Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên những năm qua tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, hoạt động vì người nghèo.
Đặc biệt, từ khi chuyển đổi tiếp cận đo lường hộ nghèo theo hướng đa chiều, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều chương trình giảm nghèo theo từng giai đoạn với các giải pháp phù hợp với thực tế.
Kết quả đáng ghi nhận nhất đó là tỷ lệ giảm nghèo của giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trước một năm. Cụ thể là chỉ mới 4 năm trong lộ trình thực hiện cả giai đoạn nhưng tỉnh Bạc Liêu đã giảm được gần 27.800 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,38% trên tổng số hơn 900.000 dân.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đánh giá, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã triển khai thực hiện ở tỉnh Bạc Liêu được hơn nửa chặng đường. Qua 3 năm kiên trì bám sát mục tiêu giảm nghèo đa chiều cho hơn 7.000 hộ dân, cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc với quyết tâm không để ai ở lại phía sau.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu là đơn vị nòng cốt trong việc xây dựng cụ thể hóa các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 bằng cách chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang chiều sâu. Trong đó tập trung triển khai đồng bộ các dự án bảo đảm 3 yếu tố đa chiều, bao trùm và bền vững. Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư trực tiếp vào con người, nâng cao năng lực người nghèo. Đồng thời xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ và triệt để những vấn đề của người nghèo.
Bà Trần Yến Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết: Đối tượng ưu tiên của chương trình giảm nghèo là những gia đình yếu thế, gia đình có công với cách mạng và đồng bào dân tộc Khmer. Tùy theo từng đối tượng mà cách thức giúp đỡ thoát nghèo sẽ khác nhau. Quan điểm thiếu hụt ở tiêu chí nào thì hỗ trợ và tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận tiêu chí đó, xác định nguyên nhân thiếu hụt lại rất quan trọng.
Cụ thể, qua khảo sát phần lớn hộ nghèo ở xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu là người Khmer. Đối tượng này đều thiếu hụt về tiêu chí thu nhập. Vì vậy, việc tạo sinh kế cho họ làm ăn được xem như giải pháp căn cơ, nhưng với xuất phát điểm thấp thì sinh kế nào là phù hợp với năng lực của từng đối tượng lại là vấn đề cần được nhìn nhận. Thông qua nhiều buổi tuyên truyền, hướng dẫn cách thức làm ăn nâng cao được nhận thức của người nghèo trong việc phấn đấu thoát nghèo.
Cô Trần Thị Xuân Đào, giáo viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu từng phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu tổ chức các lớp tập huấn về mô hình trồng rẫy cho hộ nghèo chia sẻ: Dạy cách làm ăn không đơn giản là những buổi học lý thuyết trên lớp mà còn là việc "mục sở thị" cho người nghèo thông qua việc cán bộ ấp, xã làm gương trong việc áp dụng kiến thức trên lớp vào thực tiễn ruộng vườn; hỗ trợ kiến thức, giải ngân vốn cho những hộ đã tham gia các lớp tập huấn. Theo đó nhiều hộ đồng bào Khmer trong xã đã thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ kép của chương trình.
Ông Thạch Sanh (ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu) được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn để cải tạo đất rẫy quanh nhà trồng rau màu, sau gần 2 tháng gieo trồng và chăm sóc đến nay đã được thu hoạch. Ông Thạch Sanh áp dụng kỹ thuật trồng xen canh các loại rau trên cùng một diện tích nên cứ thu hoạch xoay vòng. Hiện nay mỗi ngày ông thu hoạch từ 50 - 200kg rau màu các loại, với giá bán dao động từ 17.000 đồng cho đến 20.000 đồng tùy theo loại, nhờ vậy gia đình thu nhập ổn định.
Tỉnh Bạc Liêu đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn dưới 1%. Cụ thể khu vực nông thôn tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 2%, khu vực thành thị giảm dưới 1%. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 1%, không có hộ nghèo là người có công với cách mạng.
Giảm nghèo bền vững trong tình hình mới được cụ thể hóa bằng tinh thần Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy với mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.