ chủ lực như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông... đều giảm đơn hàng đáng kể. Cụ thể, sản phẩm trái cây giảm 21,4%; cá tra giảm 39,1%; tôm giảm 14,5%...
Tuy nhiên trong gian khó vẫn có nhiều DN bản lĩnh tạo được mức tăng trưởng đáng kể. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhận xét: Hiện đã có những ngoại lệ, đơn cử những ngành sử dụng nguyên liệu nội địa như chế biến nông lâm thủy sản tiếp tục sản xuất, xuất khẩu tăng tốc, bắt đầu có tín hiệu thay đổi rất tích cực. Nhiều DN ở ĐBSCL bình tĩnh thích ứng, chủ động vượt khó. Trong đó nổi bật hoạt động sản xuất nông nghiệp được xem là đòn bẩy kinh tế trong đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, từ mốc thời gian 1/8/2020, hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực được xem là động lực mới. Nhờ thuế suất gạo Việt Nam vào EU giảm về 0%, có DN ký hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn gạo đi Châu Âu. Đây là cơ hội rất tốt, vì lâu nay gạo nước ta muốn vào Châu Âu, các nhà nhập khẩu phải chịu mức thuế từ 5-45%.
Ông Lam so sánh: Trong khi trước đó, vào đầu quý II/2020, thời điểm dịch bệnh diễn ra gay gắt, có 50% DN trả lời duy trì không quá 6 tháng, 80% không quá 1 năm. Thế nhưng đến cuối quý III vừa qua, có 80% DN cho biết tiếp tục duy trì, thậm chí 18% tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ðiều này cho thấy bản lĩnh kiên cường, chủ động thích ứng của doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh thị trường biến động. DN khu vực ĐBSCL luôn là lực lượng quan trọng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết, về ảnh hưởng đối với người nuôi tôm thì không nhiều vì nước ta kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt. Hồi đầu năm Minh Phú gặp khó trong vấn đề tồn kho, do vẫn duy trì sản xuất để công nhân có công ăn việc làm, trong khi tiêu thụ hàng ở những kênh tiêu thụ truyền thống như nhà hàng, khách sạn và khu du lịch lại giảm mạnh. Tuy nhiên trong quý II và quý III tình hình dần ổn định, tiêu thụ tương đối khởi sắc trở lại. Kênh tiêu thụ online lại bán tốt, số lượng hàng tiêu thụ tăng, thuận lợi hơn.