| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức tiềm năng xuất khẩu của Hải Phòng

[Bài 1]: Thủy sản tiểu ngạch không ổn định, giá bấp bênh

Thứ Năm 30/11/2023 , 14:35 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Xuất khẩu thủy sản qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn được thương lái ở Hải Phòng thực hiện nhiều năm qua, cơ bản có nhiều cái lợi nhưng rủi ro luôn thường trực.

Thương lái Trung Quốc không còn ồ ạt mua cá song ở Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Thương lái Trung Quốc không còn ồ ạt mua cá song ở Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch) thường được nhắc đến trong hoạt động thương mại biên giới giữa thương nhân nước ta với phía Trung Quốc. Khác biệt cơ bản và quan trọng nhất của “tiểu ngạch” so với “chính ngạch” nằm ở hình thức nhập khẩu và địa điểm thông quan, thường là các cửa khẩu phụ, cặp chợ hoặc lối mở biên giới của đối tác phía Trung Quốc.

Thương mại qua đường tiểu ngạch sẽ giúp doanh nghiệp phía Trung Quốc tận dụng được ưu đãi miễn một số loại thuế và việc kiểm soát chất lượng khá lỏng lẻo nên những năm qua, “tiểu ngạch” thường được doanh nghiệp 2 bên biên giới lựa chọn để nhập khẩu nhiều loại nông sản. Tuy vậy, xuất khẩu qua đường “tiểu ngạch” đang dần không còn phù hợp với thị trường Trung Quốc khi phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Ghi nhận tại Cát Bà, nơi thường có hoạt động buôn bán thủy hải sản với thương lái Trung Quốc nhộn nhịp bậc nhất Hải Phòng. Nếu như dịp đầu năm 2023, thương lái Trung Quốc đến tận bè để mua cá song với giá cao ngất ngưởng, không hạn chế số lượng, người dân không đủ cá để bán thì vào dịp gần cuối năm việc buôn bán lại ảm đạm, giá cá sụt giảm.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phần nhiều là do thương lái Trung Quốc ngừng thu mua cá, thêm vào đó thời gian gần đây, lượng cá song tại các địa phương khác trong cả nước bắt đầu nhiều lên. 2 yếu tố này đã đưa giá cá song xuống mức thấp hơn nhiều so với đầu năm, việc buôn bán cũng khó khăn hơn.

Ông Đinh Như Đang, một hộ đang có 150 lồng bè nuôi cá ở Bến Bèo chia sẻ: “Thời điểm đầu năm, thương lái Trung Quốc mua rất nhiều, giá lại cao, có ngày bán được cá lên tới 300.000đ/1 kg và họ mua đến vài chục tấn cá trong 1 ngày. Hiện nay, họ không còn mua như thế, giá cá song chúng tôi chỉ bán được khoảng từ 230-250 nghìn đồng/1 kg”.

Ở Cát Bà hiện còn khoảng 600 tấn cá song. Ảnh: Đinh Mười.

Ở Cát Bà hiện còn khoảng 600 tấn cá song. Ảnh: Đinh Mười.

Khác với trường hợp ông Đang, gia đình ông Bùi Văn Luyện hiện tại là hộ nuôi cá song vua nhiều nhất ở Cát Bà với số lượng khoảng 200 con, trọng lượng giao động từ 40-100kg/1 con, tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo ông Luyện, giá cá song vua ở thời điểm 5-10 năm trước, bán với giá 2 triệu đồng/kg là chuyện bình thường. Đến thời điểm dịch bệnh Covid-19, đầu ra bị tắc, giá cá giảm chỉ còn 500 nghìn đồng/kg. Hiện tại, giá mới tăng dần trở lại nhưng cũng chỉ được khoảng 1 triệu đồng/kg.

Khách hàng mà cá song vua hướng đến những người có điều kiện hoặc xuất ra nước ngoài, trong đó chủ yếu là Trung Quốc bởi giá cả đắt đỏ và ít người biết. Nếu trước đây mỗi tháng bán được 3-4 con thì nay gần như dừng hẳn do nhu cầu mua cá song phía Trung Quốc giảm, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cá song vua.

“Trung Quốc họ chỉ ăn theo mùa, do đó khi hết mùa du lịch thì nhu cầu cũng giảm. Với giá hiện tại, người nuôi cũng có lãi nhưng không được như đầu năm. Nuôi cá song vua rất tốn công, thức ăn cho cá phải luôn tươi. Mỗi ngày cá song vua cũng phải được ăn đến ba, bốn bữa. Phải dài vốn mới thể nuôi được loại cá này”, ông Luyện chia sẻ.

Tiếp tục ghi nhận tại quận Đồ Sơn và khu vực xã Đại Hợp, nhiều thương lái chuyên thu mua hải sản để xuất sang Trung Quốc cũng cho biết, việc đưa thủy sản vào Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân biên giới không còn phù hợp với xu thế phát triển thương mại chất lượng cao, do yêu cầu ngày càng khắt khe.

Đàn cá song vua của ông Bùi Văn Luyện có giá trị lên đến cả chục tỷ đồng. Ảnh: Đinh Mười.

Đàn cá song vua của ông Bùi Văn Luyện có giá trị lên đến cả chục tỷ đồng. Ảnh: Đinh Mười.

“Hàng hóa 'tiểu ngạch' thường được thông quan tại cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở biên giới nên khi phát sinh những tình huống bất thường như dịch bệnh, tăng cường kiểm soát biên giới..., các địa điểm này thường bị tạm dừng hoạt động khiến hàng hóa bị ách tắc, nhiều chuyến buộc phải bỏ đi hoặc thanh lý với giá rẻ”, chị Nguyễn Thị Mai, một đầu mối thu mua hải sản xuất khẩu sang Trung Quốc ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy chia sẻ.

Trên thực tế, ngoài việc xuất khẩu cá song qua đường tiểu ngạch, hàng loạt mặt hàng thủy sản khác ở Hải Phòng vẫn được xuất qua Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nhiều năm qua với số lượng lớn. Ưu thế của việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch là không khắt khe về chất lượng và các thủ tục có phần lỏng lẻo.

Tuy nhiên do hàng hóa thường không ký kết hợp đồng thương mại quốc tế hoặc nếu có thì nội dung đơn giản và doanh nghiệp xuất khẩu thường phụ thuộc vào thương nhân biên giới phía Trung Quốc nên tỷ lệ rủi ro cao.

Mặt khác, xuất khẩu thủy sản qua đường tiểu ngạch, doanh nghiệp phía Việt Nam không chủ động được giá cả và điều tiết được lượng hàng hóa đưa lên biên giới, dẫn đến nguy cơ bị ép cấp, ép giá hoặc “được mùa, mất giá”,…

Do đó, muốn xuất khẩu thủy sản bền vững, doanh nghiệp cần thực thi nghiêm các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiếm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kiểm tra vùng trồng, nhà xưởng,... đối với hàng hóa nói chung, hàng hóa xuất khẩu nói riêng.

Hiện nay trên vịnh Cát Bà còn khoảng 700 tấn cá, trong đó nhiều nhất là cá song. So với đầu năm, việc mua bán diễn ra chậm hơn nhưng giá vẫn cao hơn so với thời điểm dịch Covid-19, người dân vẫn có lãi và đủ phục vụ nhu cầu về du lịch trên đảo. Đối với việc xuất khẩu cá song ra nước ngoài, người dân thực hiện chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên giá cả và thị trường không ổn định, lên xuống thất thường.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất