Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam năm nay 60 tuổi, có học hàm Phó Giáo sư và Học vị Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam không chỉ là Chủ tịch Hội tim mạch học TP.HCM, mà còn là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Ông đã từng xuất bản các cuốn sách “Viết từ bệnh viện”, “Câu chuyện Y khoa”, “Những linh hồn sau cánh cửa”, “Trái tim phiền muộn”…
Mời bạn đọc cùng chia sẻ “Nhật ký bệnh viện mùa Covid-19” của bác sĩ Nguyễn Hoài Nam.
4 giờ sáng
Tiếng chuông điện thoại vang lên réo rắt, định không nghe. Nhưng theo phản xạ tới hồi chuông thứ hai tôi với tay lấy chiếc máy điện thoại di động ở đầu giường. Có nhiều người nói với tôi: Bác sỹ lớn tuổi rồi, công việc trong bệnh viện gồm cả công và tư đều có nhân viên thuộc quyền lo rồi còn gì. Nên tắt bớt điện thoại đi để nghỉ ngơi còn giữ gìn sức khỏe mà sống và lo cho người bệnh lâu dài nữa chứ. Nhưng chúng ta đã biết đấy vào ngành y đâu phải là đề nghỉ ngơi, đâu phải để có vinh hoa phú quý. Đã mấy chục năm rồi tôi vẫn nhớ những câu thơ của nhà thơ theo trường phái lãng mạn cách mạng: “Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa”… Vâng, theo ngành y là phải hy sinh dữ lắm, ai sợ hy sinh gian khổ là không theo được đâu, thầy của tôi một giáo sư nổi tiếng trong ngành phẫu thuật tim mạch đã nói vậy với tôi và các học trò của ông.
Vợ của một bệnh nhân cũ của bệnh viện ở quận 8 điện thoại đến, chồng chị bị cao huyết áp và tiểu đường đã điều trị tại bệnh viện của tôi hơn 10 năm trời. Tối hôm qua bệnh nhân thấy khó thở, huyết áp lên và sốt nhẹ. Gia đình đã cho uống thuốc hạ sốt và hạ huyết nhưng bây giờ bệnh nhân cản thấy khó thở. Người nhà rất lo lắng khi gọi điện thoại cho chúng tôi. “Thế bệnh nhân đã test Covid-19 chưa?”- Tôi hỏi qua điện thoại, người thân bệnh nhân ngập ngừng nói: “Có thử rồi nhưng bác sỹ nói không có gì” Kinh nghiệm mấy chục năm làm nghề chữa bệnh tôi biết qua giọng nói của họ có điều gì đó không thật. Bác sỹ giúp đưa chồng tôi vào bệnh viện của bác sỹ hay bệnh viện nào cũng được, chúng tôi không gọi được xe cấp cứu. Tôi liền điện thoại cho tốp cấp cứu của bệnh viện.
Lên đường lúc 4 giờ 15 phút
Tổ cấp cứu trang phục đầy đủ từ đầu đến chân, từ bác sỹ, điều dưỡng đến tài xế và nhân viên lấy mẫu đã ngồi chỉnh tề trên xe. Chiếc xe lao vút đi trong cái lạnh se se của buổi sáng cuối hè và sắp vào thu của thành phố vốn ồn ào náo nhiệt nhất đất nước, thành phố của miền nhiệt đới của nắng, gió và những cơn mưa rào chợt đến lại chợt đi như một giấc mơ trong đời mỗi người dân thị thành.
Không có tiếng còi hụ giữa buổi sáng
Đến nơi vừa đúng 15 phút, thật là kỷ lục vì ngày thường ngoài mùa dịch quãng đường này phải đi hết gần một giờ. Kẹt xe, nắng nóng vốn là “đặc sản” của các thành phố lớn trong thời đại hoàng kim của lịch sử phát triển của loài người.
Khác với mọi khi, xe chạy nhanh và khá im lặng. Tài xế không còn hụ còi inh ỏi như những ngày chưa có dịch. Đường vắng thông thoáng, xe cứu thương chạy một lèo cần gì phải hụ còi inh ỏi, làm kinh động cả buổi sáng sớm khi mà có nhiều người còn nồng say trong giấc ngủ vừa mới đi vào chiều sâu, sau những lo toan sợ sệt về đại dịch thế kỷ này. Của đáng tội, tất cả những người tôi biết sau thời gian đầu còn khá chủ quan về dịch bệnh covid họ nghĩ đơn giản như bệnh cúm thông thường ấy mà có gì đâu mà lo sợ quá vậy. Nhưng về sau khi thấy số người nhập viện tăng vọt, số người chết mỗi ngày quá nhiều thì họ chuyển sang giai đọan quá ư là sợ hãi. Tôi đã từng chứng kiến có hai bệnh nhân mặc áo mưa đi vào bệnh viện khám bệnh, mặc dù trời không hề có một giọt mưa, thật là buồn cười, không biết nên cười hay nên khóc đây. Nhưng vì do quá sợ nguy cơ mắc bệnh, mặc dù áo mưa làm sao mà che chở cho họ được, chỉ có dãn cách, khẩu trang và vaccin thôi.
