Trong đó, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo theo mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn, liên kết “4 nhà” đã đạt được nhiều kết quả, giúp nhà nông tỉnh này mở ra hướng sản xuất bền vững.
Lợi ích từ cánh đồng lớn
Xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) với tổng diện tích đạt 100.000ha là mục tiêu được đề cập tại Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Việc xây dựng CĐL gắn với bao tiêu sản phẩm đóng một vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu tái cơ cấu và hướng đến sản xuất hàng hóa lớn.
Các đại biểu tham quan khu trồng lúa thí nghiệm của trung tâm giống nông nghiệp Bạc Liêu. |
Để thực hiện mô hình CĐL, từ năm 2012 - 2019, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch và tổ chức tốt sản xuất. Đến nay, vùng ngọt của tỉnh đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với tổng diện tích hơn 62.260ha, gieo trồng 2 - 3 vụ lúa/năm.
Cùng với xây dựng CĐL, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân trồng những giống lúa chất lượng cao (chiếm gần 80% diện tích gieo trồng) theo nhu cầu của thị trường như: OM 4900, OM 5451, OM 2517, Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, Lộc Trời 18… Ngoài ra, tùy theo điều kiệm đặc thù của địa phương mà phát triển thêm các giống lúa đặc sản như: Một bụi đỏ Hồng Dân, Tài nguyên Vĩnh Lợi…
Từ việc mở rộng vùng sản xuất hàng hóa và không ngừng đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất như: chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, IPM, mô hình canh tác lúa thông minh - SRI… đã giúp nông dân trong tỉnh mỗi năm đạt hơn 1,12 triệu tấn lúa hàng hóa.
Theo nông dân Nguyễn Văn Nhàn (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân): “Tham gia mô hình CĐL mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân. Đó là thuận lợi trong việc xuống giống đồng loạt, chủ động về thủy lợi, phòng chống dịch bệnh, thu hoạch tập trung và lợi nhuận tăng cao hơn so với sản xuất truyền thống”.
Cũng từ việc xây dựng CĐL gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm đã có nhiều mô hình hiệu quả. Cụ thể như mô hình CĐL của Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân (Tập đoàn Lộc Trời) liên kết sản xuất với nông dân. Giá thành sản xuất của mô hình CĐL của Tập đoàn Lộc Trời giảm (so với sản xuất ngoài CĐL) khoảng 300 đồng/kg lúa, lợi nhuận tăng thêm hơn 2 triệu đồng/ha.
Cần đổi mới
Tuy có nhiều lợi ích nhưng cũng phải thừa nhận rằng, qua gần 8 năm thực hiện, mô hình CĐL phát triển khá chậm và chưa tạo được những đột phá lớn trong sản xuất, nâng cao giá trị của hạt lúa. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh chỉ xây dựng 26 CĐL với tổng diện tích gieo trồng 50.000ha.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu cùng người dân thăm ruộng lúa trong cánh đồng lớn. |
Trong đó, hình thức hợp đồng bao tiêu theo chuỗi (liên kết khép kín) chỉ chiếm 50% diện tích gieo trồng, nghĩa là chỉ chiếm khoảng 25.000ha. Theo thống kê về bao tiêu lúa gạo của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) những năm gần đây, sản lượng lúa được bao tiêu chỉ chiếm khoảng 26%/tổng sản lượng, còn lại hơn 70% sản lượng lúa nông dân phải tự tìm đầu ra. Điều đó đồng nghĩa với việc nông dân không thể định giá sản phẩm và bị chi phối bởi thị trường, thương lái và không nắm chắc được lợi nhuận.
Tồn tại bất cập trên là do các địa phương chưa xây dựng các mô hình hay để khuyến khích nông dân tham gia CĐL, cũng như chưa thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết hợp tác với nông dân. Trong đó, vai trò của các tổ hợp tác, HTX chưa được phát huy và gắn kết với nông dân, chưa đặt hiệu quả kinh tế làm động lực để khuyến khích các thành viên góp vốn mở rộng diện tích, còn thành lập theo kiểu rập khuôn (cứ một HTX gắn với một CĐL, thay vì 1 HTX nhưng quản lý và xây dựng nhiều CĐL).
Việc liên kết sản xuất và bao tiêu lúa gạo thời gian qua cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế như: doanh nghiệp và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung; còn xuất hiện tình trạng “bẻ kèo” khi giá lúa biến động; lợi dụng liên kết với nông dân để cung ứng, tiêu thụ vật tư nông nghiệp kém chất lượng theo kiểu “triệt buộc”; thiếu những chính sách khuyến khích, nhân rộng mô hình CĐL và bao tiêu sản phẩm, nhất là các chính sách ưu đãi về tín dụng…
Theo kiến nghị của các HTX, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và HTX tích cực tham gia liên kết sản xuất với nông dân, Bạc Liêu cần có chính sách ưu đãi về tín dụng như: tăng hạn mức cho vay, cho vay tín chấp, hỗ trợ lãi suất và cho vay theo bản hợp đồng đã ký kết với nông dân.
Theo ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình): “Thiết nghĩ, ngoài hỗ trợ và ưu đãi về tín dụng, ngành Nông nghiệp cần hỗ trợ các HTX về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại. Đặc biệt là xây dựng và hình thành chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, tiêu thụ và tiêu dùng”.
Hướng đến sản xuất bền vững
Từ nay đến năm 2020, Bạc Liêu sẽ xây dựng thêm 10 CĐL với diện tích liên kết bao tiêu 26.000ha, nâng tổng số CĐL của tỉnh lên 36 cánh đồng với diện tích 76.000ha, góp phần thực hiện hoàn thành chỉ tiêu của Nghị quyết Đảng bộ (lần thứ XV). Nếu có điều kiện sẽ tiếp tục phấn đấu xây dựng 60 CĐL với diện tích 100.000ha theo mục tiêu Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Tỉnh ủy (khóa XV) đã đề ra.
Nông dân thu hoạch lúa. |
Ông Lưu Hoàng Ly – Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết: "Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao và sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên sản xuất các giống lúa thơm chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng như: Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, RVT, OM 5451, OM 7347, DS 1, Lộc Trời 1, Lộc Trời 18, ST 20, ST 24… Đồng thời, duy trì phát triển lúa mùa đặc sản địa phương như Tài nguyên, Một bụi đỏ...
Thường xuyên tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết; nhân rộng mô hình liên kết theo chuỗi ở những nơi có điều kiện và phát huy vai trò của các doanh nghiệp, HTX”.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận và tạo ra sản phẩm chất lượng, cạnh tranh cao cũng được đề cập. Trong đó, khuyến khích nông dân áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất nhằm tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
UBND tỉnh và các ngành chức năng sẽ tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất; khai thông đồng vốn đầu tư từ các tổ chức tín dụng; ưu đãi vốn, lãi suất cho các doanh nghiệp, HTX thực hiện liên kết sản xuất với nông dân. Thành lập và phát triển các hình thức liên kết hợp tác, HTX gắn với củng cố, nâng chất các tổ hợp tác, HTX hoạt động yếu kém và kịp thời có các giải pháp hỗ trợ.