Đó là trang trại dê thuộc loại lớn của anh Nguyễn Ngọc Thanh, sinh năm 1986, ở bon Bu B’dơng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Trang trại của anh Thanh rộng gần 5ha, tọa lạc trên một sườn đồi cao, trồng 3 loại cây chủ lực là cà phê, tiêu và sầu riêng. Ngoài ra, anh xen nhiều loại cây ăn trái như bơ, mít, tại những khoảnh đất trống, dọc bờ ranh đất, anh trồng chuối làm hàng rào.
Anh Thanh cho biết, gia đình anh lên vùng đất Đắk Som từ năm 2014. Trước đó, ở quê Định Quán, Đồng Nai, gia đình anh cũng chủ yếu sống bằng nghề nuôi dê. Khi lên Đắk Som lập nghiệp, anh thấy đất bazan rất màu mỡ, thời tiết, khí hậu rất phù hợp cho tiêu, cà phê, sầu riêng phát triển. Vì thế, anh đầu tư trồng mấy loại cây này.
“Thời điểm 5-7 năm trước, cả hồ tiêu và cà phê đều rớt giá thê thảm. Ngoài vườn tôi trồng xen nhiều mít thái, còn dọc bờ rào thì trồng thêm chuối, nhưng đầu ra rất bấp bênh. Tôi nghĩ nhiều, thấy vùng này thời điểm đó gần như chưa có mấy người nuôi dê, tôi từng nhiều năm nuôi dê, có kinh nghiệm, cả đầu ra cũng sẵn, trong khi nguồn thức ăn cho dê như lá trụ tiêu, cỏ, mít, chuối, rất dồi dào, nên quyết định đầu tư mấy dãy chuồng nuôi dê giống Boer lai Bách thảo”.
Kể từ năm 2015, anh Thanh bắt đầu nuôi dê, ban đầu là 50 con, sau đó tự nuôi dê sinh sản và nhân đàn. Và anh chỉ duy trì đàn dê trên dưới 200 con, vì anh muốn “ăn chắc mặc bền”, đàn dê chỉ là một phần trong mô hình trang trại, vì anh còn phải dành thời gian, công sức cho vườn cây, nên không dám nuôi nhiều hơn.
“Hiện nay, tôi duy trì 3 dê đực giống, 40 dê sinh sản, và khoảng 150-160 dê thành phẩm, dê con bán giống. Bình quân mỗi năm thu nhập thêm từ đàn dê khoảng 150-200 triệu, sau khi trừ chi phí”, anh Thanh nói.
Điểm khác biệt trong cách nuôi dê của anh Thanh so với các trang trại khác, là đàn dê chủ yếu ăn trái cây gồm mít, chuối, bơ và cỏ ngọt trong vườn nhà. Ảnh: Hồng Thủy.
Về cách nuôi dê, hiện cơ bản là có hai cách. Cách 1 là nuôi thả, cho dê tự kiếm ăn ngoài vườn, ngoài rừng, cách này ít khả thi, vì ngoài tốn ít nhất một người toàn thời gian ra, còn phải có không gian như đồng cỏ, rừng cây, số lượng nuôi thả cũng không thể quá đông, vì 1 người khó quản. Cách thứ 2 là nuôi nhốt chuồng toàn thời gian, cho ăn cám, ăn thêm cỏ, cách này nhàn hơn, nhưng chi phí cao, vì phải mua cám, mua cỏ, hoặc 1 người phải đi cắt cỏ.
"Riêng tôi nuôi bán thả, tức là nhốt chuồng, lâu lâu thả, lùa chúng ra vườn, sườn đồi trống gần đây cho chạy nhảy. Về chuồng thì ăn cỏ và trái cây có sẵn ngoài vườn. Chỉ dê mẹ mới sinh thì tôi cho ăn cám gạo, bắp để có sữa cho con bú, sau khi đủ thời gian tách mẹ, tôi không cho ăn cám nữa, chỉ có cỏ, lá và trái cây”, anh Thanh cho biết.
Nhờ cách nuôi khá độc đáo, vừa nhốt, vừa thả, thức ăn thuần tự nhiên, dê thành phẩm của anh Thanh đạt chất lượng cao, thịt thơm, ngọt hơn các trại khác, nên rất nhanh được thương lái biết đến. Mỗi khi dê đủ tuổi xuất chuồng, anh chỉ cần gọi điện thoại là thương lái đến lấy hết. Giá cũng luôn nhỉnh hơn thị trường tại thời điểm xuất.
Anh Thanh cho biết, hiện dê thành phẩm ngoài thị trường có giá từ 105.000 - 110.000 đồng/kg hơi (dê đực), dê cái từ 85.000 - 90.000 đồng/kg. Còn dê của anh được mua với giá cao hơn từ 5.000 -10.000/kg.
Anh Thanh cho biết, nhiều trang trại dê đầu tư tiền tỷ, nuôi quy mô lớn thì lời thấp, thậm chí nếu đầu ra bấp bênh là lỗ. Riêng anh có nhiều lợi thế như lấy công làm lời, quy mô vừa phải, chi phí đầu vào ít do nguồn thức ăn có sẵn trong vườn nhà, nên anh vẫn lời khá. Sau khi trừ chi phí, anh còn lãi từ 50-60%. Ví dụ 1kg dê có giá 120.000 đồng, anh lời từ 60.000 - 70.000 đồng.
Ngoài thu nhập từ bán dê thành phẩm, dê giống, anh Thanh còn có nguồn phân khá lớn. Phân dê sau khi thu gom, được anh trộn, ủ men vi sinh làm phân hữu cơ bón cho vườn cây.
“Từ khi nuôi dê, vườn cây cũng giảm kha khá chi phí cho phân bón, tôi chưa ngồi tính cụ thể, nhưng mỗi năm ước cũng tiết kiệm được cả mấy chục triệu chứ không ít. Ngoài ra, tôi còn nắm được quy trình ủ phân để canh tác hướng hữu cơ cho cây tiêu, cà phê”, anh Thanh nói.
“Đây là một trong những mô hình chăn nuôi dê lâu năm nhất và khá thành công ở Đắk Glong. Anh Thanh thành công nhờ cách nghĩ, cách làm độc đáo, sáng tạo. Đầu tư mô hình nuôi dê thời điểm giá nông sản xuống thấp để bù lại. Trong khi các loại trái cây bán rẻ như cho thì anh tận dụng làm thức ăn cho dê để tiết kiệm chi phí, nhờ vậy mà nông sản dù giá thấp vẫn có giá trị. Không chỉ thế, dê thành phẩm cũng cho chất lượng cao hơn. Đây là một mô hình rất tốt”, ông Lê Khắc Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Glong thông tin.