Việc gây ra tình trạng quá ư sợ hãi một phần cũng do truyền thông và mạng xã hội. Họ đưa mọi thứ tin, mọi thứ bài giật mọi thứ title gây tâm lý hoang mang lo sợ để câu người đọc, để câu like và câu mọi thứ khác khó mà biết hết được. Với tình trạng hiện nay, chúng ta có thể nói rằng họ đang kinh doanh nỗi sợ hãi, một yếu điểm về tâm lý của con người.
5 giờ sáng
Cả bệnh viện như bừng tỉnh. Trong phòng cấp cứu tiếng bíp đều đều của chiếc monitor theo dõi sinh hiệu của bệnh nhân vẫn vang vọng giữa buổi sáng trong lành. Mùa này bình thường mọi năm thì số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện cũng khá đông, đôi khi là quá tải với những bệnh viện lớn. Người ta đến xếp hàng lấy số có khi từ một giờ sáng. Nguyên nhân do hè đến học sinh được nghỉ và mọi người nhất là ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đưa nhau đi khám bệnh và kiểm tra sức khỏe. Một đặc điểm rất kỳ lạ ở Việt Nam khác hẳn so với các nước khác trên thế giới. Năm nay do dịch và dãn cách xã hội nên rất ít người đi khám bệnh. Ngược lại là sự tràn ngập của những bệnh nhân mắc bệnh cúm Covid-19. Họ nằm đầy các phòng bệnh, nhất là ở khu cấp cứu và khu điều trị bệnh nặng. Thật là mới sáng ra đã quá nhiều điều lo âu cho một ngày mới.
7 giờ, giao ban và hội ý online
Đúng bảy giờ, cô Thạc sỹ điều dưỡng trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Quốc tế Minh Anh, nơi tôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm cố vấn chuyên môn gọi điện thoại nhắc tôi đã đến giờ giao ban và hội ý của bệnh viện online. Rất thuận tiện và bảo đảm nguyên tắc chống dịch là không tụ tập đông người, dù là trong bệnh viện.
Thông thường ngày trước khi có dịch việc giao ban bệnh viện chỉ diễn ra một tuần một lần vào sáng thứ sáu, với toàn thể nhân viên bệnh viện tại hội trường lớn. Trong mùa đại dịch này, công việc phải xử lý nhiều kể cả chuyên môn lẫn hành chính cho kịp với việc khám và chữa bệnh kèm theo chống sự lây lan của virus cúm Covid-19. Nên ban giám đốc bệnh viện đã quyết định chỉ giao ban trong nhóm cán bộ chủ chốt hàng ngày. Mỗi cuộc họp và hội ý chỉ éo dài khoảng 15 phút thôi, còn bao nhiêu việc còn cần giải quyết bao nhiêu bệnh nhân nặng cần khám và điều trị. Ơn trời, trong lúc khó khăn nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc này, có sự giúp đỡ của Internet và công nghệ thông tin mọi việc trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn trước. Thời đại 4.0 mà.
8 giờ, chích ngừa cho cộng đồng
Đúng 8 giờ nhóm chích ngừa ngoài cộng đồng của bệnh viện lên xe xuất hành đến vị trí tiêm. Hôm nay đội chích ngừa của bệnh viện gồm 4 tổ 25 nhân viên tiến hành chích ngừa cho gần 15.000 nhân viên của công ty giày Pouyoen. Một đại công ty có khoảng 60.000 nhân viên, hôm nay là ngày chích thứ tám rồi, tất cả mọi nguồn lực được huy động tối đa, tốc chiến, chạy đua hàng ngày với virus cúm
Việc giữ an toàn cho nhân viên y tế của bệnh viện tất cả mọi người đều được chích ngừa đủ hai mũi theo đúng thời gian theo quy định và mặc đồ phòng hộ kín mít từ đầu đến chân, tay thì đeo găng cao su vô khuẩn. Bộ đồ có tác dụng phòng hộ khá tốt, nhưng rất nóng và khó khăn trong việc vệ sinh cá nhân. Ai đã từng mặc những bộ đồ như thế này đều nhớ đời. Đã có nhiều trường hợp nhân viên đội chích ngừa đã bị xỉu do shock nhiệt khi mặc bộ đồ này mà làm việc liên tục trong môi trường nóng và ẩm là biết thế nào là “lễ độ”ngay. Tuy nhiên vì sự nghiệp phòng chống dịch, vì sự an toàn của chính mình của gia đình và của mọi người toàn thể nhân viên đội tiêm ai cũng cố gắng.
