Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam sinh năm 1961 tại Hà Nội. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam có học hàm Phó Giáo sư và học vị Tiến sĩ y khoa. Hơn nữa, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam không chỉ là Chủ tịch Hội Tĩnh mạch TP.HCM mà còn là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.
Ngoài giảng dạy đại học và nghiên cứu chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam rất đam mê viết lách. Bên cạnh những cuốn sách rất được công chúng yêu thích vì liên quan trực tiếp đến lĩnh vực y tế như “Viết từ bệnh viện”, “Câu chuyện y khoa” hoặc “Phẫu thuật nội soi lồng ngực”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam còn có một số tác phẩm văn chương như “Nửa đêm xuống phố”, “Những linh hồn sau cánh cửa”...
Những ngày cuối năm 2022, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam lại ra mắt cuốn sách “Chuyện tình cuối mùa đông” do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Với 200 trang in, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam giới thiệu đến bạn đọc cả thảy 29 tùy bút nhiều mơ mộng của mình.
Với sở trường ẩn thân gần cả đời ở bệnh viện, thì bác sĩ Nguyễn Hoài Nam viết “Nhật ký một ngày của bác sĩ” hoặc “Ba giờ trong phòng cấp cứu” có sâu sắc và có xúc động thì cũng dễ hiểu. Thế nhưng, khi bác sĩ Nguyễn Hoài Nam viết “Bên kia dốc núi”, “Cô đơn xuống phố” hoặc “Chuyện ở ốc đêm”, “Lặng lẽ đông về trên góc phố” thì ông đích thực một nhà văn.
Bác sĩ – nhà văn Nguyễn Hoài Nam giàu trải nghiệm và nhiều quan sát. Cho nên, những câu chuyện được ông ghi chép lại trên con đường đã đi qua, cũng bật ra nhiều tình tiết thú vị và xao xuyến. Đọc tùy bút “Mưa trái mùa” hoặc “Sám hối”, độc giả phát hiện một Nguyễn Hoài Nam lắm giăng mắc và lắm đa đoan. Người đã gặp ngẫu nhiên, việc đã thấy tình cờ, vẫn khiến ông nôn nao suy tư và day dứt.
Là người thường xuyên chứng kiến những cuộc đời đứng trước lằn ranh sinh tử, nhưng bác sĩ – nhà văn Nguyễn Hoài Nam lại chiêm nghiệm sâu sắc hơn ở chất lượng sống của những số phận tận tụy. Trong trang văn của ông, có những khoảnh khắc phải níu kéo vào vĩnh cửu, có những nhớ nhung phải lưu trữ vào ký ức, có những muộn màng phải ôm ấp vào trái tim.
Dường như với bác sĩ – nhà văn Nguyễn Hoài Nam, không có thứ gì trên thế gian là vô nghĩa, mỗi sự vật và mỗi nhân vật đều cần được xuất hiện ở từng thời điểm nhất định, như một vết xước, như một ẩn dụ, như một phép thử, như một định mệnh... để giúp ông nhận diện chính mình thật chân thành và thật bao dung.
Có dịp đi nhiều nơi trong nước và quốc tế, bác sĩ – nhà văn Nguyễn Hoài Nam có cách nhìn và cách nghĩ của riêng ông về từng địa danh. Những tùy bút “Phú Quốc mùa gió nồm”, “Sa Pa những ngày đầu đông” hay “Ai lên xứ Lạng cùng anh” không khám phá vẻ đẹp thiên nhiên bằng bước chân nhàn hạ của du khách, mà giống như những lời tỉ tê cùng bạn đường giấu mặt và ân cần.
Tương tự, các tùy bút “Chiều mưa Brunei”, “Đêm trên đỉnh Nga My” hoặc “Thu vàng Bắc Kinh” lại cho thấy một bác sĩ – nhà văn Nguyễn Hoài Nam tinh tế và không kém hóm hỉnh. Ông dắt người đọc khám phá cùng mình vào một không gian tương tác văn hóa và văn minh bằng ý thức tự truy vấn, tự khẳng định đi một ngày đàng học một sàng khôn.
Đọc cuốn sách “Chuyện tình cuối mùa đông”, chợt hiểu thêm một điều đơn giản, chuyên gia phẫu thuật lồng ngực và tim mạch như bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cũng có lúc đem trái tim mình ra giữa thị phi mưa nắng để đắm đuối làm kẻ lãng mạn trên trang giấy ngổn ngang chữ nghĩa./.