10 giờ, cao điểm tại bệnh viện
Sau vài giờ đồng hồ tạm thời yên ắng. Giờ này tiếng xe cấp cứu lại vang rền ở khu cấp cứu của bệnh viện. Bệnh nhân cấp cứu lũ lượt đổ xuống có lúc quá khả năng tiếp nhận của bệnh viện nhỏ bé của chúng tôi. Người thì sốt, người cao huyết áp và nhiều bệnh khác nữa. Nhưng có điều lạ so với những ngày thường là rất ít tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt v.v... kể cả đâm chém nhau nữa. Trong cơn dịch dã hình như mọi người yêu thương nhau hơn, đường phố như rộng hơn, vắng lặng hơn thì phải.
Điện thoại reng chuông liên tục, hết của bệnh nhân đến của người quen. Họ điện thoại đến hỏi xem có còn nhận thêm được bệnh nhân không? Tình trạng bệnh của người thân trong gia đình có nguy cấp không? Có còn cách nào cứu chữa cho bệnh nhân. Tại khu cách ly bệnh nhân vẫn ùn ùn đổ xuống trong đó phần lớn là nhiễm cúm Covid-19 đúng là thật khổ cho bệnh nhân, cho người nhà và cho nhân viên y tế.
Không thể kể hết những khó khăn do dịch bệnh gây nên, nó làm điên đầu các nhà làm chuyên môn và các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý y tế cũng như xã hội. Chắc chắn là sau khi bớt dịch một trật tự xã hội mới sẽ hình thành và có khi con người phải sống chung với cơn đại “hồng thủy” này trong một thời gian dài.
13 giờ trưa
Tình hình cũng không có gì cải thiện thêm, vẫn bệnh nhân, điện thoại lại công văn. Công văn chống dịch, chỉ thị v.v… bay như bươm bướm. Tình trạng: “sáng nắng chiều mưa, đến trưa lại nắng” liên tiếp xảy ra. Có ngày sáng một công văn chỉ thị, trưa một công văn giải thích công văn trên và chiều lại một công văn thu hồi cả hai công văn, điều lạ kỳ là đều do mộ người ký. Rối loạn tất cả. Cũng phải thôi vì chúng ta chưa từng trải qua một cơn đại dịch nào ghê gớm như vậy. Không có kinh nghiệm lại chống dịch dựa trên hệ thống chính trị mà không dựa trên những nghiên cứu khoa học và những bằng chứng, những suy đoán hợp lý thì dù có chiến thắng đại dịch, chúng ta cũng phải trả giá khá đắt.
Dù đã qua giờ trưa, nhiều nhân viên y tế và cán bộ quản lý của bệnh viện vẫn chưa được ăn trưa. Bắt đầu có hiện tượng một số người tỏ ra mệt mỏi, suy bì tị nạnh với nhau và lơ là trong công tác. Cũng phải thôi con người chứ đâu phải là thần thánh. Thời của những con người trong “thép đã tôi thế đấy” đã qua. Mai sẽ có cuộc họp vừa để chấn chình vừa để động viên tinh thần nhân viên. Một việc rất cần làm trong giai đoạn hiện nay.
Lúc 4 giờ chiều
Công việc của bệnh viện còn quá nhiều, bệnh nhân nằm khu cách ly vẫn chưa lấy mẫu làm PCR xong, đông quá mà theo quy định của ngành y tế để bảo đảm tính chính xác trong điều trị bệnh nhân thì bệnh nhân khi nhập viện hay chuyển viện đều phải có kết quả của test PCR. Quy định này cũng gây khó khăn nhiều cho công tác điều trị và vận chuyển bệnh nhân đến những bệnh viện hoặc các trung tâm chuyên điều tri bệnh nhân Covid-19. Nội việc sắp xếp được chuyện này cũng đỡ đi rất nhiều mọi chuyện phiền toái mà mọi người đôi khi phải nhờ báo chí và mạng xã hội để giãi bày, tâm sự.
Đội chích ngừa cũng vừa xong. Hôm nay gần 2.000 mũi tiêm đã hoàn thành, ơn trời không có tai biến nào cả. Nói thật về vụ chích Vaccin mình là thầy thuốc đã 38 năm chưa bao giờ thấy dù ở nước mình hay trên thế giới việc kiểm soát chích ngừa Vaccin lại quá tả khuynh như vậy. Chỉ nói riêng vấn đề cao huyết áp cũng thấy phức tạp quá rồi. Với sự lo âu về tai biến của tiêm vaccin được truyền thông và thông tin mạng đề cập mỗi ngày cộng với hội chứng áo choàng trắng, kèm theo việc thiếu kinh nghiệm và sợ trách nhiệm của bác sỹ khám sàng lọc thì có đến một phần ba số người đến chích ngừa không được chích vì đo thấy huyết áp tăng cao. Việc này dẫn đến hệ lụy không ổn là có những vùng da beo tạo nguy cơ lây lan nhanh chóng bệnh cúm trong cộng đồng.
7 giờ tối, giờ hoàng đạo
Đúng là giờ hoàng đạo thật, một lúc 5 bệnh nhân vào cấp cứu đủ mặt bệnh cả trong đó có 3 người dương tính với test nhanh Covid-19. Cả 3 đều được đưa xuống khu cách ly. Bệnh viện nhỏ mà không thể chia đôi bệnh viện như các bệnh viện lớn của nhà nước và cũng bắt đầu cuộc tìm kiếm gửi gắm bệnh nhân “vĩ đại” bằng điện thoại. Hàng chục cuộc điện thoại được gọi đi khắp các bệnh viện cũng không nơi nào nhận cả, chỗ nào cũng đầy ắp cả rồi, họ không thể nhận thêm nữa kể cả bệnh nhân nặng đang phải thở oxy. Buồn thật, nhưng bệnh viện của chúng tôi thì không có khả năng điều trị những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Loay hoay gần 2 tiếng đồng hồ, vừa cấp cứu vừa điện thoại tận dụng mọi sự quen biết, ngoại giao đặc biệt mà chúng tôi thường gọi là: “Ngoại giao mùa Covid-19” rốt cuộc cũng có hai bệnh viện chịu nhận bệnh nhân. Họ giục chúng tôi, chuyển nhanh nhé không có là bệnh viện khác họ lấy mất chỗ đấy. Chúng tôi nể thầy của các anh lắm mới nhận đấy. Thở phào một cái, nhẹ hết cả người, nhưng chưa đâu bạn, lại có tiếng xe cấp cứu chạy đến trước bệnh viện rồi, lại có bệnh nhân nặng, lại lo âu căng thẳng. Nhưng biết làm thế nào được, nghề mà nghiệp mà. Đất nước đang trải qua cơn nước sôi, lửa bỏng là công dân nước Việt thì ai cũng phải làm hết sức mình phụng sự cho sự tồn vong của dân tộc, vì sức khỏe của mọi người như lời thề của Hypocrate mà chúng tôi đã đọc ngày ra trường.
10 giờ đêm mới về nhà
Giờ mới về đến nhà, quãng đường dài gần 3 km. Bình thường đi mất khoảng 15 phút nay phải mất 30 phút với gần chục chốt chặn kiểm soát, đường phố vắng lặng rất ít người đi ra phố giờ này, giới nghiêm mà. Cũng phải thôi, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thì không còn cách nào khác ngoài vaccine và giãn cách xã hội. Nhưng nói thật với mọi người là không biết giãn cách đến bao giờ mà nguồn lực kinh tế của người dân thì không phải là vô tận và đang cạn kiệt.
Qua 12 giờ đêm
Bệnh viện có phần tĩnh lặng hơn, ngoài trời đã bắt đầu bớt nóng, những giọt sương đêm bắt đầu đọng trên những cây xanh trong bệnh viện. Những bệnh nhân nặng ở lại trong bệnh viện cũng đã thiu thiu ngủ, giấc ngủ khó khăn và nặng nề sau một ngày cùng các nhân viên y tế chống chỏi lại với bệnh tật. Ngày nào cũng vậy, giờ này cũng là giờ thấm mệt của chúng tôi, góc phòng này cô điều dưỡng đang lơ mơ ngủ ngồi, bác sỹ thì gục tạm trên bàn làm việc.
Là người trong cuộc đã trên 38 năm rồi nhiều khi tôi cũng không hiểu sức lực của chúng tôi ở đâu mà nhiều thế, nghị lực ở đâu mà phi thường đến thế. Chắc là ông trời đã thương mến chúng tôi và tổ tiên nước Việt đã phù hộ cho chúng tôi những người chiến sỹ áo trắng trên tuyến đầu chống cơn đại dịch trăm năm mới có một lần này.
4 giờ sáng ngày hôm sau
Chuông điện thoại vang lên, đánh thức cả cô điều dưỡng và chàng bác sỹ. Sau cuộc điện thoại ấy mọi vật trong cái bệnh viện bé nhỏ này như bừng tỉnh, chiếc xe cứu thương lại được lệnh lên đường xé tan màn đêm lao nhanh trên đường. Mọi thứ đã sẵn sàng cho một ngày làm việc mới.